Xông bằng dược liệu
Nguyên liệu gồm: hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, húng quế, gừng, tỏi, lá bưởi, kinh giới, tía tô, tràm gió,... Theo đó, có thể dùng 1 loại dược liệu hoặc phối hợp nhiều loại dược liệu, mỗi loại 200g - 400g, tuỳ theo diện tích phòng.
Cách làm: cho dược liệu vào nồi, đổ nước ngập dược liệu, đậy nắp nồi, đun sôi lăn tăn, mở nắp để hơi nước bão hòa tinh dầu khuếch tán ra không gian phòng, tiếp tục đun sôi nhỏ thêm 30 phút, đóng cửa phòng khoảng 20 phút. Ngày làm hai lần, sáng và chiều.
Xông bằng tinh dầu
Nguyên liệu gồm: tinh dầu hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, hương nhu, bưởi, tràm, quế,... được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành (mua tại các nhà thuốc có uy tín).
Cách làm: tùy theo diện tích phòng (10 - 40m2), lấy lượng tinh dầu phù hợp (2 - 4ml), hòa tan tinh dầu trong ethanol 75%, lắc đều, cho vào bình xịt phun sương, xịt quanh phòng, đóng cửa phòng khoảng 20 phút, ngày xịt 2 đến 3 lần.
Lưu ý, cả hai phương pháp này không được xông trực tiếp vào người, chỉ xông cả phòng hoặc xông mặt. Nếu xông cả người sẽ mất nước và điện giải.
Đặc biệt, không xông tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người có dị ứng với tinh dầu.
Ngoài trẻ em, người già yếu, mắc bệnh mãn tính, suy nhược cơ thể cũng không được tùy tiện xông hơi một mình mà cần người hỗ trợ. Trong quá trình xông nếu thấy khó thở, tức ngực, choáng váng hay bất cứ dấu hiệu bất thường nào, cần ngừng ngay.