Bên cạnh sự tiện lợi, việc gửi tiền qua các hình thức này có thể phát sinh rủi ro như chuyển nhầm vào tài khoản người khác mà không biết cách xử lý thế nào.
Ngân hàng chỉ có trách nhiệm hỗ trợ liên hệ
Tiến sĩ, luật sư Lê Ngọc Khánh (Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) tư vấn, trong trường hợp phát hiện chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người khác, không phải là người mình mong muốn thì hãy lập tức ra ngân hàng, mang theo Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, hoá đơn chuyển khoản, thẻ ngân hàng (ATM), kèm theo các thông tin như số tài khoản của bản thân, số tài khoản thực tế phải chuyển, số tài khoản bị chuyển nhầm, chữ ký của chủ tài khoản để yêu cầu ngân hàng nơi mở tài khoản xác minh.
Luật sư Lê Ngọc Khánh lưu ý, trong trường hợp này, ngân hàng chỉ có trách nhiệm hỗ trợ liên hệ thông báo đến chủ tài khoản nhận được số tiền chuyển khoản nhầm để chuyển trả số tiền đã nhận.
Trường hợp người chuyển tiền có căn cứ xác định việc chuyển khoản đó do bị lừa dối hoặc ép buộc trái với quy định của pháp luật thì có quyền phong tỏa, tạm khoá mọi giao dịch của tài khoản cho đến khi giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Tiến sĩ, luật sư Lê Ngọc Khánh. |
Theo Khoản 4 Điều 32 Thông tư 37/2016/TT-NHNN, trong trường hợp tài khoản thụ hưởng đã bị khoá, phong toả vẫn còn số tiền mà người chuyển nhầm đến thì ngân hàng sẽ tiến hành chuyển tiền lại cho người chuyển nhầm. Còn khi số tiền gửi nhầm đã được rút, ngân hàng sẽ liên lạc với chủ tài khoản được gửi nhầm để yêu cầu gửi trả lại tiền.
Cố tình chiếm giữ tiền của người chuyển nhầm có thể bị phạt tù cao nhất 5 năm
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 579 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này”.
Do đó, nếu người nào nhận được tài sản của người khác mà không phải của mình nhưng cố tình chiếm giữ không trả lại cho người chuyển nhầm thì có thể làm đơn trình báo gửi đến Công an cấp huyện nơi xảy ra sự việc để điều tra.
Người nào có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng và tịch thu số tiền vi phạm theo quy định tại Điểm e Khoản 2 và Khoản 3 Điều 15 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 với mức xử phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm.
(Theo Lao Động)