Mức độ nguy hiểm
Điện giật sẽ tác động vào hệ thần kinh làm rối loạn hoạt động của hệ hô hấp, hệ tuần hoàn. Dòng điện sẽ gây cháy bỏng và co rút các cơ bắp, gây cảm giác đau nhức.
Người bị điện giật sẽ khó thở, rối loạn nhịp tim. Nếu bị nặng, đầu tiên sẽ ngừng thở, sau đó tim ngừng hoạt động, nạn nhân chết trong tình trạng ngạt, bỏng nặng và co rút, tê liệt các cơ bắp.
Cách phòng tránh điện giật
Quan trọng nhất là đảm bảo trẻ không tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây điện giật.
Đảm bảo gia đình an toàn về điện, tuyệt đối không dùng dây điện trần (không có vỏ bọc nhựa) để mắc điện trong nhà. Trong gia đình cần dùng các thiết bị điện an toàn.
Để nguồn điện ở chỗ trẻ nhỏ không với được: Để ngoài tầm với của trẻ, dùng chắn điện an toàn, lấy băng dính bịt kín những ổ điện ít dùng đến.
Thường xuyên kiểm tra hệ thống dây điện, các thiết bị điện, tìm chỗ hở và khắc phục.
Hướng dẫn cách phòng điện giật và thao tác kỹ thuật sơ cứu điện giật tại trường học, tại gia đình và nơi làm việc.
Đối với trẻ nhỏ (0-5 tuổi): các cách phòng chống trên và trông trẻ đúng cách.
Đối với trẻ lớn hơn (6-15 tuổi):
- Giáo dục trẻ không sờ tay vào ổ cắm;
- Ghi biển báo những dấu hiệu nguy hiểm nơi có nguy cơ gây điện giật;
- Nhắc nhở trẻ tránh xa nơi dây điện đứt rơi xuống, đặc biệt khi trời mưa thì không nên nấp dưới gốc cây to/cao…;
- Tuyên truyền cách sơ cứu về bỏng, chuẩn bị xử trí những tai nạn về điện khi dây điện bị đứt rơi xuống trong mưa bão;
- Giáo dục ý thức tuân thủ an toàn dưới hành lang điện (không trèo lên cột điện cao thế ngoắc điện, không lấy sào chọc dây điện, không câu móc điện bừa bãi...).