Cách nào để 'ghìm cương' lạm phát?

08/07/2022 11:09

Chuyên gia cho rằng, dư địa kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4% trong năm nay còn khá lớn, tuy nhiên, cần có những giải pháp đồng bộ để "ghìm cương" lạm phát.

Giữa “vòng xoáy” lạm phát toàn cầu, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm của Việt Nam chỉ tăng 2,44%, đây là kết quả của những nỗ lực kiểm soát lạm phát của Việt Nam. Tuy nhiên, theo chuyên gia, để đạt mức 4% như Quốc hội đề ra, còn rất nhiều việc phải làm.

Chặn đứng đứt gãy chuỗi sản xuất

TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát là nền kinh tế thế giới sau khi kiệt quệ vì COVID-19 đã bước vào giai đoạn tăng trưởng, phục hồi trở lại, khiến tổng cầu tăng đột biến trong khi chuỗi cung ứng lại đứt gãy, làm cho giá cả nguyên vật liệu đầu vào và hàng hóa tăng mạnh.

“Kinh tế Việt Nam là kinh tế mở, phụ thuộc rất nhiều từ bên ngoài, với hơn 37% nguyên vật liệu đầu vào là từ nhập khẩu. Giá cả nguyên liệu toàn cầu 3 tháng đầu năm tăng 50%, một số mặt hàng khác như năng lượng tăng đến 90% đã không chỉ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng CPI mà còn khiến chỉ số giá sản xuất cũng tăng cao, rồi quay vòng dội lên chỉ số CPI”, ông Lâm nói.

Để giải quyết tình trạng này, ông Lâm cho rằng, chúng ta phải đa dạng hoá nguồn cung, giảm phụ thuộc vào một thị trường, nhất là Trung Quốc.

“Thực tế cho thấy, khi Trung Quốc kiểm soát dịch bằng chính sách Zero COVID thì sẽ lập tức gây đứt gãy nguồn cung, nếu Việt Nam không có nguồn khác bổ sung thì sẽ không còn hàng hóa để sản xuất. Do vậy, nếu chúng ta đa dạng hóa nguồn cung thì dù có đứt gãy chuỗi cung ứng với nước này thì vẫn có để sản xuất, đảm bảo được các đơn hàng đã ký với đối tác”, ông Lâm giải thích.

Ngoài ra, theo ông Lâm, từ nay đến cuối năm, nhu cầu về lương thực, thực phẩm rất lớn, do vậy Nhà nước cần phải quan tâm, quản lý giá. Cùng với đó là các dịch vụ công như giáo dục, y tế…cũng phải được nghiên cứu phù hợp về thời điểm tăng, nếu tăng đồng loạt sẽ tạo ra dư chấn về lạm phát.

Cách nào để 'ghìm cương' lạm phát? - 1

Chuyên gia cho rằng, dư địa kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4% trong năm nay còn khá lớn. (Ảnh minh họa: Chính phủ)

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS Bùi Kiến Thành phân tích, lạm phát cơ bản tháng 6/2022 tăng 0,44% so với tháng trước, tăng 1,98% so với tháng 7/2021. Bình quân 6 tháng, lạm phát cơ bản tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (2,44%) phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu.

Về những giải pháp cụ thể để kiểm soát lạm phát, ông Thành bày tỏ sự lạc quan: “Việt Nam đã làm rất tốt đó chính sách bình ổn giá, nhất là nông sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng trong những dịp cần thiết”.

Nhận định về lạm phát, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, tại Việt Nam, lạm phát đang ảnh hưởng đến từng con người, từng hộ gia đình, không phân biệt vùng miền nào. Không chỉ đời sống dân sinh mà cả đầu tư công và cuối cùng là tổng cầu đều chịu ảnh hưởng của lạm phát, bão giá. Rất nhiều dự án đầu tư công hiện nay phải tạm dừng do chưa đạt được thỏa thuận giữa chủ đầu tư và đơn vị thi công về vấn đề làm thế nào để điều chỉnh do biến động về giá.

Do vậy, để giúp dân khỏi khốn khó giữa "bão" lạm phát thì cầna phải tích cực triển khai các gói an sinh xã hội. “Các chính sách đó đưa ra thường rất hay nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm thì không có giá trị, mà phải khẩn trương triển khai ngay”, ông Ánh nói.

Khẩn trương hạ nhiệt giá xăng dầu

Nguyên nhân thứ hai gây lạm phát được ông Nguyễn Bích Lâm chỉ rõ là do giá xăng dầu tăng quá cao. “Do vậy, chúng ta phải có giải pháp kiểm soát ở mức giá phù hợp. Ở một số nước như Mỹ hay nhiều nước khác như EU họ đều có trợ cấp giá xăng dầu cho người dân. Việt Nam cũng cần phải có chính sách giảm các loại thuế cho phù hợp”, ông Lâm cho biết.

Cũng theo ông Lâm, xăng dầu có ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất cũng như chi phí tiêu thụ. Do đó, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức cuộc họp bất thường ngày 6/7 để giảm thuế bảo vệ môi trường, hạ nhiệt giá xăng dầu sẽ giúp hạn chế đà tăng của giá cả trong nước. “Đây chắc chắn là một chính sách có hiệu quả để kiểm soát giá cả các mặt hàng tăng theo xăng dầu”, ông Lâm nói.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế TS Bùi Trinh nhấn mạnh, ngoài việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn khung thuế, cơ quan quản lý cần sớm giảm thêm các sắc thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT… Có như vậy mới làm “nguội” bớt sức nóng của giá mặt hàng chiến lược quan trọng này.

Trường hợp giá dầu thế giới tiếp tục diễn biến tiêu cực, việc tính toán giảm thêm các loại thuế là cần thiết để giữ ổn định giá bán lẻ xăng dầu trong nước”, ông Trinh nói.

Theo chuyên gia, khi đà tăng của thế giới chưa dừng lại, Quỹ Bình ổn (BOG) đã cạn thì việc giảm thuế phí là giải pháp cần phải tính đến “hạ nhiệt” giá xăng dầu trong nước. Hiện mỗi lít xăng, dầu bán ra đang gồng gánh khoảng 34 - 35% các loại thuế, chi phí trong cơ cấu giá bán. Nói cho dễ hiểu, với mỗi lít xăng giá khoảng 30.000 đồng, 1/3 trong đó là thuế, phí. Trong 4 sắc thuế đang được đánh trong mỗi lít xăng, dầu (gồm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt), TS Bùi Trinh cho rằng việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu là bất hợp lý, cần sớm bãi bỏ.

Xăng dầu là mặt hàng dùng cho cả sản xuất và tiêu dùng. Trong khi giá xăng dầu đang rất cao, thì việc gánh hàng loạt thuế phí, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt là không hợp lý. Tôi cho rằng nên xóa bỏ sắc thuế này với xăng dầu, đồng thời tiếp tục giảm thuế nhập khẩu”, ông Trinh nói.

Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô, không lý do gì người dân lại phải chịu quá nhiều thuế phí trên mỗi lít xăng. Chính phủ nên có phương án trợ giá cho người dân và doanh nghiệp. Nguồn ngân sách lấy từ chính nguồn lợi từ xuất khẩu dầu thô, vì đây là tài sản của người dân, người dân được quyền hưởng lợi.

Cách nào để 'ghìm cương' lạm phát? - 2

Chuyên gia khuyến cáo cần giảm giá xăng dầu để hạ nhiệt lạm phát. (Ảnh minh họa: Lao động)

Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ

TS Bùi Kiến Thành đề xuất phải kiểm soát tốt chính sách tín dụng và tài khoá, đây là chính sách mà chúng ta đã và đang triển khai rất hiệu quả.

“Vào những năm 2012-2013, chúng ta đã quá trớn trong chính sách tín dụng, đẩy lãi suất ngân hàng lên xấp xỉ 20%, dẫn đến lạm phát lớn. Nhưng bây giờ chúng ta kiểm soát rất tốt, hạn chế nhiều rủi ro. Còn nhớ cách đây 10 năm, các ngân hàng đã thoải mái cho doanh nghiệp vay vốn mà không cần biết doanh nghiệp đó hoạt động lỗ - lãi thế nào, cứ có tài sản thế chấp là cho vay, tạo ra những những cục nợ xấu mà phải mất nhiều năm để giải quyết. Nay các ngân hàng đã không cho vay ồ ạt, nhất là Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường kiểm soát, theo dõi sát sao hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, giúp hạn chế nợ xấu”, ông Thành dẫn giải.

Một giải pháp khác góp phần kiểm soát lạm phát mà ông Thành nêu ra là: “Không để quá nhiều tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế, dễ dẫn đến lạm phát. Cùng với đó là phải tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp vay vốn ưu đãi lãi suất, giúp phát triển sản xuất, để họ không tính chi phí đó vào giá thành sản phẩm. Như vậy là sẽ bình ổn được giá cả hàng hoá, góp phần kiềm chế lạm phát. Còn về chính sách tài khoá thì Nhà nước phải thông qua Quốc hội điều tiết một số thuế khóa để tránh ảnh hưởng thuế đến giá cả trong nước”.

Không để quá nhiều tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế, dễ dẫn đến lạm phát

TS Bùi Kiến Thành

Trao đổi thêm về chính sách tài khoá, tiền tệ, TS Nguyễn Bích Lâm cho rằng, hiện nay Ngân hàng trung ương các nước, trong đó có Mỹ (FED) tăng lãi suất, dẫn đến sức ép tăng tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cần có chính sách linh hoạt để không gây ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu.

“Nếu tỷ giá đồng tiền Việt Nam biến động mạnh và mất giá thì nó sẽ ảnh hưởng đến trả nợ nước ngoài của Việt Nam. Mà nợ nước ngoài của Chính phủ thì không nhiều, phần lớn nợ nước ngoài là của các doanh nghiệp, doanh nghiệp vốn đã khó khăn mà lại bị như thế thì càng khó khăn hơn. Do vậy chính sách tiền tệ phải linh hoạt để điều hành tỷ giá, lãi suất và đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế”, ông Lâm nói.

PGS.TS Ngô Trí Long cũng đề xuất loạt giải pháp kiềm chế lạm phát, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao hiệu quả trong phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ trong điều hành cung tiền, lãi suất, trung hòa lượng tiền vào ra, điều tiết giá cả. Đồng thời cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, chú trọng phát triển kinh tế xã hội số và nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, từ đó giảm áp lực lạm phát.

Còn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên Học viện Tài chính, để có thể giữ tốc độ tăng CPI ở mức dưới 4% và tìm cách ổn định thị trường tài chính tiền tệ, yếu tố hấp thụ vốn của nền kinh tế có vai trò quan trọng.

Do đó, ông Thịnh cho rằng, nhà điều hành chính sách cần xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tính toán cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa đảm bảo kích thích nền kinh tế hồi phục và phát triển nhanh chóng, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay, đảm bảo khả năng trả nợ vay và sự ổn định và phát triển trong dài hạn của nền kinh tế.

Lạm phát 2022 trong tầm kiểm soát

Thừa nhận sức ép lớn song nhiều chuyên gia đều lạc quan cho rằng, lạm phát năm 2022 vẫn trong tầm kiểm soát, dư địa kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4% trong năm nay còn khá lớn.

Theo TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), trong trường hợp lạm phát trung bình cả năm nay vượt mức 4%, thì lạm phát trung bình trong 6 tháng cuối năm phải ở mức trên 5,56%, tức là trong giai đoạn còn lại của năm 2022 CPI sẽ phải tăng trung bình hơn 0,7%/tháng. Tuy nhiên, xác suất xảy ra kịch bản này không cao, bởi bất chấp giá xăng dầu và giá các nguyên vật liệu tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, CPI mới chỉ tăng trung bình khoảng 0,5%/tháng.

Lạm phát trung bình trong năm nay sẽ trong tầm kiểm soát, ở mức dưới 3,5%

TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính

Hiện nay, giá xăng dầu và giá nhiều nguyên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và Fed tăng lãi suất mạnh với tần suất cao. Bởi vậy, kịch bản nhiều khả năng xảy ra hơn là giá xăng dầu và giá các nguyên vật liệu sẽ không tăng mạnh trong thời gian tới và tốc độ tăng CPI trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ ở mức thấp hơn 0,5%/tháng. Theo kịch bản này, TS. Nguyễn Đức Độ dự báo lạm phát trung bình trong năm nay sẽ trong tầm kiểm soát, ở mức dưới 3,5%.

Tương tự, PGS, TS. Nguyễn Bá Minh - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cũng cho rằng có nhiều yếu tố “kìm” đà tăng lạm phát cuối năm.

Trên thế giới tình hình dịch bệnh, xung đột vũ trang vẫn khó đoán định, khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu giảm tốc và làm giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới khó giữ ở mức cao nhất những tháng vừa qua.

Tại Việt Nam, sản xuất nông nghiệp phát triển tốt với nhiều tín hiệu khả quan cho thấy cung - cầu nông sản những tháng cuối năm 2022 sẽ không căng thẳng, giúp cho giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm không bị tăng đột biến…

Một nguyên nhân “kìm” đà tăng của lạm phát đó là cả hệ thống chính trị của Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra…

PHẠM DUY
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cách nào để 'ghìm cương' lạm phát?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO