Với những chiếc xe chạy dịch vụ chuyên nghiệp như taxi thì trên giấy đăng kiểm có dấu tích tại mục “Kinh doanh vận tải”. Mặt khác, theo quy định thì các xe kinh doanh vận tải có chu kỳ đăng kiểm là 6 tháng. Trong khi đó, xe không kinh doanh vận tải có chu kỳ đăng kiểm là 24 tháng đối với xe mới sản xuất dưới 7 năm, 12 tháng đối với các xe sản xuất từ 7-12 năm và 6 tháng đối với xe sản xuất hơn 12 năm.
Nếu muốn biết có phải là xe taxi, xe chạy dịch vụ sửa chữa rồi bán hay không, cần trực tiếp kiểm tra giấy đăng kiểm. Trong các trường hợp chủ xe không cho kiểm tra giấy tờ hoặc báo mất hay trên giấy đăng kiểm có dấu hiệu bị tẩy xóa và thay đổi nội dung thì có thể là lý lịch xe này không rõ ràng, không đáng tin cậy.
Nhưng cách kiểm tra xe chạy dịch vụ này chỉ có thể áp dụng đối với những xe kinh doanh vận tải chuyên nghiệp. Còn đối với xe dịch vụ bán chuyên ví dụ như chủ xe lấy xe nhà để chạy thêm dạng xe hợp đồng, Grab, Uber…hay cho thuê xe tự lái thì trên giấy đăng kiểm sẽ không tích vào mục Kinh doanh vận tải. Do đó, người mua khó thể kiểm tra bằng cách này.
Nhìn chung, đây chỉ là một bước kiểm tra mang tính tham khảo. Bởi nhiều nơi có thể làm giả cả sổ đăng kiểm, làm giả số khung - số máy xe. Vì vậy, để đánh giá chính xác cần kết hợp với kiểm tra tình trạng thực tế của xe.
Kiểm tra các dấu hiệu nhận biết xe có chạy dịch vụ
Để nhận biết xe ô tô cũ đã từng chạy taxi, chạy dịch vụ, có thể phải kiểm tra qua những chi tiết sau đây:
Sơn xe
Thông qua màu sơn xe, bạn có thể nhận ra các dấu hiệu xe chạy dịch vụ đã sửa chữa.
Trước tiên, phải quan sát trên nóc xe, ngay vị trí mà hay đặt mào taxi. Nếu là xe taxi thì chỗ này sẽ mới hơn những chỗ khác.
Tiếp đến mới xem tình trạng sơn xe và so sánh với thời gian sử dụng xe. Nếu xe đã sử dụng thời gian lâu mà màu sơn vẫn còn mới thì khả năng cao xe này đã được sơn lại.
Sau đó chúng ta mới kiểm tra tới màu sơn của khung gầm. Đây là bộ phận thường bị bỏ qua khi “mông má” taxi thành xe nhà.
Bởi vì người bán xe cho rằng người mua xe không kiểm tra tới chi tiết này. Nếu như kiểm tra thấy khung gầm trầy xước nhiều, thậm chí xuất hiện vết móp, rỉ sét…xuống cấp nhiều so với phần trên thì có khả năng cao là xe đã từng chạy dịch vụ.
Cuối cùng, không nên bỏ qua phần sơn bậc cửa xe. Ở các xe taxi, lượng người ra vào và lên xuống xe rất nhiều cho nên phần sơn ở bậc cửa sẽ bị trầy, xuống cấp rất nhanh. Cho nên nếu thấy sơn ở vị trí này quá mới hay quá cũ thì phải đặt ra nghi vấn.
Quan sát kính
Xe taxi thường dán số tài lên kính lái và kính sau, dán quảng cáo lên kính sau. Do đó, một cách nhận biết xe đã từng chạy taxi là quan sát kính lái và kính sau xe. Nếu còn dấu vết dán số tài hay thấy phần kính có sự khác màu thì có thể nghi ngờ việc này.
Trừ trường hợp xe đã thay kính mới thì mới khó phát hiện. Nhằm “che mắt” người mua, nhiều chủ xe cũng chấp nhận bỏ tiền thay kính mới cho xe. Nếu thấy kính xe rất mới so với thời gian sử dụng xe, bạn cũng nên đặt nghi vấn.
Taplo
Một cách nhận biết xe đã từng chạy taxi mà nhiều người hay sử dụng đó là kiểm tra phần nội thất, nhất là ở vị trí taplo xe. Xe taxi thường gắn đồng hồ đo quãng đường và tính tiền trên bảng taplo xe. Vì vậy, khi mua xe ô tô cũ bạn nên kiểm tra kỹ bảng taplo.
Nếu như thấy có vết đục ở phía gần chỗ để cốc, có các lỗ nhỏ, bề mặt không phẳng, có dấu hiệu “chắp vá” thì khả năng cao đây là xe chạy taxi thanh lý. Trong trường hợp taplo quá mới so với tuổi đời sử dụng, bạn cũng nên đặt nghi vấn.
Chân/ga/chân côn
Do tần suất sử dụng cao nên chân ga/phanh (với xe hộp số tự động) và chân ga/phanh/côn (với xe hộp số sàn) trên xe taxi, xe chạy dịch vụ…thường sẽ nhanh mòn hơn so với bình thường.
Ngoài ra có thể kiểm tra xe từng chạy dịch vụ hay không qua mức độ xuống cấp của các chi tiết khác như vô lăng, hệ thống phím chức năng trên bảng điều khiển…
Đồng hồ công tơ mét
Thông số trên công tơ mét chỉ mang tính tham khảo bời vì hoàn toàn có thể tua công tơ mét trên xe ô tô, kể cả đồng hồ điện tử. Nhưng khi kiểm tra xe cũng phải xem qua, để đối chiếu coi số km có tương ứng với tình trạng thực tế của xe hay không.
Ghế ngồi
Để biết có phải là xe chạy dịch vụ, xe taxi thanh lý hay không thì nên quan sát kỹ hệ thống ghế ngồi, nhất là ghế lái. Bời vì, xe dịch vụ thường được sử dụng nhiều và bảo dưỡng ít nên hệ thống ghế ngồi sẽ bị xuống cấp rất nhanh.
Lái xe thử
Với xe dịch vụ, xe đã chạy taxi thanh lý, dù có chỉnh sửa cỡ nào cũng khó thể thay đổi được hệ thống máy móc xuống cấp hơn bình thường. Khi lái thử xe sẽ có thể kiểm tra điều này.
Khi lái thử xe nên bật điều hòa ở công suất tối đa. Hãy lái xe ở nhiều địa hình khác nhau như: đường xóc, đường dốc…Chạy ở những địa hình xấu thì điểm yếu về động cơ, hệ thống khung gầm…mới dễ lộ rõ.
Theo VTC