Cách ứng phó với mâm cơm ngày Tết thừa thịt, thiếu rau

Tùng Giang - Đức Thiện| 25/01/2023 08:22

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong mâm cơm ngày Tết của các gia đình không nên để tình trạng “thừa thịt, thiếu rau”, việc này sẽ khiến bữa ăn mất cân đối, không hợp lý và dẫn đến thiếu hụt vitamin, khoáng chất trong cơ thể.

Cách ứng phó với mâm cơm ngày Tết thừa thịt, thiếu rau
Mâm cơm tất niên truyền thống của người Việt. Ảnh: GG

Bữa cơm thừa thịt - thiếu rau

Trong mâm cơm truyền thống của các gia đình Việt gồm chủ yếu các loại thực phẩm như thịt gà, giò lụa và các loại thịt, món xào và một món rau là canh măng. Ngoài ra, nhiều người cũng có thói quen đun đi đun lại thức ăn đã qua chế biến nhiều lần.

Trước thói quen này, trao đổi với Lao Động, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, việc thường xuyên ăn các bữa ăn quá thừa thịt và thiếu rau xanh sẽ gây thiếu hụt các loại vitamin và khoáng chất trong cơ thể.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, những bữa ăn quá thừa thịt, món ăn thường bị lặp đi lặp lại giống nhau trong mỗi bữa sẽ làm người ăn cảm giác không ngon. Ngoài ra, thức ăn thường nguội, lạnh do thực phẩm đã chế biến sẵn, món ăn sau khi chế biến xong thường để thờ cúng tổ tiên trong khoảng 40-60 phút gia đình mới sử dụng cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến thực phẩm.

Trong khi đó, người dân có thói quen dự trữ các loại thức ăn giàu chất đạm, mà xem nhẹ các loại rau xanh và hoa quả. Theo bác sĩ Tiến, trong rau xanh chứa nhiều vitamin, khoáng, chất xơ được coi là những vị thuốc kháng sinh thực vật rất tốt.

“Các loại rau xanh (súp lơ, cần tây, tỏi tây, cà chua) và các loại quả (cam, chanh, quýt...) là nguồn cung cấp vitamin C. Rau quả còn chứa nhiều chất khoáng có tính kiềm đặc biệt là kali, can xi, magiê có vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động của cơ thể”, bác sĩ Tiến cho hay.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến khuyến cáo, trong bữa ăn ngày Tết người dân đừng quên rau xanh và hoa quả chín, thậm chí có thể ăn với số lượng nhiều và thoải mái. Nhu cầu rau xanh là 400 gr/người/ngày và quả chín là 100-200 gr/người/ngày.

Lợi ích và cách làm sạch rau thơm (rau sống)

Nói về việc người dân thường có thói quen ăn rau thơm (rau sống) trong dịp Tết, theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, trong bữa cơm ngày Tết ngoài các thức ăn giàu đạm thì nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng chủ yếu từ các loại rau sống.

Rau sống
Rau sống chứa nhiều vitamin tốt cho sức khỏe. Ảnh: EATTHIS

Vị bác sĩ phân tích, rau sống với đa dạng các loại rau gia vị cung cấp cho cơ thể một lượng vitamin C, A, E, chất khoáng và một số yếu tố vi lượng. Các vitamin trong rau sống được bảo toàn nguyên vẹn, ít bị hao hụt so với khi nấu chín. Ngoài ra các loại rau thơm còn cung cấp một lượng kháng sinh thực vật giúp cơ thể tăng sức đề kháng với bệnh tật.

“Nhưng để đảm bảo rau sạch cần phải sơ chế sạch, rồi rửa nhiều lần bằng nước sạch, tốt nhất là rửa trực tiếp từng lá dưới vòi nước chảy là biện pháp hiệu quả nhất để loại bỏ trứng giun, vi khuẩn gây bệnh và dư lượng hoá chất trừ sâu còn bám trên lá rau. Để cả gia đình được khỏe mạnh, mọi người hãy ăn uống điều độ, hợp lý và hợp vệ sinh”, bác sĩ Tiến nói.

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Cách ứng phó với mâm cơm ngày Tết thừa thịt, thiếu rau
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO