Cách tiếp cận 'trao quyền' cho đồng minh của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Phương Hà| 18/03/2022 15:02

Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã thực hiện một số bước đi táo bạo để trao quyền cho các đồng minh và đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mục tiêu của Washington là gì và những cam kết liệu có sớm được hiện thực hóa?

Cách tiếp cận hai bước của Biden đối với đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Ngày 11/2, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Nguồn: AP)

Ngày 11/2, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vốn được kỳ vọng từ lâu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng an ninh diễn ra ở châu Âu.

Tài liệu này xác nhận những gì đã đạt được trong năm đầu tiên cầm quyền của chính quyền Tổng thống Biden, đánh dấu sự thay đổi sang tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như tăng cường năng lực tập thể với các đồng minh và đối tác.

So với Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương năm 2019, Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới đây cho thấy sự cô đọng hơn. Tài liệu dài 19 trang, so với báo cáo dài 64 trang của năm 2019, nêu bật một số lĩnh vực quan tâm chính, trong đó có biến đổi khí hậu, y tế toàn cầu và chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, vấn đề cấp bách nhất là tình hình trật tự khu vực và quốc tế, trong đó Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất.

Chính quyền Tổng thống Biden đã thực hiện một số bước đi táo bạo để trao quyền cho các đồng minh và đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhưng liệu họ có thể sớm đưa những cam kết của mình trở thành hiện thực?

Hành động chung

Mỹ vẫn là "quốc gia không thể thiếu" trong việc duy trì sự cân bằng quyền lực nhằm đối trọng với Nga ở châu Âu và Trung Quốc ở châu Á.

Bất chấp những thách thức ở châu Âu, khu vực ưu tiên của chính quyền Tổng thống Biden để hiện thực hóa tầm nhìn của mình vẫn là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Có một sự thay đổi rõ ràng trong cách tiếp cận của Washington về việc trao quyền cho các đồng minh và đối tác của mình tại khu vực.

Điều này vượt ra ngoài những nỗ lực khôi phục liên minh đã chi phối năm cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Biden khi ông tìm cách sửa chữa những thiệt hại do người tiền nhiệm Donald Trump gây ra.

Chính quyền Tổng thống Biden đã tìm cách trao quyền cho các đồng minh và đối tác chủ chốt để đáp ứng tốt hơn các thách thức an ninh riêng của họ và đóng góp vào nỗ lực cân bằng tập thể ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mỹ dường như đã sẵn sàng hơn trong việc hỗ trợ các đồng minh và đối tác tiếp cận các nền tảng và công nghệ quốc phòng tiên tiến.

Sự ra đời của Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS) vào tháng 9/2021 là một nỗ lực đặc biệt trong vấn đề này.

Quyết định cung cấp cho Australia quyền tiếp cận ưu tiên với công nghệ động cơ hạt nhân của Mỹ có thể là chủ đề được quan tâm nhiều nhất. Tuy nhiên, động lực lớn hơn của AUKUS là các mục tiêu mở rộng hợp tác ba bên với Vương quốc Anh trên một loạt dự án khoa học, công nghệ quốc phòng,...

Nhật Bản cũng được hưởng lợi từ sự sẵn sàng hợp tác với các đồng minh của Washington.

Tháng 1 vừa qua, các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của cả hai nước đã công bố một khuôn khổ để thúc đẩy hợp tác phát triển công nghệ quốc phòng. Có thể thấy điểm tương đồng giữa thông báo này và đề nghị của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đối với Lầu Năm Góc hồi tháng 10/2021 về việc tăng cường các dự án hợp tác phát triển quốc phòng.

Hỗ trợ lẫn nhau

Bất chấp những tiến triển tốt đẹp giữa Mỹ và các đồng minh, đối tác tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một câu hỏi vẫn tồn tại là sự sẵn sàng thực hiện chương trình nghị sự trao quyền cho đồng minh, đối tác của Mỹ sẽ đi đến đâu.

Hiện nay, vẫn còn nhiều lo ngại về mức độ mà Washington sẵn sàng tạo điều kiện cho các đồng minh và đối tác khi các ưu tiên chiến lược của họ khác với các ưu tiên chiến lược của các đồng minh hoặc đối tác.

Ví dụ, theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA), Ấn Độ tiếp tục đối mặt với mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt của Mỹ vì năm 2018, họ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Mối đe dọa này vẫn tồn tại mặc dù Mỹ không thể đưa ra một giải pháp thay thế phù hợp để đáp ứng nhu cầu quốc phòng của Ấn Độ.

Tình huống này càng trở nên khó khăn vì cuộc khủng hoảng Ukraine. Một số quan chức Mỹ đã ám chỉ rằng việc miễn trừ CAATSA một lần cho S-400 là có thể, nhưng sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ đối với việc miễn trừ hàng loạt có thể bị chùn bước do Ấn Độ không sẵn sàng đưa ra lập trường cứng rắn hơn chống lại các hành động của Nga ở châu Âu.

Những gì Tổng thống Biden quyết định sẽ là một phép thử về khả năng của Washington trong việc trao quyền cho các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với các ưu tiên địa chiến lược khác của họ.

Vẫn chưa rõ liệu chính quyền Tổng thống Biden có thể duy trì chương trình nghị sự trao quyền cho đồng minh và đối tác này hay không nhưng điều không thể bàn cãi là các bên đều phải nỗ lực.

Kỷ nguyên phòng thủ tập thể đã đến, các đồng minh và đối tác của Mỹ sẽ cần phải đóng một vai trò lớn hơn nếu muốn thành công. Washington sẽ cần đảm bảo rằng mỗi chiến lược của mình cuối cùng sẽ giúp các đồng minh và đối tác tiến về phía trước.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cách tiếp cận 'trao quyền' cho đồng minh của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO