Cách TP Long Xuyên khoảng 60km, Núi Cô Tô cao 614m, là một trong bảy núi lớn thuộc dãy Thất Sơn (vùng Bảy Núi) của huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái với vẻ đẹp kết hợp hài hòa giữa đất, trời và cánh đồng Tà Pạ bao quanh, cùng hồ Soài So trong xanh dưới chân núi.
Đỉnh Phụng Hoàng Sơn là địa điểm lý tưởng dành cho những người yêu thích cắm trại, khám phá vẻ đẹp hoang sơ của vùng giới An Giang. Ảnh: Quang Thiện
Du khách có thể đi theo đường quốc lộ 91 từ TP Long Xuyên, sau đó rẽ vào đường DT941 ở Ngã ba Lộ Tẻ hoặc nếu muốn tận hưởng cung đường yên tĩnh, thấp thoáng núi đồi và sông nước hiền hòa thì có thể chọn tỉnh lộ 943 đi xuôi về thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn) rồi tìm đường vào Khu du lịch Suối Vàng cách trung tâm thị trấn Tri Tôn khoảng 5km.
Đứng trên đỉnh núi phóng tầm nhìn ra cánh đồng Tà Pạ. Ảnh: Quang Thiện
Với thiên nhiên hoang sơ nơi đây, ít ai biết rằng, núi Cô Tô cũng là một địa điểm cắm trại lý tưởng dành cho dân xê dịch. Từ trên đỉnh Phụng Hoàng Sơn, phóng tầm mắt ra cánh đồng Tà Pạ, ngắm trọn vẹn không gian núi non bao la của vùng Bảy Núi.
Bên tai xào xạc tiếng rừng tre va vào nhau hòa cùng tiếng chuông chùa vọng lại từ xa, không gian phút chốc trở nên u tịch và thanh nhàn hơn bao giờ hết.
Khung cảnh u tịch như làm toát lên vẻ đẹp của thiên nhiên. Ảnh: Quang Thiện
Địa điểm cắm trại quen thuộc ở núi Cô Tô là Vồ Hội Nhỏ, du khách đến đây để tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ và hòa nhập cùng với cuộc sống của người dân nơi đây. Nơi đây cũng là một địa điểm săn mây lý tưởng trong vùng Bảy Núi. Đứng trên Vồ Hội Nhỏ, tựa hồ chỉ cần đưa tay ra là đã có thể chạm vào mây.
Những tảng đá ở đây sẽ phát ra tiếng chuông khi gõ vào. Ảnh: Quang Thiện
Ngoài ra, ở núi Cô Tô, cũng có một địa điểm chưa được khai phá và rất ít người biết đến là đỉnh Điện Chuông. Nơi có những tảng đá phát ra tiếng chuông khi gõ vào.
Đỉnh Điện Chuông vào buổi sớm mai, cảnh vật mờ trong sương, mây trắng bồng bềnh như chốn bồng lai tiên cảnh. Đến đây dựng lều du khách không những được tận hưởng khoảng không riêng tư mà còn được khám phá những điều bí ẩn của thiên nhiên kỳ thú.
Mây, núi và rừng ẩn hiện sau màn sương mờ vào buổi sớm. Ảnh: Quang Thiện
Có nhiều cách để lên núi, du khách cho thể lựa chọn thử sức mình bằng cách leo núi men theo đường mòn, có bậc thang để lên núi. Hoặc để tiết kiệm sức lực, du khách có thể đi xe ôm của người dân địa phương.
Ở núi Cô Tô có đội xe ôm tự quản với bảng giá niêm yết rõ ràng, mức tiền được tính theo từng địa điểm và theo độ cao của núi dao động từ 40.000 đồng – 250.000 đồng.
Hoàng hôn ở núi Phụng Hoàng Sơn. Ảnh: Quang Thiện
Cả hai tuyến đường xe máy và đường đi bộ đều rất khó đi, đường nhỏ và trơn với những dốc dựng đứng 45 độ nối liền với những khúc cua gấp khúc liên tục. Chỉ những xe ôm có tay lái cứng và nhiều kinh nghiệm mới được phép chở khách lên núi, đội xe ôm tự quản ở đây đều là người có thâm niên trong việc chở khách lên núi.
Đối với họ chuyện lên núi và xuống núi dễ dàng như chạy dưới mặt đất. Nhưng nếu lần đầu được trải nghiệm, du khách sẽ không tránh khỏi hiện tượng “tim đập chân run” khi lên đến đỉnh núi.
Địa hình ở núi vẫn còn hiểm trở, du khách nên tìm hiểu thật kỹ và đi cùng với người có kinh nghiệm để đảm bảo an toàn. Ảnh: Quang Thiện
Mặc dù đã được đưa vào khai thác du lịch từ lâu nhưng núi Cô Tô vẫn giữ được nét hoang sơ, hấp dẫn vốn có. Điều này cũng đồng nghĩa với việc địa hình ở núi vẫn còn hiểm trở, du khách nên tìm hiểu thật kỹ và đi cùng với người có kinh nghiệm để đảm bảo an toàn cho bản thân, đặc biệt không nên leo núi vào những ngày thời tiết xấu. Hiện khu vực đỉnh Điện Chuông đã được bố trí khu vực cắm trại với hành lang sắt và sàn gỗ.