Trong hơn 30 năm qua, cụ ông Luo Yingjiu (81 tuổi) ở Trung Quốc một mình điều hành và trông coi sở thú nhỏ do chính ông thành lập. Điều đặc biệt những con vật trong sở thú đều là những loài vật được giải cứu trên đường phố, hoặc sắp bị mang đi giết thịt.
Sở thú của cụ Luo nằm trên Công viên Rừng Núi Phượng Hoàng tại thành phố Ân Thi của tỉnh Hà Bắc còn được mệnh danh là “sở thú cô độc nhất trên thế giới’. Nguyên nhân là do có rất ít người từng tới đây thăm thú, do phần lớn động vật sinh sống tại cơ sở đều không được lành lặn, theo The Paper.
Cụ ông 81 tuổi lấy lương hưu duy trì "sở thú cô độc nhất thế giới" suốt hơn 30 năm ở Trung Quốc. (Ảnh: Bilibili) |
Cụ Luo bắt đầu chăm sóc nhiều loại động vật tại nhà từ những năm 1980. Sau khi nhìn thấy các con vật hoang dã bị mất chi và bị nhốt vào trong những chiếc lồng để bày bán ở chợ, cụ Luo đã quyết định mua chúng về để chăm sóc vì lòng thương cảm. Cụ Luo đưa những con vật bị thương về nhà chữa trị. Sau một thời gian, khi những con vật khỏe mạnh trở lại và có thể tự kiếm sống, cụ Luo sẽ thả chúng về môi trường tự nhiên. Nhưng những con còn yếu và không thể sống độc lập, cụ Luo sẽ giữ chúng lại chăm sóc ở nhà.
Do trong nhà cụ Luo có quá nhiều loài động vật nên chính quyền địa phương đã đề nghị cụ mở một sở thú. Chính quyền địa phương hỗ trợ một phần kinh phí để cụ Luo mở sở thú. Đây là lý do sở thú của cụ Luo được ra đời vào vào năm 1989. Vào thời điểm này, đây là sở thú duy nhất ở thành phố Ân Thi.
Vào thời kỳ huy hoàng, sở thú còn có một số con vật to lớn như một con hổ với phần đuôi bị cắt cụt, và một con sư tử chỉ còn lại ít lông trên người. Nhưng doanh thu của sở thú sau đó sụt giảm nghiêm trọng, do không có khách thăm quan. Những người xem không tỏ ra hứng thú khi tới sở thú bởi ở đây chỉ có những con vật "già, yếu, ốm và tật nguyền”.
Nhiều con vật đang sống trong sở thú của cụ Luo không có khả năng tồn tại trong môi trường tự nhiên. (Ảnh: Bilibili) |
Dù giá vé vào sở thú chỉ là 10 nhân dân tệ (1,6 USD), nhưng cụ Luo cho hay hiếm có ngày nào cụ bán được 1 vé.
Song không gì có thể cản trở quyết tâm, cụ Luo đã dành toàn bộ số tiền lương hưu khoảng 3.000 nhân dân tệ (475 USD) hàng tháng để duy trì sở thú. Cụ cũng nhiều lần từ chối nghe lời khuyên của người khác về việc đóng cửa sở thú.
“Đây không chỉ đơn thuần là một sở thú, nó còn là nơi sống của nhiều loài động vật. Nếu sở thú bị đóng cửa, những con vật này sẽ đi về đâu? Chúng không thể sống trong môi trường tự nhiên”, cụ Luo tâm sự.
Trong suốt thời gian điều hành sở thú, cụ Luo vẫn tiếp tục công tác giải cứu nhiều loài động vật.
Cụ thể, một con gấu đen bị thương ở một bên bàn tay đã được cụ Luo cứu sống cách đây 17 năm. Khi cụ nghe được tin một nhà hàng mang con gấu về nấu, cụ đã tới tận nơi gặp chủ nhà hàng để giải thích việc giết hại gấu đen là hành vi phạm pháp tại Trung Quốc, bởi đây là loài động vật nằm trong danh sách bảo tồn. Sau đó, cụ Luo còn phải bỏ ra số tiền 3.000 nhân dân tệ để mua lại con gấu bị thương và mang về nhà chăm sóc. Kết quả, cụ Luo hết sạch tiền và không còn tiền để mua thức ăn cho mình vào tháng sau.
Cụ Luo chia sẻ, chú gấu Guai Guai rất đáng thương vì nó đã mất một bàn tay. Do đó, cụ thường mua bánh cho chú gấu, bởi đây là thức ăn mà nó yêu thích.
Sở thú của cụ Gao là nơi sinh sống của nhiều loài động vật từ hổ, ngựa và chó. (Ảnh: Bilibili) |
Hay như chú chó Dianzi được cụ Luo mua lại từ người chủ cũ sau khi người này có ý định giết thịt con vật.
Cụ Luo tâm sự dù Dianzi còn nhỏ, nhưng nó có trí nhớ rất tốt. Nó vẫn nhớ trải nghiệm suýt bị giết thịt nên nó không hề muốn nhìn lại mặt người chủ cũ. Ngược lại với cụ Luo, Dianzi tỏ ra là một con vật vô cùng trung thành.
“Hàng đêm, Dianzi lại chạy đi chạy lại và kiểm tra tôi 2- 3 lần xem tôi còn thở không, hay đã ra đi trong lúc ngủ”, cụ Luo kể.
Đáng thương nhất là một con khỉ được nuôi trong sở thú của cụ Luo gần 30 năm. Nó đã gần như bị mù do ảnh hưởng của ánh đèn camera mà du khách thăm quan sử dụng trong lúc chụp ảnh.
“Con khỉ không nhìn thấy gì nên nó rất khó có thể tự ăn. Tôi phải cầm thức ăn và đưa vào tay cho nó và bảo nó ăn”, cụ Luo cho biết.
Với những con vật không may đã qua đời, cụ Luo chôn cất chúng trên ngọn núi kế bên. Cụ khẳng định mình nhớ rõ tên của từng con vật.
“Động vật và con người sinh ra bình đẳng như nhau. Chúng ta cần tôn trọng quyền sống của chúng và tôn trọng sự tử tế của chúng dành cho thế giới. Chúng ta nên để chúng kính trọng loài người”, cụ Luo nhấn mạnh.
Hồi tháng Một, nhờ sự hỗ trợ của người cháu gái, cụ Luo đã cho mở tài khoản trên trang web chia sẻ video Bilibili. Tài khoản của cụ nhanh chóng có 126.000 người theo dõi.
Sau khi những đoạn video về “sở thú cô độc nhất thế giới” được lan truyền trên mạng, nhiều người đã bày tỏ sự ngưỡng mộ trước hành động cao đẹp của cụ Luo.
“Tôi đã khóc khi xem video. Cụ Luo là một nhà hoạt động vì môi trường đáng kính”, một cư dân mạng bình luận.
“Tôi sinh ra ở thành phố Ân Thi, nhưng hiện làm việc tại một thành phố khác. Tôi từng tới thăm sở thú của cụ Luo khi còn nhỏ. Tôi từng nghĩ sở thú này lừa tiền du khách, vì sở thú chỉ toàn những con vật bị thương. Lúc đó tôi không hề biết câu chuyển cảm động phía sau cơ sở này. Lần tới khi trở về nhà, tôi sẽ tới thăm sở thú một lần nữa. Tôi mong cụ Luo luôn khỏe mạnh và tình hình sở thú sẽ được cải thiện”, một người khác chia sẻ.
Minh Thu (lược dịch)