Cấm sờ vào hiện vật, cấm quay phim chụp ảnh, cấm cho thú vật ăn…, những tấm biển báo xuất hiện khắp các địa điểm du lịch, tham quan, giải trí. Thế nhưng, trong mắt nhiều người, tấm biển... vô nghĩa.

Có cũng như không

Vừa trở về từ tour tham quan các tỉnh miền Tây, chị Mai Phương (ngụ quận 1, TPHCM) không giấu được sự bức xúc. Chị kể, trong hành trình của đoàn có điểm dừng chân tại Khu di tích nhà công tử Bạc Liêu. Háo hức và trầm trồ với khuôn viên ngôi nhà rộng lớn, bề thế, nhưng ngay lối vào cửa chính là một hình ảnh xô bồ chen chúc để chụp hình với chiếc siêu xe cổ.

“Tôi thấy ban quản lý khu di tích này đã để dải chắn bên ngoài, nhưng nhiều người vẫn cố tình phớt lờ. Họ hoặc trèo hoặc chui vào để được sờ tận tay chiếc xe cổ, rồi tạo dáng đủ kiểu, bao giờ thấy ưng ý mới thôi”, chị Phương chia sẻ. Theo chứng kiến của chị, một vài khách tham quan thấy khó chịu, nhắc nhở, nhưng có người vẫn cố tình phớt lờ.

Bên trong ngôi nhà, những tấm biển báo “không ngồi, sờ lên hiện vật” được đặt khắp nơi: từ chiếc giường, những bộ bàn ghế, bàn trang điểm, sập gụ… nhưng không có tác dụng. Nhiều người miệng vừa trầm trồ khi nghe hướng dẫn viên thuyết minh về từng món đồ nhưng khi đám đông rời đi đã tranh thủ ngồi xuống ghế, giường… với lý do “thử trải nghiệm cuộc sống vương giả”.

Khách tham quan trong Thảo cầm viên Sài Gòn ảnh 1
Khách tham quan trong Thảo cầm viên Sài Gòn

Cũng chuyện cái bảng cấm, khi tham quan Thảo cầm viên, dù có rất nhiều biển báo không chọc phá thú, không cho thú ăn… nhưng nhiều gia đình vẫn phớt lờ. Chị Thùy Linh (ngụ quận 12, TPHCM) từng chứng kiến hành động khiến bản thân giật mình.

“Khi đi tham quan khu vực nuôi khỉ, tôi thấy một gia đình cho con nhỏ cầm đồ ăn đưa cho khỉ vì thấy chúng khá gần gũi, lại không có biểu hiện gì nguy hiểm. Thế nhưng, vì đám đông xuất hiện khá nhiều khiến con khỉ bất ngờ giật đồ ăn trên tay rồi nhảy tót đi, khiến cô bé hoảng hốt khóc toáng lên. Cũng may, cô bé không bị thương”.

Tham quan Thảo cầm viên không khó để bắt gặp hình ảnh các du khách ném đồ ăn, đồ vật vào các chuồng nuôi thú, đặc biệt ở cả những khu vực có biển báo cấm. Thậm chí, trước đây từng có video lan truyền hình ảnh một con đười ươi cầm thuốc lá hút một cách thản nhiên.

Đẹp mình cũng phải đẹp cộng đồng

Nhiều người cố tình sờ, chạm vào hiện vật rồi chụp hình đăng tải lên mạng xã hội giống như một cách khoe khoang. Với họ, có thể những bức hình đó là thành quả đáng tự hào và họ không quan tâm hành động của mình có gây ra sự phản cảm, xấu xí, hay ảnh hưởng đến trải nghiệm của những người xung quanh hay không.

Và hiển nhiên, họ cũng không nghĩ đến việc nó thậm chí có thể làm hư hại đến các hiện vật đang được bảo quản, giữ gìn cẩn thận. Hay như những hành động ở sở thú, vừa tạo ra mối nguy hiểm cho bản thân, đồng thời trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của các con thú, như hành động cho đười ươi hút thuốc kể trên.

“Tôi nghĩ, vấn đề ở đây phụ thuộc rất lớn vào câu chuyện ý thức của chính người lớn chúng ta. Đã có những tấm biển cảnh báo mà vẫn cố tình phớt lờ, nhiều khi tự đặt bản thân, người thân vào sự nguy hiểm. Bởi những hành động tưởng chừng là vô hại, song có những hậu quả rất khó lường”, chị Thùy Linh cho biết thêm.

Không phải ngẫu nhiên những tấm biển báo cấm sờ vào hiện vật được đặt ở nhiều nơi trong các khu di tích, bảo tàng, triển lãm… ngay cả khi hiện vật được trưng bày trong tủ kính, hay có các biện pháp bảo vệ khác. Đó là một trong những cách để bảo quản, giữ gìn hiện vật có thể tồn tại lâu hơn theo thời gian. Một cái chạm tay nhẹ của một cá nhân tưởng chừng vô hại nhưng nếu khi tham quan ai ai cũng tiện tay chạm vào hiện vật thì chắc chắn nó sẽ bị hao mòn nhanh hơn.

Cũng từng có ý kiến, nếu vẫn giữ cách làm truyền thống kiểu tham quan “cưỡi ngựa xem hoa” sẽ khiến du khách không hứng thú. Do đó, họ muốn không chỉ được tận mắt chứng kiến mà còn tận tay sờ vào các hiện vật để cảm nhận. Điều này có thể đúng ở một phương diện nào đó.

Và đó cũng là lý do hiện nhiều địa điểm tham quan đã gia tăng trải nghiệm của du khách thông qua những hoạt động thực tiễn, hay áp dụng công nghệ cho phép người dùng tương tác và tìm hiểu thông tin một cách trực tiếp. Như tại Thảo cầm viên cũng có những khu vực cho phép khách được mua đồ ăn và cho thú ăn.

Nhưng những tấm biển báo dù là vô tri kia sẽ chẳng bao giờ là thừa, bởi không phải hiện vật, động vật nào cũng có thể tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt là đối với những hiện vật quý, những sinh vật nhạy cảm. Và có lẽ cũng cần những biện pháp xử lý nghiêm với những trường hợp cố tình vi phạm, như việc xử phạt hoặc thậm chí mời khỏi nơi tham quan để tạo nên những môi trường tham quan văn hóa, lành mạnh.

Hải Duy

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cấm cũng như không
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO