Cách trị nghẹt mũi cho người bệnh viêm xoang

12/10/2023 10:52

Nghẹt mũi là một trong những triệu chứng gây khó chịu ở người bệnh viêm xoang, ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt và công việc hàng ngày. Có cách trị nghẹt mũi nào hiệu quả hay không?

1. Tại sao viêm xoang lại gây nghẹt mũi?

Nghẹt mũi là một triệu chứng điển hình của viêm xoang. Khi các xoang bị xâm nhập bởi virus, vi khuẩn, dị nguyên gây viêm xoang, làm cho niêm mạc mũi bị viêm, phù nề. Đồng thời tăng tiết dịch nhầy ở vùng mũi, lâu dần tích tụ cản trở sự lưu thông của đường thở, khiến cho người bệnh nghẹt mũi.

Trên thực tế, nghẹt mũi là dấu hiệu thường gặp và có xu hướng nặng hơn về ban đêm, nhất là với người bị bệnh viêm xoang khi ngủ. Ở tư thế nằm, lưu lượng máu đến vùng mũi tăng cao, dẫn đến các mạch máu nhỏ ở trong mũi bị giãn ra nhiều hơn khiến tình trạng viêm mũi tăng lên. Bên cạnh đó, dịch nhầy trong khoang mũi sẽ bị tích tụ lại, không thoát ra được gây cản trở đường thở, dẫn tới việc hít thở của bệnh nhân trở nên khó khăn hơn.

Việc sử dụng các thuốc trị nghẹt mũi có thể giúp người bệnh cải thiện tình trạng, dễ thở hơn.

Cách trị nghẹt mũi cho người bệnh viêm xoang cực kỳ hiệu quả - Ảnh 2.

Nghẹt mũi là một trong những triệu chứng của viêm xoang gây khó chịu ở người bệnh.

2. Cách trị nghẹt mũi hiệu quả

2.1. Thuốc chống sung huyết trị nghẹt mũi

Thuốc chống sung huyết trị nghẹt mũi có tác dụng làm co các mạch máu trong niêm mạc mũi. Nhờ đó, có thể giúp giảm sưng các niêm mạc này nên làm thông thoáng, giảm nghẹt mũi.

- Thuốc tác động toàn thân: Pseudoephedrin, phenylephrin dùng ở dạng thuốc viên, dung dịch...

- Thuốc tác động tại chỗ: Naphazolin, oxymetazolin... dùng ở dạng thuốc nhỏ mũi, xịt mũi.

Mặc dù là thuốc không kê đơn nhưng khi sử dụng cần phải thận trọng. Nguyên nhân là do thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ nếu dùng kéo dài như nhức đầu, khô miệng, mất ngủ, tăng huyết áp, nhìn mờ, căng thẳng thần kinh…

Ngoài ra, cần tránh sử dụng thuốc ở người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, u xơ tiền liệt tuyến, bệnh lý tuyến giáp, bệnh nhân đang dùng đồng thời các thuốc ức chế monoamin oxydase (bởi sự kết hợp này có thể dẫn đến tăng huyết áp).

Không dùng thuốc chống sung huyết trị nghẹt mũi ở trẻ em dưới 6 tuổi. Phụ nữ có thai và cho con bú phải rất thận trọng. Ngoài ra, cần lưu ý không nên sử dụng thuốc chống sung huyết trong một thời gian dài (quá 7 ngày), đặc biệt với loại thuốc tác dụng tại chỗ ở dạng nhỏ/xịt mũi, do có thể gây hiện tượng nhờn thuốc, thậm chí gây tác dụng ngược, làm nặng thêm tình trạng nghẹt mũi.

Cách trị nghẹt mũi cho người bệnh viêm xoang cực kỳ hiệu quả - Ảnh 3.

Các thuốc dạng xịt giúp trị nghẹt mũi hiệu quả.

2.2. Thuốc nhỏ/xịt mũi chứa glucocorticoid

Thuốc nhỏ/xịt mũi chứa glucocorticoid có tác dụng rất tốt cho tình trạng viêm của niêm mạc mũi, do đó, giúp giảm nghẹt mũi. Các thuốc này bao gồm: Beclomethasone, flunisolide, triamcinolone; fluticasone propionate, fluticasone furoate...

Thuốc xịt trị nghẹt mũi chứa glucocorticoidchủ yếu có tác dụng tại chỗ. Tuy nhiên, nếu dùng không đúng chỉ định, dùng kéo dài, liều cao… có thể gây ra các tác dụng phụ như:

- Tại chỗ: Gây chậm quá trình phục hồi niêm mạc bị tổn thương, kích ứng niêm mạc mũi, khô mũi, chảy máu cam, viêm/loét vách ngăn mũi.

- Toàn thân: Loãng xương, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, suy thượng thận, tăng huyết áp, Hội chứng Cushing…, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển của trẻ.

2.3. Thuốc kháng histamin trị nghẹt mũi

Thuốc kháng histamin trị nghẹt mũi được dùng trong các trường hợp nghẹt mũi do viêm mũi xoang dị ứng. Các thuốc kháng histamin có thể kiểm soát dị ứng, giảm triệu chứng nghẹt mũi.

- Thuốc kháng histamin đường uống: Thường dùng loratadine, cetirizine, fexofenadine… Tuy nhiên khi uống các thuốc này có thể gây buồn ngủ, nên thận trọng khi lái xe, vận hành máy móc...

Thuốc kháng histamin tại chỗ: Được chứng minh là ngang bằng hoặc vượt trội hơn so với thuốc kháng histamin đường uống trong việc kiểm soát triệu chứng như nghẹt mũi và ít gây tác dụng toàn thân. Thuốc có thời gian bắt đầu tác dụng từ 15 đến 30 phút và được chấp thuận sử dụng cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên.

Azelastin là thuốc thuộc nhóm này, được dùng hai lần mỗi ngày. Tác dụng phụ phổ biến nhất với azelastine là mùi vị khó chịu trong miệng ngay sau khi sử dụng. Có thể giảm thiểu tác dụng phụ này bằng cách giữ cho đầu nghiêng về phía trước trong khi phun để ngăn thuốc chảy xuống cổ họng.

2.4. Tinh dầu trị nghẹt mũi

Camphor, menthol dạng lọ/ống hít mũi có thể giúp thông mũi, sát trùng đường hô hấp, giúp giảm nghẹt mũi hiệu quả. Tuy nhiên, chúng có tác dụng kích ứng rất mạnh hệ hô hấp của trẻ sơ sinh. Khi hít phải các chất này sẽ làm trẻ ngưng thở do suy hô hấp và sau đó là ngưng tim.

Vì vậy, không nên dùng dầu gió, ống hít có chứa tinh dầu cho trẻ sơ sinh, phụ nữ cho con bú

3. Dùng thuốc trị nghẹt mũi an toàn

Để giảm các triệu chứng nghẹt mũi, người bệnh cần tuân thủ:

- Không tự ý dùng thuốc, chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.

- Tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.

- Do các thuốc đều có các tác dụng phụ nguy hiểm nên không tự ý tăng liều khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

- Trong thời gian dùng thuốc trị nghẹt mũi nếu có bất kỳ phản ứng bất thường nào, cần báo ngay cho bác sĩ để được xử trí kịp thời.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cách trị nghẹt mũi cho người bệnh viêm xoang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO