Cách người Nga tạo ra 'xe tăng nhảy dù' Sprut-SDM1

24/03/2023 19:06

Là phương tiện được phát triển với mục tiêu tạo ra phương tiện chiến đấu trọng lượng nhẹ, nhưng phải có hỏa lực mạnh đáp ứng yêu cầu tác chiến sâu trong hậu tuyến đối thủ, đó chính là những đặc điểm có thể nhận ra trên dòng pháo tự hành đa dụng hay xe tăng hạng nhẹ Sprut-SDM1 của Nga.

Tư duy sử dụng lực lượng đổ bộ đường không khác biệt

Với yêu cầu tác chiến đặc biệt nên trang bị của lực lượng Đổ bộ đường không (VDV) Liên Xô trước đây và Nga hiện nay khác biệt hoàn toàn so với các đơn vị lính dù khác trên thế giới.

VDV không chỉ đổ bộ người bằng dù, mà còn có thêm các trang bị hạng nặng như xe chiến đấu bộ binh BMD, xe bọc thép Typhoon-VDV, cối tự hành Nona và nhiều phương tiện chiến đấu khác. Việc đổ bộ các đơn vị chiến đấu bọc thép trực tiếp bằng dù thông qua các gá chuyển đổi đặc biệt, giúp lực lượng VDV ngay khi tiếp đất đã có khả năng chiến đấu mạnh mẽ không thua kém gì các đơn vị chiến đấu lục quân chính quy, thay vì chỉ có trang bị nhẹ như các lực lượng dù của các quốc gia khác.

VDV Liên Xô và Nga là đơn vị dù duy nhất trên thế giới áp dụng việc đổ bộ các phương tiện chiến đấu trực tiếp bằng dù.

Chính vì những yêu cầu trên, ngành Công nghiệp quốc phòng Liên Xô trước đây và Nga hiện nay đã phát triển một loạt phương tiện chiến đấu phù hợp với chiến thuật tác chiến đặc biệt của VDV với các yêu cầu đặc biệt về trọng lượng nhẹ, hỏa lực mạnh mà khả năng cơ động cao.

Sprut-SDM1 chính là phương tiện đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về trọng lượng để đổ bộ bằng dù từ máy bay vận tải quân sự, mang pháo chính tương đương các xe tăng chiến đấu chủ lực hạng nặng.

Sẽ rất bất ngờ cho các đơn vị phòng thủ hay hậu tuyến của đối phương bất ngờ chạm mặt lực lượng VDV của Nga với đầy đủ trang bị hạng nặng đủ để quét sạch mọi đối thủ trên đường đi. Triết lý tác chiến này hiện vẫn được VDV Nga áp dụng với sự tích hợp sâu các công nghệ hiện đại.

Phương tiện chiến đấu Sprut-SDM1 đáp ứng các yêu cầu đặc biệt của lực lượng VDV.

Sức mạnh của “xe tăng nhảy dù” Sprut-SDM1

Phương tiện chiến đấu Sprut-SDM1 được phát triển và chế tạo tại trên cơ sở phiên bản tiền nhiệm Sprut-SD với nhiều nâng cấp về hệ thống điện tử, đặc biệt là hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại.

Sprut-SDM1 có tổng trọng lượng khoảng 18 tấn, được trang bị pháo nòng trơn cỡ 125mm, một súng máy 7,62mm đồng trục và cụm súng máy 7,62mm điều khiển từ xa. Sprut-SDM1 cơ động hơn do được lắp đặt các cụm động cơ, hộp số, gầm xe, hệ thống thông tin và điều khiển vốn đã được thử nghiệm trên xe chiến đấu đổ bộ đường không BMD-4M và BMP-3 với dự trữ hành trình khoảng 500km.

Phương tiện chiến đấu VDV mới được cải tiến khả năng kiểm soát chỉ huy bằng cách lắp đặt thiết bị hoạt động như một phần của hệ thống chỉ huy chiến thuật hợp nhất (ESU TZ). Sprut-SDM1 có khả năng vượt qua chướng ngại nước mà không cần chuẩn bị trong điều kiện sóng biển cấp 3, đồng thời vừa bơi vừa bắn. Ngoài ra, để tăng khả năng việt dã, xe có thể được lắp xích chuyên dụng đi tuyết và vượt đầm lầy.

Sprut-SDM1 đã qua thử nghiệm cấp nhà máy, thử nghiệm dã ngoại cấp nhà nước trong vòng một năm rưỡi tại các đơn vị trong điều kiện khắc nghiệt với việc bắn thử nghiệm ở từng giai đoạn.

Sprut-SDM1 kết hợp giữa hỏa lực mạnh mẽ và khả năng cơ động cao trong thân hình bé nhỏ.

Đánh giá về dòng phương tiện chiến đấu đặc biệt này, ông Bekhan Ozdoev, Giám đốc phụ trách Vũ khí thông thường, đạn dược và phòng hóa thuộc Tập đoàn Rostec của Nga, nhận xét: "Sprut-SDM1 không thua kém về hỏa lực so với xe tăng T-80, T-90, bao gồm cả khả năng phóng tên lửa qua nòng pháo chính và về khả năng cơ động trên bộ và dưới nước thì ngang ngửa BMD-4M. Xe có khả năng giải quyết các nhiệm vụ chiến thuật phức tạp, đặc biệt là trinh sát, tấn công đột kích, phòng thủ cơ động... Dòng phương tiện chiến đấu này đang được quân đội nhiều quốc gia quan tâm. Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ tập trung vào các thị trường Ấn Độ, châu Á, Trung Đông”.

Theo lời ông Bekhan Ozdoev, một trong những ưu điểm của Sprut-SDM1 là hệ thống đối kháng quang-điện tử hiện đại. Hệ thống giúp bảo vệ phương tiện chống lại tên lửa dẫn đường bằng tia laser chiếu xạ. Ngoài pháo xe tăng, Sprut-SDM1 còn lắp đặt hệ thống điều khiển hỏa lực mới nhất.

Ngay khi xuất hiện, Sprut-SDM1 đã nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới và chưa có sản phẩm tương tự trên thế giới.

Hiện nay trên thế giới không có phương tiện chiến đấu nào có chức năng tương tự như Sprut-SDM1 khiến nó trở thành một sản phẩm xuất khẩu có giá trị. Xe tăng lội nước hạng nhẹ Sprut-SDM1 của Nga bắt đầu được quan tâm ở Trung Đông. Một trong những quốc gia trong khu vực (không được tiết lộ cụ thể) đã ngỏ ý muốn sớm sở hữu dòng phương tiện chiến đấu hạng nhẹ đa dụng này.

NGỌC HƯNG - TUẤN SƠN (theo Rostec)

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/cach-nguoi-nga-tao-ra-xe-tang-nhay-du-sprut-sdm1-722804
Copy Link
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/cach-nguoi-nga-tao-ra-xe-tang-nhay-du-sprut-sdm1-722804
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cách người Nga tạo ra 'xe tăng nhảy dù' Sprut-SDM1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO