Bạn bè chị Hà nhiều người không đồng quan điểm vì cho rằng như thế là "chắc lép" với nhau; đã là vợ chồng ngủ cùng giường, ăn cùng mâm, chung cha, chung mẹ, chung con, chung của thì hai ví là một, phải tôn trọng nhau, tự giác vun đắp hạnh phúc và tin tưởng nhau. Còn chị Hà lại cho rằng, vợ chồng tuân thủ cam kết hôn nhân là sự văn minh, cuộc sống gia đình sẽ luôn êm ấm, bình đẳng.
Cam kết hôn nhân không phải là tờ giấy đăng ký kết hôn, không phải là một đám cưới, càng không phải là việc sống thử để đo lường hoà hợp. Cam kết hôn nhân, theo chị Hà, là sự thể hiện quan điểm chung, ước mơ chung, mục tiêu chung của hai vợ chồng.
Trước khi kết hôn, vợ chồng chị Hà từng có gần 5 năm yêu đương, tìm hiểu. Cũng như các cặp đôi khác, sau đám cưới, vợ chồng chị Hà mong đợi một tương lai tràn đầy yêu thương, cùng nhau chia sẻ vui buồn trong cuộc sống.
Là người làm trong lĩnh vực luật pháp, chị Hà thấu hiểu hơn ai hết những tình huống xảy ra trong hôn nhân. Chính vì thế, khi quyết định về chung một nhà với anh, chị chủ động chia sẻ thẳng thắn, cởi mở với anh về quan điểm trong mối quan hệ vợ-chồng, những mưu cầu ở tương lai, nguyên tắc sống...
Chị Hà không giấu chồng tương lai về nguồn tài chính cá nhân, trong đó, chị nói rõ trách nhiệm chăm sóc mẹ hàng tháng của mình: "Vì cả bố và mẹ em đều không có lương hưu, em trai em còn đang học đại học nên hàng tháng, em vẫn trích đưa mẹ 5 triệu đồng từ tiền lương để mẹ lo cho gia đình.
Giờ em kết hôn, trong thời gian em trai còn đi học, em sẽ vẫn trích từ 1 đến 2 triệu đồng để phụ mẹ lo cho em trai đến khi cậu ấy ra trường, có công ăn việc làm".
Sau khi cả hai bàn bạc, đã cùng đi đến thống nhất: Hàng tháng, mỗi người sẽ bớt lại cho mình không quá 30% tiền lương để chủ động việc cá nhân, số còn lại sẽ góp vào quỹ chung. Khi có công to, việc lớn hay vấn đề gì đột xuất ngoài khả năng tài chính cá nhân, vợ chồng sẽ cùng trao đổi, bàn bạc.
Trước mắt, sau khi cưới, vợ chồng ở chung với bố mẹ chồng nên sẽ đóng góp 40%- 50% (quỹ lương chung) để trang trải ăn uống, sinh hoạt. Số còn lại sẽ dành làm vốn tiết kiệm, sau này lo cho con và gia đình nhỏ.
"Chúng ta thẳng thắn trên tinh thần xây dựng ngay từ đầu, sẽ tránh được những phát sinh. Vợ chồng thống nhất trước khi bắt đầu một việc gì đó, tôi cho rằng đó là cách chúng ta tôn trọng nhau. Khi yêu, hai người không ở chung nhà, không chung cha mẹ, kinh tế, các mối lo toan…, vì thế, sự ràng buộc với nhau mới chỉ đơn thuần là tình cảm.
Thế nhưng, khi về sống cùng một mái nhà, sẽ hình thành nghĩa vụ, trách nhiệm chung. Vợ chồng là sự kết hợp của hai cá thể, vì thế, tất cả những mối quan hệ, từ cha mẹ, họ hàng, bè bạn… đều được nhân đôi. Trước khi kết hôn, nếu vợ chồng không chia sẻ, bày tỏ quan điểm cá nhân, thống nhất với nhau về trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người thì sau này dễ nảy sinh xung đột, mâu thuẫn", chị Hà bày tỏ.
Có lẽ, vì trước kết hôn đã có sự thống nhất giữa hai vợ chồng nên sau kết hôn, các mối quan hệ (tình cảm, vật chất, ứng xử với đằng nội - đằng ngoại) của vợ chồng chị Hà diễn ra khá thuận buồm xuôi gió. Chị Hà khẳng định, sự chân thành, trung thực, luôn có tinh thần xây dựng chính là tiền đề để vợ chồng gắn bó với nhau lâu dài.
Theo Gia đình & xã hội