Tại Việt Nam, các thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước do Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) làm đầu mối. CIC thu thập cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng từ 100% tổ chức tín dụng trong hệ thống ngân hàng; báo cáo chấm điểm tín dụng đối với khách hàng cá nhân…
Sau khi truy cập website CIC hoặc tải app, khách hàng đăng ký tài khoản cá nhân. Khi có tài khoản, khách hàng có thể "khai thác báo cáo" để bắt đầu tra cứu nợ trên CIC.
Website Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam. |
Do là thông tin cá nhân và được bảo mật nên khi muốn khai thác báo cáo tín dụng, khách hàng cần làm các bước xác thực như: Tải ảnh chụp căn cước công dân (CCCD), xác thực khuôn mặt, vân tay… rồi mua báo cáo tín dụng và kiểm tra.
Về mức phí khai thác báo cáo thông tin tín dụng, CIC cho biết khách hàng vay được khai thác miễn phí báo cáo tín dụng của bản thân 1 năm/lần.
Từ lần khai thác thứ 2 trong năm, khách hàng vay phải trả phí 20.000 đồng/bản đối với báo cáo thông tin tín dụng cá nhân, 50.000 đồng/bản báo cáo thông tin tín dụng doanh nghiệp (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Nếu phát hiện thông tin bị sai sót, khách hàng phản ánh với CIC qua Tổng đài 1800585891 hoặc chuyên mục "Khiếu nại/phản hồi" tại website: http://cic.gov.vn (gửi kèm giấy tờ chứng minh). Nếu sai sót trong quá trình xử lý dữ liệu, CIC có trách nhiệm điều chỉnh và thông báo kết quả cho khách hàng.
Nếu thông tin sai sót tại tổ chức tín dụng báo cáo thông tin, nhân viên CIC sẽ hướng dẫn khách hàng làm việc với tổ chức tín dụng liên quan để xác minh, giải đáp. Trường hợp xác định có sai sót, Tổng Giám đốc tổ chức tín dụng hoặc người được ủy quyền có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị CIC cập nhật, điều chỉnh thông tin đúng.
Trước đó, sau vụ chủ thẻ tín dụng "tiêu 8,5 tỷ đồng, nợ hơn 8,8 tỷ đồng", nhiều người lo lắng không biết mình có đang mắc nợ hoặc dính nợ xấu ngân hàng, công ty tài chính gì không. Thậm chí, nhiều người có thẻ tín dụng không nhớ mở thẻ tín dụng từ năm nào, có phát sinh nợ không.