Cách kiểm tra VPN của bạn đang dùng có rò rỉ thông tin hay không

Võ Hồng| 05/06/2021 07:00

Việt BáoSử dụng VPN là tốt nhưng muốn đảm bảo rằng nó “ngon”, bạn vẫn nên nhờ đến một số công cụ miễn phí để kiểm tra tính bảo mật và xác định xem VPN của bạn có đang thực hiện tốt công việc của nó hay không.

VPN là gì?

VPN hay còn gọi là Virtual Private Network (mạng riêng ảo), là dịch vụ cho phép bạn kết nối với internet thông qua máy chủ của chúng, thay đổi địa chỉ IP của bạn, bảo vệ bạn khỏi theo dõi khi lướt web. Nói cách khác, nếu bạn muốn giữ cho mình không bị phát hiện trong khi online, VPN là một phần quan trọng bên cạnh sử dụng chế độ ẩn danh và một số phương pháp khác tương tự như ẩn danh.

Tuy nhiên, VPN không phải là lá chắn thần thánh bởi vì có một số vấn đề có thể xuất hiện ngay cả với những VPN tốt nhất, nghĩa là địa chỉ IP của bạn vẫn bị tiết lộ cho các trang web hoặc dịch vụ mà bạn truy cập, điều này khiến VPN của bạn trở thành vô dụng.

Vì vậy, một số công cụ miễn phí có sẵn trên web có tính năng giúp bạn kiểm tra những vấn đề này và bạn nên sử dụng thay vì phó mặc tất cả cho dịch vụ VPN mà bạn tin tưởng.

Các loại rò rỉ của VPN

Khi một VPN truyền phát địa chỉ IP của bạn thay vì địa chỉ IP của máy chủ VPN, đó được gọi là rò rỉ. Có ba loại rò rỉ mà bạn dễ dàng phát hiện bằng các công cụ đơn giản: rò rỉ IP, rò rỉ WebRTC và rò rỉ DNS.

Rò rỉ IP có hai loại: rò rỉ IPv4 và IPv6. Rò rỉ IPv4 là khi VPN không bảo vệ được kết nối của bạn, một sự rò rỉ thuần túy và đơn giản. Tuy nhiên, bạn sẽ không thấy quá nhiều sự cố này vì chúng chỉ xảy ra khi VPN bị lỗi.

Theo Dimitar Dobrev, người sáng lập VPNArea, rò rỉ IPv6 sẽ xảy ra nếu cả bạn và trang web bạn sử dụng kết nối hỗ trợ IPv6, nhưng thật sự “đắng lòng” khi VPN của bạn chỉ hỗ trợ IPv4. Với kết nối IPv6 không được bảo vệ hiệu quả, trang web có thể thấy địa chỉ IP của bạn.

Cách tốt duy nhất để ngăn chặn điều này là nâng cấp lên VPN sử dụng bảo vệ IPv6 hoặc có tùy chọn bật nó lên để đảm bảo nó tương thích với hiện trạng thực của bạn. Trong trường hợp VPN của bạn không hỗ trợ, tốt nhất bạn nên tìm đến với dịch vụ khác.

Rò rỉ WebRTC là một vấn đề khác: Theo lời của Phó Giám đốc ExpressVPN Harold Li, Web Real-Time Communication (WebRTC) là một tập hợp các công nghệ tiêu chuẩn hóa cho phép các trình duyệt web giao tiếp với nhau trực tiếp mà không cần đến máy chủ trung gian. Khi điều này tiếp diễn, đôi khi sẽ dẫn đến sự cố một trình duyệt có thể vô tình tiết lộ địa chỉ IPv4 của bạn và thậm chí bao gồm cả vị trí của bạn. Nếu điều này xảy ra, bạn có thể tắt các yêu cầu WebRTC bằng tiện ích mở rộng trình duyệt.

Rò rỉ DNS rất phổ biến và ngay cả các VPN “xịn” đôi khi cũng mắc phải lỗi này. Rò rỉ DNS xảy ra khi các yêu cầu DNS của bạn được gửi trực tiếp đến các máy chủ DNS mà không cần thông qua VPN, đồng thời không sử dụng DNS của VPN. Thay đổi máy chủ sẽ khắc phục được sự cố, nhưng nếu nó xảy ra thường xuyên, chắc chắn bạn cần phải thay đổi VPN.

Công cụ kiểm tra VPN

Có một số công cụ để kiểm tra, cụ thể là ipleak.net thuộc sở hữu của AirVPN và ipleak.org, thuộc sở hữu của VPNArea. Cả hai đều làm tốt công việc hiển thị những gì bạn cần biết.

Lưu ý: Bài viết này chỉ đề cập đến ipleak.net vì giao diện của nó tốt hơn so với ipleak.org, điều đó sẽ giúp bạn dễ dàng kiểm tra các vấn đề nhiều hơn.

Kiểm tra kết nối của bạn

Để hiểu cách hoạt động của các bài kiểm tra, trước tiên, bạn nên truy cập ipleak.net mà không bật VPN. Không có màn hình giới thiệu hay bất cứ thứ gì khác, ngay lập tức bạn sẽ được đưa đến kết quả kiểm tra.

Ảnh minh họa kết nối từ Larnaka thuộc quần đảo Síp

Ở trên cùng là địa chỉ IP của bạn. Dưới đó là đất nước và thành phố bạn đang cư trú.

Kiểm tra IPv6 ở ngay bên phải địa chỉ IP của bạn. Nếu nó hiển thị là “không tiếp cận được” (not reachable) có nghĩa là bạn được an toàn. Dưới đó là phát hiện WebRTC. Nếu nó trống, bạn hoàn toàn yên tâm.

Cuối cùng nhưng rất quan trọng là kiểm tra DNS của bạn, nó hiển thị một loạt các địa chỉ IP, có thể đến từ bất kỳ đâu. Đây là các máy chủ khác nhau mà tín hiệu của bạn đã bị trả về giữa các máy chủ của ipleak.net. Như bây giờ, theo hình minh họa, nó đang ở trạng thái “bình an vô sự”.

Bây giờ hãy bật VPN và chạy kiểm tra bằng cách tải lại trang ipleak.net. Bài kiểm tra sẽ được tự động chạy lại trong tích tắc.

Ảnh minh họa kết nối từ Hà Lan

Trong bài kiểm tra này, có một số điều bạn cần lưu ý: Kết quả cho các bài kiểm tra IPv6 và WebRTC đều ổn. Để tìm hiểu liệu VPN của bạn có vượt qua bài kiểm tra rò rỉ DNS hay không, bạn cần xem qua danh sách địa chỉ IP và xem liệu IP ban đầu của bạn có ở đó hay không: Nếu không, chứng tỏ mọi việc đều ổn, nghĩa là tất cả các kết nối đều tốt và VPN đã được thông qua.

Loại rò rỉ nào nên quan tâm nhiều nhất?

Tất nhiên, không phải tất cả các bài kiểm tra đều tốt đẹp như các ví dụ dẫn chứng đã nêu. Trên thực tế, rò rỉ IPv4, IPv6 và WebRTC ít có khả năng xảy ra nhất. Qua thử nghiệm rất nhiều VPN, chỉ có một vài trường hợp rò rỉ như thế xảy ra mà thôi. Đáng quan ngại nhất là sự cố rò rỉ DNS vì nó phổ biến hơn rất nhiều, vì vậy bạn phải luôn cẩn thận, kiểm tra các máy chủ DNS để đảm bảo rằng bạn không bị “lộ hàng” với lỗi rò rỉ DNS này.

Theo đánh giá của các chuyên gia bảo mật, nếu bạn đang tìm kiếm một VPN mới và thật sự an toàn, lựa chọn hàng đầu bạn nên quan tâm chính là ExpressVPN, đặc biệt nó cũng cung cấp thử nghiệm rò rỉ DNS của riêng nó và trên thực tế trải nghiệm, dịch vụ này khá tốt để đảm bảo bạn tránh khỏi những rắc rối không đáng có vì các lỗi rò rỉ thông tin từ VPN đang sử dụng.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cách kiểm tra VPN của bạn đang dùng có rò rỉ thông tin hay không
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO