Hôn nhân là một trong những việc quan trọng nhất của đời người, muốn sống hạnh phúc nhất định phải tìm được người phù hợp. Vậy nên bạn cần tìm hiểu bạn đời thật kỹ trước khi kết hôn, đồng thời nên cân nhắc lời khuyên của bố mẹ, bởi người lớn tuổi thường sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời.
Tiểu Lệ và Tiểu Trương (hiện sống ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) quen nhau khi làm việc chung trong nhà máy. Ban đầu hai người chỉ là đồng nghiệp, nhưng sau đó dần nảy sinh tình cảm.
Trong thời gian yêu đương và sống chung, Tiểu Trương đối xử với bạn gái rất tốt, nếu có 10 đồng anh sẽ đưa cho cô 8 đồng. Mỗi khi tan làm về, anh còn nấu ăn, giặt giũ, làm mọi việc trong nhà. Nói chung, anh chiều chuộng bạn gái hết mực, không chê ở điểm nào được.
Sau khi cả hai chung sống với nhau một thời gian, cặp đôi nhận định đối phương chính là người họ muốn gắn bó cả đời. Cuối cùng, cả hai quyết định bàn tới chuyện hôn nhân.
Mỗi khi tan làm về nhà, Tiểu Trương lại làm việc nhà, không nề hà bất cứ việc gì.
Thế nhưng, bố mẹ người Tiểu Lệ lại kịch liệt phản đối mối quan hệ giữa hai người, bởi nhà Tiểu Trương quá nghèo. Nhà Tiểu Trương quê rất nghèo, bản thân anh làm việc trong nhà máy với mức lương bèo bọt vài nghìn tệ một tháng, trừ tiền ăn uống, thuê nhà ra thì chẳng còn được bao nhiêu. Chính vì vậy, gia đình Tiểu Lệ không muốn cô gả cho anh, vì sợ cô sẽ phải chịu khổ.
Nhưng Tiểu Lệ lại tin rằng chỉ cần hai người thực sự yêu nhau thì tình yêu sẽ biến thành động lực, ông trời cũng nhất định sẽ che chở cho những người yêu nhau.
Bất chấp sự phản đối gay gắt của bố mẹ, Tiểu Lệ nhất quyết kết hôn với Tiểu Trương. Vì chuyện này, bố mẹ giận cô lắm. Nhưng cô cũng chẳng quan tâm, những ngày tháng sau đó rất hiếm khi về thăm bố mẹ.
Dù chồng đối với cô rất tốt, nhưng cô vẫn thấy chán nản với cuộc sống hiện tại vì quá nghèo.
Đến nay đã 8 năm trôi qua, những tháng ngày tươi đẹp mà cô mong đợi bên người mình yêu đã không đến. Thực tế đã giáng một đòn mạnh vào mặt cô.
Trong 8 năm qua, chồng cô không hề có ý chí cầu tiến, anh bằng lòng với cuộc sống ăn bữa nay lo bữa mai. Anh hoàn toàn không có kế hoạch cho tương lai.
Hai người họ bây giờ vẫn như 8 năm trước, sống trong một căn nhà thuê, trong nhà cũng chẳng có mấy món đồ đáng giá. Lương tháng chỉ hơn 4.000 tệ (hơn 13 triệu đồng), trừ các khoản chi phí thì chẳng còn bao nhiêu nên các bữa ăn hàng ngày rất đạm bạc.
Thấy tương lai mù mịt, ảm đạm, người phụ nữ bật khóc hối hận vì năm xưa không nghe theo lời bố mẹ. “Xung quanh tôi ai cũng có nhà có xe, nhưng tôi không có cái gì cả. Không biết cuộc sống khổ cực này đến bao giờ mới chấm dứt đây. Cuộc sống như thế này, tôi không còn mặt mũi nào để về nhà gặp bố mẹ nữa. Tôi hối hận vì đã không nghe lời bố mẹ”, Tiểu Lệ chia sẻ.
Chia sẻ của người phụ nữ nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Một số cho rằng người phụ nữ nói như thế là không nên, ngày trước và bây giờ chồng vẫn yêu cô, có người chồng tốt như vậy thì cô nên trân trọng và cùng anh cố gắng hơn.
Tuy nhiên, số khác cho rằng điều người phụ nữ cảm thấy chán nản nhất ở đây chính là chồng không có ý chí tiến thủ nên cô mới không thấy tương lai, chứ không phải vì cô chê anh nghèo.
Một số khác lại nói, nếu muốn thay đổi hiện trạng, có phàn nàn cũng vô ích, hai người phải cùng nhau phát triển và cùng nhau thay đổi mới được. Suy cho cùng, gia đình là một “cộng đồng thu nhỏ”, sống không tốt không thể đổ hết trách nhiệm lên một người. Đó là hành vi rất vô trách nhiệm.
Lấy chồng nghèo thì không hạnh phúc?
“Chồng nghèo thì làm sao có vốn tích lũy, có cuộc sống đủ đầy như người khác?”, “Khi gặp xui rủi, hoạn nạn phải bấu víu vào đâu?”, “Lấy chồng nghèo khi có dịp dắt nhau về quê có bị mọi người khinh không?”,… là những câu hỏi khá thường trực của nhiều chị em khi mà trong xã hội ngày nay, mỗi ngày mở mắt ra là hàng trăm thứ vận hành bằng tiền.
Có lẽ trong xã hội có không ít cặp đôi như Tiểu Lệ và Tiểu Trương, không ít người phụ nữ cảm thấy hối hận khi lấy chồng nghèo như Tiểu Lệ. Nhưng thật ra, nghèo không phải là nguyên nhân duy nhất khiến bạn cảm thấy đau khổ, mệt mỏi và chán nản trong hôn nhân.
“Đau khổ” hay “hạnh phúc” vốn dĩ nằm ở thái độ sống của cả hai vợ chồng. “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”, chỉ cần vợ chồng đồng sức đồng lòng, cùng suy nghĩ thì cuộc sống vẫn sẽ trôi qua êm ả. Sự méo mó trong hôn nhân chỉ xuất hiện khi hai trái tim không còn chung một nhịp đập, hai vợ chồng không có chung tư tưởng và sự lựa chọn.
Theo GĐ&XH