Trước đây, cảm biến va chạm chỉ được trang bị trên các dòng xe cao cấp. Dần dần, cảm biến này trở nên phổ biến trên cả các mẫu xe phổ thông, hỗ trợ tích cực cho người lái, giúp giảm rất nhiều số vụ va chạm và tai nạn hàng năm.
Khi lái xe, tài xế thường mất tập trung hoặc thiếu quan sát, gặp vật cản che mất tầm nhìn, dễ dẫn đến các va chạm. Ngày nay, công nghệ phát triển, các thiết bị hiện đại ra đời sẽ giải quyết bài toán này, hỗ trợ cảnh báo nguy hiểm cho người lái để kịp thời xử lý.
Bộ cảm biến va chạm trên ô tô thường được đặt ở phía trước đầu xe hoặc đuôi xe, quan sát xung quanh xe nhằm phát hiện kịp thời những nguy cơ xảy ra va chạm và phát ra cảnh báo.
Tính năng của cảm biến va chạm ô tô
Tính năng nổi bật của cảm biến va chạm ô tô đúng như tên gọi, giúp phát hiện vật cản trên đường nằm trong những điểm mù, đưa ra cảnh báo bằng âm thanh hoặc hình ảnh để người lái có thể xử lý tình huống kịp thời, giảm thiểu nguy cơ xảy ra va chạm, đảm bảo an toàn cho lái xe và người đi đường.
Ban đầu cảm biến cảnh báo va chạm nhận biết môi trường xung quanh qua sóng hồng ngoại. Ngày nay, sóng hồng ngoại được thay thế bằng sóng radio cho phép phát hiện các chướng ngại vật ở phạm vi lớn hơn, cho người lái nhiều thời gian hơn để xử lý tình huống.
Bên cạnh các cảm biến va chạm trước (lắp ở đầu xe) và cảm biến va chạm sau (lắp ở đuôi xe), các dòng xe sang còn được trang bị cảm biến phát hiện va chạm xung quanh thân xe, tăng khả năng kiểm soát toàn diện và chủ động cho người lái, giảm thiểu va chạm và thiệt hại cho chủ xe.
Các cảm biến va chạm có khả năng phát hiện vật cản khi xe đang chuyển động và cung cấp phản hồi nhanh nhạy theo thời gian thực, ngay lập tức chuyển đổi thành tín hiệu cảnh báo tới người lái.
Cách hoạt động của cảm biến va chạm ô tô
Khi xe di chuyển, các cảm biến liên tục phát sóng siêu âm hoặc sóng điện tử để nhận biết các chướng ngại vật xung quanh. Dữ liệu từ cảm biến va chạm được gửi tới hệ thống xử lý đo khoảng cách giữa các phương tiện với chướng ngại vật đang chuyển động hay đứng yên. Toàn bộ quá trình hoạt động của cảm biến được thực hiện trong 1/1.000 giây theo thời gian thực, nhanh chóng đưa ra cảnh báo về các nguy cơ xảy ra va chạm, cho phép người lái chủ động xử lý tình huống ngay lập tức.
Khi phát hiện chướng ngại vật, các cảnh báo bằng âm thanh hoặc hình ảnh đưa ra cảnh báo cho lái xe, đồng thời hiển thị số và vạch chia màu, xác định khoảng cách giữa xe và vật cản và vị trí của chướng ngại vật nằm bên phải hay bên trái của xe.
Khoảng cách giữa xe và vật cản càng gần, âm thanh cảnh báo sẽ càng to và nhanh hơn. Lái xe sẽ căn cứ vào âm thanh này và các vạch màu cảnh báo để xác định được khoảng cách và có hướng xử lý hiệu quả.
Cảm biến va chạm ô tô cũng được sử dụng để kích hoạt hệ thống túi khí. Khi xảy ra va chạm mạnh, các bộ phận trong xe sẽ bị biến dạng. Lúc này hệ thống cảm biến nhận tín hiệu và truyền thông tin tới bộ xử lý trung tâm, bơm đầy khí vào trong túi và bung ra, toàn bộ quá trình diễn ra trong 0,04 giây. Vì vậy, các cảm biến này đều được lập trình để ghi nhận những thông tin một cách chính xác tuyệt đối.