Cách sử dụng nước súc miệng phòng bệnh lây qua hô hấp

08/11/2023 09:02

Để phòng ngừa các bệnh lây qua đường hô hấp, đặc biệt do virus gây ra, ngoài những biện pháp là rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, các thầy thuốc cũng khuyến khích người dân dùng nước súc miệng diệt khuẩn đúng cách để phòng ngừa.

Khi virus xâm nhập vào bên trong cơ thể, phần lớn đường xâm nhập đầu tiên là ở niêm mạc mũi, miệng, và sau đó sinh sôi ở đường hô hấp trên (hầu, họng). Sau một thời gian ủ bệnh chúng sẽ di chuyển xuống đường hô hấp dưới (phổi, phế quản).

Việc súc miệng, súc họng bằng các dung dịch sát khuẩn giúp hỗ trợ ngăn virus xâm nhập vùng hầu họng, hỗ trợ phòng lây nhiễm, chống virus phát tán mạnh hơn. Vì vậy, nước súc miệng được coi là biện pháp hiệu quả để bảo vệ hầu họng, phòng ngừa các bệnh lây qua đường hô hấp không tốn kém nhưng rất có ích trong bối cảnh ô nhiễm không khí như hiện nay ở các thành phố lớn.

Cách sử dụng nước súc miệng phòng bệnh lây qua hô hấp - Ảnh 1.

Nước súc miệng là biện pháp hiệu quả để bảo vệ hầu họng trong bối cảnh ô nhiễm không khí như hiện nay.

1. Các loại nước súc miệng

Dung dịch súc hầu họng, thường được gọi tắt là nước súc miệng, có nhiều loại khác nhau. Chúng thường ở dạng dung dịch chứa các chất sát khuẩn như axit boric, menthol, kẽm sulfat, cetylpyridinium, chlorhexidine... Nước súc miệng có vai trò diệt khuẩn tốt, còn trong nha khoa được khuyên dùng để giúp răng chắc khỏe, ngăn ngừa sâu răng.

Có nhiều loại nước súc miệng kháng khuẩn trên thị trường hiện nay, nhưng có thể chia thành những loại phổ biến theo thành phần sau:

Nước súc miệng chứa muối NaCl 0,9%: Dung dịch này chứa NaCl đã được pha với nồng độ thích hợp, đảm bảo vừa có tác dụng sát khuẩn, vừa giúp bảo vệ niêm mạc miệng, họng. Từ đó giúp loại bỏ các vi khuẩn có hại tồn tại ở hầu họng, ngăn ngừa viêm nhiễm. Dung dịch NaCl được sử dụng hiện nay trong y tế còn gọi là nước muối sinh lý, dung dịch muối đẳng trương là thích hợp nhất để súc miệng. Cách dùng nước muối NaCl là súc miệng sau khi đánh răng vào buổi sáng và tối.

Nước súc miệng listerine: Thành phần chính là thymol nồng độ 0,064%, có thể có thêm một số loại tinh dầu khác như tinh dầu bạc hà, tinh dầu lý bách hương, tinh dầu bạch đàn, tinh dầu methyl salicylat... Dung dịch này có tác dụng sát khuẩn, chống phù nề niêm mạc nhẹ, được chỉ định dùng súc miệng trong 30 giây, thực hiện 2 lần mỗi ngày.

Nước súc miệng povidone-iod 1%: Povidone-iod là chất sát khuẩn hiệu quả, đồng thời giúp chống nấm, giảm bớt mùi hôi khoang miệng, nhưng nồng độ cao có thể gây phù nề, viêm niêm mạc miệng.

Dung dịch giva: Dung dịch súc miệng diệt khuẩn này được dùng trong nha khoa, cho các trường hợp viêm quanh răng, viêm họng để sát khuẩn, chống phù nề. Dung dịch này thường cần pha loãng tỉ lệ 1/10 với nước sạch để tăng hiệu quả, tránh gây tổn thương ngược. Sản phẩm này chỉ sử dụng khi có đơn của thầy thuốc.

Dung dịch súc miệng chlorhexidin: Là một loại nước súc miệng giúp giảm mảng bám, điều trị viêm nướu hoặc bệnh nha chu. Chlorhexidine cũng là một chất kháng khuẩn giúp tiêu diệt vi khuẩn trong miệng. Nước súc miệng này có một vài tác dụng phụ có thể xảy ra, như thay đổi vị giác, gia tăng tích tụ cao răng, làm ố răng, nướu, hoặc các thiết bị nha khoa.

Cách sử dụng nước súc miệng phòng bệnh lây qua hô hấp - Ảnh 2.

Cần sử dụng nước súc miệng đúng cách để nâng cao hiệu quả.

2. Cách sử dụng nước súc miệng

Để sử dụng nước súc miệng diệt khuẩn hiệu quả, cần lưu ý chọn dung dịch phù hợp với từng cá thể theo thành phần và phù hợp với độ tuổi của người sử dụng. Trẻ em và người lớn sử dụng dung dịch nước súc miệng diệt khuẩn khác nhau.

Hầu hết các sản phẩm hiện nay đều được khuyến cáo nên dùng cho bé từ 6 tuổi trở lên, không nên cho trẻ dưới 2 tuổi sử dụng vì trẻ chưa biết súc mà có thể uống gây nguy hiểm. Nên chọn dung dịch súc miệng phù hợp là nước muối sinh lý, rẻ tiền, hiệu quả và có thể sử dụng lâu dài.

Đặc biệt cần lưu ý khi thực hiện biện pháp súc họng đúng cách. Phải súc họng chứ không chỉ súc miệngcó nghĩa là mọi người cần phải cố gắng để dung dịch xuống sâu nhất vùng cổ họng mà có thể chịu được.

Khi súc miệng, nên ngậm 20-30ml dung dịch, không cần quá nhiều vì càng nhiều sẽ không khép được hàm và càng khó đưa dung dịch xuống sâu vùng hầu họng. Mỗi lần súc ít nhất khoảng 30 giây, cố gắng đưa xuống họng càng lâu càng tốt. Sau khi súc xong cần để nguyên, không súc lại bằng nước.

Nên súc họng trước khi đi ra ngoài, từ ngoài về nhà, sau khi nói chuyện hoặc tiếp xúc gần với người khác. Nâng cao tính hiệu quả trong việc phòng bệnh là sự phối hợp đồng bộ tất cả những biện pháp phòng chống dịch bệnh theo nguyên tắc tránh để virus-vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua đường thở, do đó việc sát khuẩn hầu họng có ý nghĩa rất quan trọng.

Bài liên quan
  • Ai không nên ăn mướp đắng?
    Mướp đắng là loại rau quen thuộc được nhiều người yêu thích, tuy nhiên không phải ai cũng có thể ăn được loại rau này.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cách sử dụng nước súc miệng phòng bệnh lây qua hô hấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO