Thống kê của truyền thông nước này cho thấy, vào năm 2022, cứ 100 nghìn người thì có sẽ có 25,2 người tự tử. Tỷ lệ này cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ trung bình của OECD khoảng 10-11 ca tử vong trên 100.000 người dân. Mới đây, một bộ dữ liệu được công bố bao gồm các thông tin quan trọng từ hồ sơ phản hồi đầu tiên đến các trường hợp đến phòng cấp cứu và số liệu thống kê về tử vong của chính phủ, đã làm sáng tỏ vị trí tuyến đầu của cuộc khủng hoảng tự tử ở đất nước này.
Phụ nữ, ngộ độc và tại nhà
Dữ liệu do Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc công bố, xem xét tất cả “các trường hợp tử vong do tác hại từ bên ngoài” bao gồm các trường hợp tử vong do các yếu tố bên ngoài như: tai nạn, bạo lực, tự tử, ngộ độc hoặc thiên tai.
Trong số 26.148 trường hợp tử vong như vậy xảy ra ở Hàn Quốc vào năm 2021, có 13.352 ca tự tử, chiếm gần một nửa số trường hợp. Và ở nhóm tuổi 10-49, tỷ lệ tử vong do tự tử tăng lên hơn 70%. Với 13.352 vụ tự tử mỗi năm tương đương với 36,6 trường hợp tử vong mỗi ngày. Như vậy, cứ 39 phút lại có một vụ tự tử.
Ghi nhận của hệ thống thông tin của Khoa Cấp cứu Phòng chống Tự tử (SPEDIS) khi theo dõi các trường hợp liên quan đến tự tử đến phòng cấp cứu tại 23 bệnh viện lớn ở Hàn Quốc đã cung cấp cái nhìn chi tiết hơn về những trường hợp tự sát hoặc tương tự. Số liệu cho thấy, số phụ nữ có ý định tự tử cao gấp khoảng 1,8 lần so với nam giới ở mức 16.425 so với 9.109 vào năm 2021.
Ngộ độc cho đến nay là cách thức phổ biến nhất, chiếm 80,7% tổng số vụ tự tử và cố gắng tự sát. Khoảng 80,5% trường hợp tự đầu độc liên quan đến dùng thuốc quá liều, tiếp theo là uống thuốc trừ sâu (9,3%) và hít phải khí (7,8%). Trong số ba loại đã nêu, việc nuốt phải thuốc trừ sâu được phát hiện có tỷ lệ tử vong cao nhất ở mức 18,6%.
Trong số tất cả các cách thức tự làm hại bản thân, đuối nước, ngạt thở và treo cổ có tỷ lệ tử vong cao nhất với 33,9%.
Phân tích sâu hơn cho thấy rằng các trường hợp đến phòng cấp cứu vì tự tử hoặc tự làm hại bản thân tập trung trong khoảng thời gian từ 8 giờ tối đến 4 giờ sáng, hầu hết, các sự việc này xảy ra tại nhà hoặc tại các cơ sở dân cư.
'Các vật dụng nguy hiểm được dùng để tự sát'
Dữ liệu về các vụ tự tử, chẳng hạn như bộ dữ liệu nói trên, tạo thành nền tảng cho việc xây dựng chính sách chống tự tử tại quốc gia này.
Chẳng hạn, Bộ Y tế và Phúc lợi chỉ định “các vật dụng nguy hiểm được sử dụng để tự sát” trong Đạo luật Phòng chống Tự tử và Xây dựng Văn hóa Tôn trọng Sự sống.
Danh sách các đồ vật nguy hiểm dùng để tự sát lần đầu tiên được lập vào năm 2020 nhằm mục đích quản lý chặt chẽ hơn những đồ vật thường xuyên được sử dụng hoặc có khả năng được sử dụng làm phương tiện tự sát.
Danh sách này ban đầu chỉ bao gồm hai loại. Chúng là những vật liệu được sử dụng để gây ngộ độc carbon monoxide, cụ thể là than bánh và thuốc trừ sâu. Trong nhiều thập kỷ, hai loại này là phương tiện được sử dụng thường xuyên nhất để tự làm hại bản thân, có thể là do chúng có độc tính cao và dễ dàng tiếp cận.
Vào tháng 1 năm nay, cơ quan chức năng đã bổ sung vào danh sách các loại thuốc kê đơn như thuốc ngủ Zolpidem.
Gần đây hơn vào tháng 12, natri nitrit, một chất bảo quản thực phẩm thường thấy trong xúc xích và các loại thịt chế biến khác, mới được coi là đối tượng nguy hiểm, đẩy số danh mục trong danh sách lên bốn.
Dữ liệu của cảnh sát cho thấy quốc gia này đã chứng kiến sự gia tăng các vụ tự tử liên quan đến natri nitrit trong những năm gần đây, từ không có vụ nào vào năm 2017 lên 46 vụ vào năm 2021.
Danh sách này chặn việc bán và phân phối trực tuyến chất bột màu trắng, có thể gây chết người với liều lượng nhỏ từ 4 đến 6 gam. Nếu vi phạm có thể bị phạt tới 2 năm tù và phạt tiền lên tới 20 triệu won (15.344 USD).