Ngày 1/3, TikTok cho biết sẽ giới hạn thời gian sử dụng 60 phút/ngày cho người dưới 18 tuổi. Nếu muốn dùng thêm 30 phút, trẻ dưới 13 tuổi cần được phụ huynh cho phép bằng cách nhập mã, trong khi người 13-18 tuổi có thể tự quyết định.
Chưa thể đánh giá hiệu quả của quy định này. Tuy nhiên theo MIT Technology Review, ứng dụng đến từ Trung Quốc đã tiếp thu ý kiến từ phụ huynh và nhà lập pháp, những người lo ngại tình trạng "nghiện" mạng xã hội ở trẻ vị thành niên.
Đây mới là những động thái đầu tiên nhằm kiểm soát thời gian sử dụng app của trẻ em toàn cầu. Trong khi đó, công ty mẹ ByteDance đã áp dụng hàng loạt quy định nghiêm ngặt cho phiên bản Douyin tại Trung Quốc từ năm 2018.
Giới hạn nghiêm ngặt tại Trung Quốc
Năm 2018, Douyin đã ra mắt công cụ kiểm soát cho phụ huynh, cấm người chưa đủ tuổi xuất hiện trong livestream. Ứng dụng còn bổ sung chế độ thanh thiếu niên với nội dung chắt lọc tương tự YouTube Kids.
Đến năm 2019, Douyin giới hạn thời gian sử dụng trong chế độ thanh thiếu niên là 40 phút/ngày, truy cập từ 6h đến 22h. Hai năm sau, người dưới 14 tuổi chỉ được sử dụng Douyin trong chế độ thanh thiếu niên.
Để đảm bảo thanh thiếu niên không sử dụng tài khoản của cha mẹ, mọi tài khoản trên Douyin được liên kết với danh tính thực tế của người dùng. Ngoài ra, công nghệ nhận diện khuôn mặt được dùng để giám sát người phát livestream.
Thông báo "hãy thư giãn" của Douyin khi trẻ dưới 14 tuổi dùng quá 40 phút trong ngày. Ảnh: Weibo. |
Về nội dung, chế độ thanh thiếu niên của Douyin cấm các video đùa giỡn, có tính chất mê tín dị đoan hoặc địa điểm giải trí, bao gồm sàn khiêu vũ hoặc quán karaoke.
Theo dữ liệu năm 2022 của Qustodio, người trong độ tuổi thanh thiếu niên dành trung bình 103 phút/ngày để lướt TikTok, cao hơn những nền tảng khác như Snapchat (72 phút) và YouTube (67 phút). Ứng dụng này nhiều lần bị chỉ trích do để lọt nội dung kích động rối loạn ăn uống và tự làm hại bản thân.
Bài học từ ngành công nghiệp game
So với thị trường Trung Quốc, ByteDance mất nhiều thời gian hơn để bổ sung những tính năng tương tự cho TikTok, phiên bản quốc tế của Douyin.
Theo MIT Technology Review, hệ thống chính trị của Trung Quốc cho phép chính phủ phản ứng nhanh với các nền tảng Internet, đặc biệt khi xuất hiện rủi ro tiềm tàng như chứng "nghiện" mạng xã hội ở thanh thiếu niên.
Điều đó được thể hiện rõ trong cách tiếp cận của chính phủ Trung Quốc với trò chơi điện tử, công cụ giải trí bị xem là dễ gây nghiện.
Sau nhiều năm lên án, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng biện pháp hạn chế từ năm 2021, chỉ cho phép người dưới 18 tuổi chơi game một tiếng, từ 20h đến 21h trong ngày cuối tuần và lễ.
Trước năm 2019, game phát hành tại Trung Quốc đã giới hạn thời gian chơi với người chưa đủ tuổi. Tuy nhiên, biện pháp này không hiệu quả do thường xuyên bị qua mặt.
Một nhóm trẻ em tại Trung Quốc chơi game trên smartphone. Ảnh: Imaginechina. |
Đến nay, mọi tài khoản game tại nước này cần được liên kết với thông tin danh tính và nhận diện khuôn mặt, được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của các công ty lớn như Tencent hay NetEase.
Kể từ đó, nhiều công ty game đã bị phạt do vi phạm quy định. Một số nhà phát hành phải xây dựng hoặc cấp phép hệ thống xác minh danh tính tốn kém để tuân thủ quy tắc.
Từ khi ngành game chịu kiểm soát từ năm 2021, các công ty mạng xã hội tại Trung Quốc đã mường tượng viễn cảnh tương tự. Thời điểm đó, nhiều người đã so sánh mức độ gây "nghiện" của Douyin với game.
Mọi thứ dần trở thành hiện thực khi vào cuối tháng 2, Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc triệu tập cuộc họp để "áp dụng quy định về video ngắn và ngăn chặn người dùng chưa đủ tuổi bị nghiện".
Điều đó cho thấy chính phủ Trung Quốc không hài lòng với những tính năng kiểm soát như hiện tại. Do đó, các mạng xã hội cần nghiên cứu để đưa ra biện pháp mới.
Thông báo giới hạn thời gian sử dụng trong 60 phút mỗi ngày trên TikTok. Ảnh: TikTok. |
Chưa rõ quy định sẽ thay đổi như thế nào. Bên cạnh việc thắt chặt thời gian và nội dung được xem, một số giải pháp khác được đề cập như cấp giấy phép sản xuất nội dung cho trẻ vị thành niên, hoặc cho phép chính phủ can thiệp thuật toán.
Theo nghiên cứu của Đại học Wuhan, 69% học sinh tại Trung Quốc dùng smartphone chủ yếu để xem video ngắn. Trong khi đó, 67,3% phụ huynh nhận thấy con trẻ ngày càng có xu hướng "nghiện" smartphone, đặc biệt sau quãng thời gian học online, dùng điện thoại nhiều vì giãn cách.
Do đó, Đại học Wuhan kêu gọi chính phủ và nhà trường có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn để tách các em học sinh khỏi màn hình điện thoại. Các nhà nghiên cứu khuyến khích phụ huynh quan tâm, hướng dẫn con em làm quen những hoạt động lành mạnh hơn.