Nhờ khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp nên TP Đà Lạt và một số huyện lân cận như Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) trồng được cà rốt quanh năm.
Nhiều chị em nội trợ ưa dùng cà rốt cho bữa cơm gia đình vì đây là loại rau củ rất tốt cho với việc dưỡng gan, làm sạch gan và cải thiện thị lực
Theo phân tích của một chuyên gia dinh dưỡng thì trong 1 củ cà rốt trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ ở vùng Lâm Đồng có hàm lượng chất chống oxy hóa, beta carotene, các vitamin và khoáng chất dồi dào như: vitamin A, vitamin K, kali, chất xơ, vitamin C, carbohydrate, protein.
Tuy nhiên, thời gian qua, xuất hiện một số tiểu thương nhập cà rốt từ Trung Quốc về rồi trộn với cà rốt Đà Lạt để bán. Điều này gây ra tâm lý e dè cho người tiêu dùng khi mua cà rốt để chế biến các món canh, rau.
Cà rốt Trung Quốc được nhập về Việt Nam.
Một nông dân trồng cà rốt ở TP Đà Lạt cho biết, cà rốt trồng ở Đà Lạt khi thu hoạch thường không đều nhau. Ngoài ra cà rốt Đà Lạt hầu hết là củ nhỏ, da sần, thuôn dài.
Trong khi đó, củ cà rốt được nhập từ Trung Quốc về thường to hơn (size lớn), rất đồng đều. Cà rốt nhập từ Trung Quốc cũng có da bóng, nhìn rất đẹp mắt.
Vậy nguyên nhân vì sao mà cà rốt Trung Quốc lại to, đẹp mắt và đồng đều nhau nhưng lại không được người dùng lựa chọn.
Người dùng thường khó phân biệt được đâu là cà rốt Trung Quốc và đâu là cà rốt Đà Lạt.
Theo kỹ sư nông nghiệp Ngô Thành Sơn (tỉnh Lâm Đồng) thì thông thường trong quá trình trồng trọt, các nhà vườn ở Trung Quốc đã sử dụng các loại phân, thuốc hóa học, trong đó có các chất kích thích để bón cho cà rốt. Điều này giúp vườn cà rốt sớm cho thu hoạch và năng suất cao hơn nhiều lần so với các vườn không dùng thuốc.
Bên cạnh đó, ngoài việc sử dụng chất kích thích, một nguyên nhân nữa khiến cho việc cà rốt Trung Quốc to và đồng đều là do được lựa chọn kỹ để xuất khẩu, kích thước các củ rất đều nhau.
Cà rốt các loại được bày bán nhiều ở chợ đầu mối Thủ Đức.
Như vậy, làm thế nào để phân biệt được cà rốt Đà Lạt và cà rốt Trung Quốc?
Đầu tiên, người tiêu dùng cần nhìn vào màu sắc của củ cà rốt. Nếu là cà rốt Trung Quốc thì màu sắc bên ngoài rất sậm (cam sậm). Bên trong ruột phía cuống lá thường có màu đỏ đậm.
Trong khi đó, cà rốt của Đà Lạt có màu cam nhạt, ở phần ruột gần cuống lá có màu đỏ tươi. Ngoài ra, trong ruột cà rốt trồng Đà Lạt cũng không đồng nhất từ trong ra ngoài. Người mua có thể đường vân bên trong ruột củ cà rốt Đà Lạt rất rõ ràng. Trong khi điều này không thấy ở cà rốt Trung Quốc mà màu sắc thường đồng nhất và đường vân bên trong rất mờ nhạt.
Kế đến, là phân biệt ở phần cuống lá. Nếu cà rốt Trung Quốc được cắt gọt sạch sẽ, đóng bao ni lông thành kiện nhỏ, gọn gàng để tiện bảo quản đông lạnh trong quá trình vận chuyển đến Việt Nam thì cà rốt của Đà Lạt có rễ tỏa ra xung quanh thân củ, cuống lá thường được giữ nguyên trên thân khi bán cho người dùng.
Cuối cùng là nhìn vào kích thước. Như đã nói ở trên, cà rốt Trung Quốc thường to, đồng đều thì ngược lại, cà rốt Đà Lạt lại nhỏ, thuôn dài và không đều nhau.
PLO chúc chị em nội trợ lựa chọn đúng cà rốt Đà Lạt để giúp bữa ăn gia đình chất lượng hơn!
Theo Pháp luật