Camera ẩn dưới màn hình đang là trào lưu mới được hãng điện thoại theo đuổi nhằm tạo ra trải nghiệm màn hình tràn viền trọn vẹn, thay thế các giải pháp màn hình khuyết đỉnh hiện nay như nốt ruồi, giọt nước, tai thỏ hoặc trước đó là camera pop-up (thò thụt).
Galaxy Z Fold 3 đánh dấu lần đầu tiên Samsung trang bị công nghệ camera ẩn dưới màn hình lên smartphone của hãng
Được khởi xướng bởi hãng điện thoại Trung Quốc ZTE với chiếc Axon 20, camera ẩn dưới màn hình đang ngày một phổ biến hơn và mới nhất đã xuất hiện trên 2 mẫu flagship là Xiaomi Mi MIX 4 cùng Samsung Galaxy Z Fold 3.
Về cơ bản, tất cả các camera ẩn dưới màn hình đều sử dụng một trong các cơ chế hoạt động là giảm bớt mật độ hoặc thu nhỏ kích cỡ hay tăng khoảng cách giữa các điểm ảnh tại khu vực màn hình chứa camera để ánh sáng có thể lọt qua nhưng màn hình vẫn có thể hiển thị được màu sắc.
Camera ẩn dưới màn hình trên chiếc ZTE Axon 20
Camera ẩn dưới màn hình trên chiếc Vsmart Aris Pro
Trên Galaxy Z Fold 3, Samsung đã sử dụng cách giảm bớt mật độ điểm ảnh cùng việc tăng khoảng cách giữa chúng. Thực tế, bạn vẫn có thể dễ dàng nhận thấy vị trí camera ẩn dưới màn hình ngay khi chưa bật máy. Khi mở máy lên, sử dụng với hình nền mặc định màu đen, cụm camera ẩn dưới màn hình vẫn hiển thị hoàn toàn rõ ràng. Chỉ khi sử dụng với các nội dung có màu sắc khác, cụm camera mới ẩn đi, nhưng lúc này các điểm ảnh ở khu vực đó lại hiện rỗ hạt, có thể nhìn rõ từng điểm ảnh (pixel), trông không mấy đẹp mắt cho lắm, nhất là với các nội dung màu trắng khi duyệt web, hay ở bảng thông báo cài đặt nhanh, cài đặt hệ thống.
Camera ẩn dưới màn hình trên Samsung Galaxy Z Fold 3
Camera ẩn dưới màn hình của Z Fold 3 có độ phân giải khá thấp, chỉ 4MP, tuy nhiên nó lại có khẩu độ cùng kích cỡ điểm ảnh khá lớn, lần lượt là F1.8 và 2μm, đi kèm góc nhìn trung bình 80 độ.
Điểm thú vị là trên Z Fold 3, ngoài việc sử dụng camera ẩn dưới màn hình để selfie, quay Vlog hay gọi điện video, bạn còn có các lựa chọn khác là camera selfie ở màn hình ngoài với độ phân giải 10MP, khẩu độ F2.2, góc nhìn 80 độ, điểm ảnh 1.22μm.
Z Fold 3 còn có một camera selfie thứ 2 nằm ở màn hình phụ bên ngoài với độ phân giải 10MP
Đồng thời, cụm 3 camera phía sau với các ống kính từ siêu rộng đến tele zoom quang 2X có cùng độ phân giải 12MP cũng có thể dùng làm camera selfie một cách dễ dàng khi kết hợp với màn hình ngoài.
Z Fold 3 cho phép sử dụng màn hình ngoài để làm khung ngắm cho 3 camera chính phía mặt sau, mang đến khả năng chụp ảnh selfie, quay vlog chất lượng cao
Vậy trong các điều kiện sử dụng thông thường, camera ẩn dưới màn hình của Galaxy Z Fold 3 cho chất lượng chụp ảnh và quay video ra sao? có thua thiệt nhiều so với camera selfie 10MP bên ngoài hay các camera chính phía sau hay không? VnReview đã có những thử nghiệm thực tế phía dưới, mời các bạn cùng theo dõi.
1. Ảnh chụp đủ sáng
Trong điều kiện thuận lợi với đầy đù ánh sáng, camera ẩn dưới màn hình của Galaxy Z Fold 3 cho chất lượng không tệ. Ảnh thu được vẫn có độ nét, chi tiết, màu sắc ổn thỏa, có thể sử dụng tốt để chia sẻ lên mạng xã hội. Giống với một số mẫu smartphone sử dụng camera ẩn dưới màn hình trước đó, Samsung đã áp dụng thêm công nghệ AI để xử lý ảnh sau khi chụp. Nếu vừa chụp xong và xem lại ảnh ngay, bạn sẽ thấy máy mất khoảng 1 giây để xử lý nhằm cho ra bức ảnh nét hơn, màu sắc tươi tắn hơn.
Ảnh chụp đủ sáng từ camera selfie ẩn dưới màn hình của Galaxy Z Fold 3
Tuy nhiên, khi so sánh với ảnh chụp từ camera selfie 10MP trên màn hình ngoài hay camera chính góc rộng thông thường 12MP ở mặt sau, có thể thấy chất lượng ảnh có sự khác biệt lớn. Ảnh từ camera selfie 10MP và camera chính 12MP có độ nét, chi tiết, màu sắc đều tốt hơn nhiều.
Zoom cận cảnh vào các bức ảnh phía trên, có thể thấy rõ chi tiết, độ nét, màu sắc của camera ẩn dưới màn hình thấp hơn nhiều camera trên màn hình ngoài hay camera chính phía mặt sau
Bên cạnh đó, camera ẩn dưới màn hình của Z Fold 3 không có chế độ xóa phông như camera trên màn hình ngoài hay camera chính phía mặt sau nên cũng hạn chế phần nào trong việc tạo ra những bức ảnh selfie "lung thị linh", nhất là khi bạn cần xóa mờ phông nền phía sau và muốn làm nổi bật khuôn mặt của mình trong bức ảnh. Đây đơn thuần là tính năng phần mềm nên nhiều khả năng Samsung sẽ sớm bổ sung trong một bản cập nhật phần mềm cho Z Fold 3.
Ảnh selfie xóa phông trên camera 10MP ở màn hình ngoài và camera chính 12MP ở mặt sau của Z Fold 3
2. Ảnh chụp ngược sáng
Với điều kiện phức tạp hơn là ngược sáng, camera ẩn dưới màn hình của Z Fold 3 bị giảm chất lượng khá nhiều. Khuôn mặt người chụp bị tối lại, ám tím.
Khi so sánh với camera trên màn hình ngoài và camera chính phía mặt sau, chất lượng ảnh tiếp tục có sự khác biệt lớn. Camera selfie 10MP ở màn hình ngoài của Z Fold 3 thể hiện tốt nhất với khuôn mặt sáng rõ, độ chi tiết, màu sắc tốt, thậm chí còn tái tạo được cả nền trời xanh và tòa nhà phía sau mà không bị cháy sáng. Trong khi đó camera chính 12MP mặt sau dù có độ nét, chi tiết tốt nhưng khuôn mặt bị ám đỏ, phần tòa nhà và bầu trời cháy sáng mạnh.
3. Ảnh chụp thiếu sáng
Với tình huống khó nhất là thiếu sáng, camera ẩn dưới màn hình của Z Fold 3 thể hiện rõ sự hạn chế của mình. Chi tiết, độ nét lúc này giảm mạnh, màu sắc cũng không còn chính xác.
Đặt cạnh ảnh chụp từ camera trên màn hình ngoài và camera chính phía mặt sau, sự khác biệt có thể thấy là "một trời một vực". Điều này cũng là do mặc định, 2 camera này sẽ tự động kích hoạt chế độ chụp đêm trong điều kiện thiếu sáng, trong khi camera ẩn dưới màn hình của Z Fold 3 không có chế độ này. Camera 10MP trên màn hình ngoài đúng chất sinh ra để chụp selfie khi tiếp tục giữ được phong độ tốt nhất với màu sắc chuẩn xác, độ nét, chi tiết tốt. Camera chính 12MP phía sau tuy có độ nét, chi tiết trội hơn nhưng khuôn mặt lại bị ám đỏ nặng, trông người chụp hệt như vừa ... nốc hết một vại bia vậy.
Khi tắt chế độ chụp đêm tự động trên cả camera trên màn hình ngoài và camera chính phía mặt sau, sự khác biệt vẫn rất rõ rệt. Độ nét, chi tiết, màu sắc của 2 camera này vẫn trội hơn nhiều camera ẩn dưới màn hình.
Ảnh chụp tắt chế độ chụp đêm tự động của camera trên màn hình ngoài và camera chính phía mặt sau
4. Chất lượng quay video
Về khả năng quay video, với độ phân giải 4MP, camera ẩn dưới màn hình của Z Fold 3 cho phép quay video chất lượng cao nhất là Full HD 60p. Trong khi camera 10MP trên màn hình ngoài và camera 12MP mặt sau cho phép quay tối đa 4K 60p.
Giống như khi chụp ảnh, chất lượng quay video của camera ẩn dưới màn hình trên Z Fold 3 vẫn cho kết quả tốt ở điều kiện ánh sáng thuận lợi, xuôi sáng. Khi sử dụng với các điều kiện khó hơn, ngược sáng, chất lượng video sẽ giảm mạnh, ám tím, mặt tối.
Video đủ và ngược sáng quay từ camera selfie ẩn dưới màn hình của Galaxy Z Fold 3
Với camera 10MP ở mặt ngoài, chất lượng quay video vẫn ở mức khá kể cả khi quay ngược sáng, Phần tóc có bị ám tím nhưng khuôn mặt vẫn được giữ sáng, không bị tối đi nhiều.
Video đủ và ngược sáng quay từ camera selfie trên màn hình ngoài của Galaxy Z Fold 3
Với camera chính 12MP ở mặt sau, độ nét, chi tiết, màu sắc đều đạt mức cao nhất, đúng như những gì kỳ vọng.
Video đủ và ngược sáng quay từ camera chính phía mặt sau của Galaxy Z Fold 3
Trong điều kiện khó nhất là thiếu sáng, chất lượng video của camera ẩn dưới màn hình giảm xuống mức rất thấp, gần như không thể sử dụng vì khuôn mặt tối đen và video nhiễu hạt nặng.
Video thiếu sáng quay từ camera selfie ẩn dưới màn hình của Galaxy Z Fold 3
Camera 10MP trên màn hình ngoài cho chất lượng nhỉnh hơn một chút nhưng chi tiết, độ nét và màu sắc cũng chỉ ở mức trung bình.
Video thiếu sáng quay từ camera selfie trên màn hình ngoài của Galaxy Z Fold 3
Camera chính 12MP phía mặt sau thể hiện rõ sự vượt trội trong điều kiện này với khuôn mặt vẫn sáng rõ, video ít nhiễu, màu sắc, chi tiết, độ nét đều ở mức tốt.
Video thiếu sáng quay từ camera chính phía mặt sau của Galaxy Z Fold 3
Tổng kết
Trong lần đầu tiên áp dụng công nghệ camera ẩn dưới màn hình trên smartphone của mình, Samsung cho thấy hãng cũng đã có một số cải tiến so với đối thủ, nhất là ở chất lượng chụp ảnh và quay video. Ở điều kiện ánh sáng thuận lợi, camera ẩn dưới màn hình của Galaxy Z Fold 3 cho chất lượng ổn, hoàn toàn có thể dùng tốt để chia sẻ lên mạng xã hội.
Tuy nhiên, ở các điều kiện khó hơn như ngược sáng hay thiếu sáng, chất lượng ảnh và video giảm mạnh, khó có thể dùng được. Điểm may mắn là Z Fold 3 không chỉ có duy nhất 1 camera này để bạn chụp selfie hay quay vlog mà cung cấp đến 4 tùy chọn khác gồm 1 camera selfie trên màn hình ngoài và 3 camera chính phía mặt sau, với chất lượng tốt hơn nhiều.
Nhìn chung, camera ẩn dưới màn hình của Z Fold 3 sẽ phù hợp nhất khi dùng để gọi điện video hay họp trực tuyến online, còn với nhu cầu selfie và quay vlog, bạn hãy sử dụng 4 camera còn lại để đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Thành Đạt