Ở tuổi làm bố làm mẹ, ai mà chẳng thích có những đứa con thật xinh xắn, đáng yêu. Đó là món quà tuyệt vời từ tình yêu và là “của để dành” quý giá mà cả đời bố mẹ luôn nâng niu yêu thương. Và rồi chăm sóc, nuôi dạy chúng thế nào cho đúng cũng là điều mà các bậc phụ huynh luôn trăn trở, theo đuổi.
Thực tế, việc nuôi dạy con cái là cả một công trình gian nan đòi hỏi nhiều tâm sức và kiên nhẫn từ bố mẹ. Việc nuôi dạy trẻ cũng phải rất linh hoạt theo lứa tuổi, giới tính và tính cách của trẻ thì mới có thể hiệu quả và thành công. Trong bài viết dưới đây, Tintuconline sẽ điểm lại những lưu ý khi nuôi dạy trẻ 4 tuổi nói chung và cách nuôi dạy con gái 4 tuổi nói riêng sao cho tế nhị, đúng đắn nhất, mời độc giả cùng tham khảo.
TÂM LÝ CHUNG CỦA TRẺ 4 TUỔI
Ở tuổi lên 4, trẻ bắt đầu có các mối quan tâm, nhận thức, trẻ thích khám phá cảm xúc bản thân và tìm hiểu nhiều hơn về thế giới xung quanh mình. Đây là giai đoạn trẻ phát triển vượt bậc về trí tuệ và cảm xúc tâm lý, những thay đổi tâm lý trẻ 4 tuổi có thể làm cha mẹ bất ngờ. Vì vậy, phụ huynh phải nắm bắt được và thấu hiểu được tâm lý trẻ 4 tuổi mới có thể dạy dỗ con ngoan cũng như định hướng phát triển tâm lý đúng đắn cho con. Vậy tâm lý trẻ 4 tuổi có gì đặc biệt?
Bộc lộ cảm xúc rõ ràng
Sự yêu ghét được trẻ em 4 tuổi thể hiện rất rõ ràng. Bé sẽ trở nên bướng bỉnh, không nghe lời với những người mình không thích. Và hiển nhiên rất vui vẻ, nghe lời đối với những người mình yêu thích, quý mến. Giai đoạn này bé đã biết giữ gìn, duy trì mối quan hệ với người chăm sóc mình.
Ở lớp mẫu giáo trẻ đã biết được tên của hầu hết các bạn, bắt đầu thích chơi chung và thân thiết với bạn này chứ không phải bạn kia. Khi về nhà, trẻ sẽ quấn quít với người mà trẻ có nhiều tình cảm hơn. Có trẻ chỉ thích được nghe bà kể chuyện, thích được ông dẫn đi chơi, thích được ba chở đi học, thích được mẹ tắm cho…
Thích bắt chước người lớn
Theo tâm lý trẻ 4 tuổi, bé cực kỳ thích bắt chước người lớn. Thích chơi các trò đóng vai, phân vai gia đình và tái hiện lại tất cả những hoạt động trẻ thấy hàng ngày. Các bé gái thích bắt chước mẹ trang điểm, chải đầu, có bé còn thích mặc áo, mang giày, xách túi của mẹ, thích cùng mẹ nấu cơm, quét nhà… Các bé trai lại xem ba là thần tượng, thích được làm những việc nặng giống ba.
Các bé lắng nghe cuộc trò chuyện của người lớn và tập theo giọng điệu, cử chỉ của họ. Giai đoạn này, bé cũng muốn tự làm các công việc như: đánh răng, rửa mặt, chải tóc,… Thích làm mọi thứ người lớn làm, thích được tự bản thân trải nghiệm được mọi hoạt động từ trong nhà ra đến ngoài xã hội.
Ý thức được cái tôi bản thân
Lên 4 tuổi, trẻ đã phân biệt rõ mình và người khác, mình và thế giới xung quanh. Trẻ đã nhận biết được vai của mình trong gia đình bên cạnh ông, bà, cha mẹ, cô chú, anh chị. Đa số trẻ đã biết được tên của mình, tên ba mẹ, tên anh chị em trong nhà, tên cô giáo của mình… biết phân biệt giới tính bạn nam, bạn nữ, biết so sánh mình với người khác. Trẻ đã biết quan tâm, chú ý đến những lời nhận xét của người khác đối với mình.
Thích được khen ngợi
Hầu hết trẻ ở độ tuổi này, rất thích được khen ngợi. Khi được người khác khuyến khích, cổ vũ, trẻ sẽ hăng hái làm việc hơn. Tâm lý trẻ 4 tuổi thích nói chuyện, hay cười, hay nói, trẻ có thể nói líu lo ngay cả lúc chỉ có một mình. Trẻ rất thích người khác lắng nghe mình nói và cũng thích lắng nghe cách người lớn nói chuyện, sau học lại một cách dễ dàng.
Hình thành sự khác biệt về giới
Ở giai đoạn này, trẻ đã bắt đầu hình thành sự khác biệt trong tính cách theo giới tính. Bé trai thường nghịch ngợm, hiếu động hơn, thích chơi những trò chơi vận động, thích chơi xe ô tô, máy bay, siêu nhân, các con thú. Còn các bé gái thì trầm tính, nhẹ nhàng, hòa đồng hơn, thích chơi búp bê, chơi mua bán đồ hàng…
NUÔI DẠY CON GÁI 4 TUỔI CẦN LƯU Ý ĐIỀU GÌ?
4 tuổi là một cột mốc quan trọng, mở đầu cho việc học hỏi của trẻ, vì vậy giai đoạn này các mẹ cần dành nhiều thời gian tìm hiểu chăm sóc con. Đặc biệt các bé gái cũng đã hình thành những ý thức riêng khác với bé trai, do đó muốn công chúa nhỏ mình được phát triển lành mạnh, luôn vui vẻ và tự tin, phụ huynh thông thái nên cần nắm bắt được những cách thức nuôi dạy con thế nhị, phù hợp với tâm lý của trẻ.
1. Là tấm gương cho con
Bố mẹ là những người có ảnh hưởng lớn nhất đến cách suy nghĩ và hành động của trẻ. Trẻ em có xu hướng học hỏi theo hành động và cũng như suy nghĩ của bố mẹ. Do đó, nếu muốn dạy con gái trở nên tự tin và bản lĩnh, phụ huynh mà đặc biệt là người mẹ phải làm gương để trẻ bắt trước, học hỏi. Thực tế là hành động cũng như lời nói của bạn có thể giúp hình thành nên quan điểm và tính cách của bé.
2. Khuyến khích con tự tin về ngoại hình của bé
Ngoài quan sát cử chỉ và hành động của bạn, con gái bạn cũng để ý tới những việc bạn làm để xây dựng hình ảnh của mình trong mắt người khác. Trẻ có thể quan sát ngôn ngữ cơ thể của bố mẹ và đánh giá xem liệu bạn có tự tin về ngoại hình của mình hay không.
Nếu bạn cứ liên tục than vãn về những khuyết điểm trên cơ thể hoặc luôn tỏ ra chán ghét ngoại hình của mình, con bạn cũng sẽ liên tục có những suy nghĩ sai lầm về vẻ bề ngoài.
3. Dạy bé các kỹ năng sống
Kỹ năng sống là một yếu tố quyết định đến tương lai sau này của bé. Vì thế, ngay từ khi còn nhỏ, cần tập cho bé những thói quen tốt, những kỹ năng xã hội cơ bản giúp bé có thể chủ động và tích cực hơn trong cuộc sống. Đặc biệt ở tuổi lên 4, các bé gái cũng đã có ý thức về giới tính nên ba mẹ cần hướng dẫn con cách về những vùng nhạy cảm cần được bảo vệ cũng như cách bảo vệ chúng để không bị xâm phạm.
4. Dạy con tự bảo vệ mình
Rất nhiều những mối nguy hiểm ngoài kia như vấn nạn xâm hại tình dục, bắt cóc, trẻ đi lạc… luôn khiến các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng khi để con lọt ngoài tầm mắt của mình. Chính vì vậy, những kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ mầm non cần được bố mẹ chia sẻ cùng con mình thật sớm để bé tự tin và an toàn khám phá thế giới muôn màu xung quanh.
Hãy dạy trẻ những kỹ năng bảo vệ bản thân khi bị xâm phạm cơ thể như la lớn, bỏ chạy đến chỗ đông người, và phải tin tưởng, kể lại cho bố mẹ nghe để bố mẹ bảo vệ con.
5. Dạy con tự lập
Muốn bé gái mạnh mẽ, tự tin và có tính cách tốt, ngay từ khi lên 4 bố mẹ cần hướng dẫn con tự làm những việc cá nhân trong khả năng của mình để không phụ thuộc quá nhiều vào người lớn như dạy trẻ ngủ riêng, tự mặc quần áo hàng ngày, tự xúc ăn và chọn món ăn mình yêu thích…
6. Để con tập kết bạn
Con sẵn sàng kết bạn với mọi người xung quanh. Hãy sắp xếp những buổi đi chơi ngoài trời và tạo điều kiện để con có những nhóm bạn nhỏ. Bằng việc vui chơi với bạn bè, con sẽ có cơ hội tạo ra những mối quan hệ khác. Tuy nhiên phụ huynh cũng cần lựa chọn bạn giúp con, hướng cho con chơi với những trẻ ngoan và tích cực vì trẻ chưa thể tự phân biệt được, lại dễ ảnh hưởng từ những người xung quanh.
7. Khuyến khích con làm việc nhà
Những đứa trẻ thường thích làm việc nhà và có thể bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi con yêu làm điều này. Con có thể hiểu và làm theo những yêu cầu đơn giản của bạn như: “Chơi xong, con nhớ dẹp đồ chơi vào giỏ nhé” hay “Để chén vào bồn rửa đi con”. Điều này khiến con cảm thấy mình là một phần quan trọng trong gia đình.
Tuy nhiên, bạn cũng nên chú ý đến khả năng của con. Nếu công việc quá phức tạp, con sẽ cảm thấy thất vọng. Làm việc nhà là một cách tốt thúc đẩy các thói quen lành mạnh ở con. Bạn có thể khuyến khích con đặt quần áo vào ngăn kéo mỗi ngày và để đồ chơi vào thùng cho gọn gàng.
8. Khuyến khích con nói lên ý kiến riêng
Một cách khác để giúp con gái bạn mạnh mẽ và tự tin hơn chính là tạo cho con động lực để đứng lên và thể hiện quan điểm của mình. Hãy giúp trẻ dũng cảm hơn bằng cách thường xuyên hỏi ý kiến của trẻ và để con có cơ hội đưa ra những suy nghĩ của mình.
9. Dạy con cách giao tiếp đúng mực
Giao tiếp bao giờ cũng có người nói và người nghe để cùng nhau chia sẻ thông tin, thấu hiểu. Vì vậy, bố mẹ đừng quên dạy con những quy tắc cơ bản của giao tiếp, điển hình là không ngắt lời người khác.
Trẻ hay nói chen ngang là một thói quen không tốt khiến cho cuộc nói chuyện dễ bị gián đoạn, người nói không truyền tải được hết thông tin và người nghe thì không hiểu thấu đáo các vấn đề. Vì vậy, hiệu quả giao tiếp giảm và thể hiện sự thiếu tôn trọng người nghe.
10. Dạy con ứng xử đúng khi ăn
Thói quen ăn uống không những ảnh hưởng tới sức khỏe mà chúng còn liên quan đến văn hóa ứng xử. Vì vậy, bé gái hay bé trai thì phụ huynh cũng nên giúp con ăn đúng giờ giấc và hình thành thói quen tốt khi ăn uống, cụ thể như: Thời gian ăn không kéo dài (quá 30 phút), Không trò chuyện khi miệng có thức ăn, Không nhè đồ ăn nếu không thích mà hãy dạy con trẻ cách phản ứng với đồ ăn không hợp khẩu vị, Không bỏ lãng phí đồ ăn….
11. Dạy con biết cách chia sẻ và không vòi vĩnh
Chia sẻ là một đức tính tốt cần rèn luyện cho bé gái. Hãy bắt đầu từ việc chia sẻ đồ ăn, những món đồ chơi trẻ em của bé với các bạn cùng chơi. Từ đó, các bé có thể vui chơi cùng nhau, học hỏi những điều tốt đẹp và giúp phát triển kỹ năng giao tiếp và hòa nhập cộng đồng.
Mặt khác, không nên quá chiều chuộng con trẻ khiến cúng sinh ra tính cách ưa vòi vĩnh, làm theo ý mình thích mà không quan tâm đến người khác. Vòi vĩnh là một tính cách không tốt và bố mẹ cần loại bỏ chúng ra khỏi tâm lý của bé.
Theo V.K - Vietnamnet