Cách NATO định danh cho vũ khí của Liên Xô và Nga

13/09/2021 15:48

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có truyền thống định danh cho các thiết bị quân sự của Liên Xô trước đây và Nga ngày nay. Nhiều khi những tên gọi đó không tương ứng với loại vũ khí cụ thể. Vậy tại sao lại có sự không tương ứng này?

Hệ thống định danh của NATO

Hầu hết quân đội hiện đại của các nước đều có những loại thiết bị quân sự và vũ khí khác nhau, tên gọi của chúng được mã hóa bằng chữ và số khá phức tạp. Nếu binh sĩ trong quân đội mình am hiểu điều này mà không gặp trở ngại, thì đây lại là việc không dễ dàng đối với đối thủ. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, người Mỹ đã từng gặp phải những trở ngại như vậy trên chiến trường Thái Bình Dương. Họ đã rất khó khăn để hiểu về các loại thiết bị quân sự của Nhật Bản, thậm chí còn khó khăn hơn để học thuộc những ký hiệu chữ và số của chúng. Nhằm dễ dàng hơn trong việc xác định vũ khí của đối phương, họ đã phát triển hệ thống định danh của riêng mình, dựa trên những tên gọi gần gũi với từng người Mỹ. Chẳng hạn, máy bay chiến đấu nổi tiếng nhất của Không quân Nhật Bản Mitsubishi A6M (có nghĩa là “máy bay tiêm kích loại số không”) đã được quân đồng minh gọi với cái tên ngắn gọn là “Zero”.

Sau khi thành lập NATO, người Mỹ tiếp tục sử dụng hệ thống định danh riêng liên quan đến các thiết bị quân sự phức tạp của các đối thủ, trong đó có Liên Xô và Trung Quốc. Tiêu chí cho việc định danh rất đơn giản. Theo đó, tên gọi phải ngân vang, có nghĩa ẩn dụ, dễ phát âm và dễ nhớ, và điều quan trọng là không khó khăn trong việc truyền đạt trên các phương tiện thông tin.

Để thống nhất tên mã trong định danh một loại vũ khí, các chuyên gia NATO đã quyết định sử dụng cùng một chữ cái ở đầu tương ứng với chữ cái đầu tiên của thuật ngữ tiếng Anh. Chẳng hạn, tất cả máy bay chiến đấu của các quốc gia đối địch được khối quân sự này định danh đều bắt đầu bằng chữ “F” (Fighter), máy bay ném bom – bằng chữ “B” (Bomber), máy bay trực thăng – bằng chữ “H” (Helicopter), máy bay vận tải – bằng chữ “C” (Cargo), các loại máy bay đa nhiệm – bằng chữ “M” (Miscellaneous).

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa R-36M2 “Voyevoda”, được NATO định danh là “Satan”. Nguồn: uzhur-city.ru.

Với tên lửa thì tên gọi có khác một chút. Chặng hạn, tên mã của tên lửa đất đối không của Liên Xô bắt đầu bằng chữ “K”, đây là chữ cái đầu tiên trong phiên âm của chữ tiếng Nga “X” (Kh). Trong những trường hợp khác, tất cả đều được định danh tương tự với loại máy bay. Theo đó, tên mã của tên lửa đất đối không bắt đầu bằng chữ “G” (Ground), “không đối không” – bằng chữ “A” (Air), “đất đối không” – bằng chữ “S” (Surface).

Đối với các biến thể thiết bị quân sự và vũ khí, thông thường NATO thêm một ký tự gạch nối vào tên gọi chính theo bảng thứ tự chữ cái. Chẳng hạn, “Bear-A” thì phương án tiếp theo sẽ có chữ “B”. Nếu biến thể có thay đổi không đáng kể, thì người ta thường thêm từ Mod (viết tắt của từ Modified) hoặc thêm vào chữ cái Latin như “Bear-F Mod.IV”.

Chỉ có những loại xe tăng nội địa mới tránh được việc phi tiếng Nga hóa. Nhiều khả năng là do tên gọi tiếng Nga và tiếng Anh của loại tăng thiết giáp này là tương đồng nhau. Cả Nga và Mỹ đều gọi xe tăng là “Tank”. Do vậy, xe tăng Т-54, Т-14 hoặc Т-90 của Liên Xô vẫn không thay đổi theo cách định danh của NATO.

Nhìn chung, tên gọi của các loại vũ khí Liên Xô trong hệ thống định danh của NATO phần lớn mang tính chất coi thường hoặc trung dung. Cookpot (Cái xoong) có nghĩa là gì? Đây là tên gọi của một loại máy bay nội địa. Điều này nhằm một mục đích hạ thấp giá trị các thiết bị quân sự của đối thủ trong mắt các binh sĩ khối NATO và cười nhạo chúng, tăng cường tinh thần của quân đội các nước thành viên Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.

Những cái tên lạ

Thông thường, NATO sử dụng tên mã cho các mẫu máy bay của Liên Xô trước đây và Nga ngày nay. Đôi khi, những cái tên như vậy phản ánh chính xác tính năng của một loại vũ khí cụ thể. Chẳng hạn, những máy bay tiêm kích đa nhiệm thế hệ thứ 4 từ Su-27 đến Su-35 đều được NATO định danh là Flanker (nghĩa là “Tấn công bên sườn”). Có lẽ tên gọi này có liên quan đến khả năng khó nhận diện và siêu cơ động của máy bay. Máy bay chiến đấu ném bom siêu thanh đa nhiệm Su-34 thì được đặt tên là Fullback (Hậu vệ). Có thể người Mỹ muốn nói rằng, loại máy bay này không cần tiêm kích yểm hộ và có thể tự vệ trong khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.

Nhiều khi tên gọi được NATO đặt cho các thiết bị quân sự Liên Xô và Nga nghe có vẻ vô lý và thậm chí là vô nghĩa. Chẳng hạn, tiêm kích đánh chặn siêu thanh MiG-31 có biệt danh là Foxhound (Chó săn cáo), còn tiêm kích cận âm MiG-17 được định danh là Fresco (Bức tranh tường). Có lẽ, người Mỹ đã không thể nghĩ ra cái tên nào nghe hay và dễ nhớ hơn được bắt đầu với chữ “F”. Trong khi đó, MiG-15, một trong những máy bay tiêm kích phản lực đầu tiên của Liên Xô thì được các binh sĩ NATO đặt biệt danh là Hawk (Diều hâu). Tuy nhiên, cấp trên của họ đã ra lệnh định danh là Fagot, bởi có lẽ họ muốn đặt tên này là để không ai có thể đoán được.

Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57 hiện đại nhất của Nga dù mới còn trong giai đoạn phát triển, nhưng NATO đã nghĩ ra cho nó một cái tên là Felon. Trên trang Facebook chính thức của mình, Tạp chí Scramble Magazine chuyên về hàng không quân sự và dân dụng cho biết, thuật ngữ “Felon” có thể miêu tả một người từng thực hiện hành vi nào đó khủng khiếp. Không loại trừ việc các sĩ quan của NATO đã được gợi ý một cái tên tương ứng với những tính năng của máy bay hiện đại nhất này như: Khả năng khó nhận diện, có thể tích hợp với các máy bay không người lái tấn công tàng hình.

Nguyên tắc này cũng được NATO áp dụng trong việc định danh các máy bay ném bom của Nga. Tất cả các biến thể của máy bay ném bom và mang tên lửa chiến lược Tu-95 đều có biệt danh là Bear (Con gấu). Máy bay này nặng gần 100 tấn, có tốc độ nhanh nhất trong số các máy bay sử dụng động cơ tuabin cánh quạt.

Máy bay ném bom Tu-22M3 của Không quân Nga, một trong những máy bay mang tên lửa hiệu quả nhất trên thế giới, được NATO định danh là Blackfire-C. Nguồn: sitekid.ru.

Máy bay ném bom mang tên lửa siêu thanh tầm xa Tu-22M “cánh cụp cánh xòe” có tên mã là Backfire. Cái tên này khá hợp lý đối với một chiếc máy bay mang vũ khí hạt nhân. Trong khi một phiên bản ra đời trước đó của Tu-22 thì được gọi là Blinder (Làm mù). Trong quân đội Mỹ lại phổ biến một cái tên kỳ lạ nữa là “Babe” (Nàng xinh), được đặt cho oanh tạc cơ Tu-22. Tuy nhiên, Ban chỉ huy đã nhanh chóng ra lệnh cấm việc tự đặt tên như vậy.

Máy bay ném bom mang tên lửa chiến lược siêu thanh Tu-160 tại Nga được gọi là “Thiên nga trắng”, trong khi ở các nước NATO lại có biệt danh là Blackjack. Phải chăng tên gọi này là để nhắc đến một trong những trò chơi bài phổ biến nhất trên thế giới, được chơi nhiều trong các sòng bạc? Cũng có thể có một ẩn ý nào đó trong tên gọi này. Nhưng trước hết, đây là cái tên có hàm ý và dễ nhớ.

Các loại máy bay trực thăng theo định danh của NATO cũng có những cái tên mang nghĩa ẩn dụ, tuy nhiên chúng không phải lúc nào cũng tương ứng với những tính năng của loại máy bay đó. Chẳng hạn, chiếc trực thăng săn ngầm đầu tiên của Liên Xô Ka-25 được NATO định danh là Hormone, còn trực thăng đa nhiệm Mi-8 có biệt danh là Hip.

Trong trường hợp của chiếc trực thăng tấn công một chỗ ngồi Ka-50, thì cái tên Hokum (Ma sói) do NATO đặt mang ý nghĩa khá đặc trưng. Theo đó, cỗ máy này tấn công và ngay lập tức rời khỏi vùng có thể bị phá hủy bằng hệ thống phòng không. Trong khi đó, người Mỹ đặt một cái tên rất phù hợp cho trực thăng tấn công Mi-28 là Havoc (Kẻ tàn phá). Đây là cỗ máy đa năng có thể tìm và tiêu diệt bất kỳ phương tiện bọc thép nào, cũng như các mục tiêu bay chậm trên không và sinh mạng kẻ địch.

Trong số các máy bay vận tải (NATO thường định danh bắt đầu bằng chữ “C”), thì chỉ có chiếc An-124 có tên gọi lịch sự là Condor (Thần ưng). Chiếc máy bay khổng lồ 4 động cơ này thực sự khá giống loài chim lớn nhất ở Nam Mỹ, đó là chim ưng Andean. Trong khi đó, chiếc Tu-124 và Il-86, vốn sử dụng trong lực lượng vận tải quân sự Liên Xô, được NATO đặt tên lần lượt là Cookpot (Cái xoong) và Camber (Uốn cong).

Trong các tổ hợp phòng không Liên Xô được NATO định danh, nổi tiếng nhất là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hai tầng R-36M “Voyevoda” thế hệ thứ 3. Ở các nước NATO, nó được đặt tên là “Satan” (Quỷ sa tăng). Washington thực sự rất lo ngại loại tên lửa này, đầu đạn của nó bao gồm 10 đơn vị hạt nhân và có công suất lên tới 800 kiloton mỗi đơn vị. Hiện nó đang được thay thế bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat hạng nặng mới. Lưu ý rằng, chữ cái đầu tiên trong cái tên này trùng với chữ “S” trong tiếng Anh, nên có thể người Mỹ vẫn muốn giữ lại tên gọi bằng tiếng Nga.

QUỐC KHÁNH (theo russian7.ru) 

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cách NATO định danh cho vũ khí của Liên Xô và Nga
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO