Trong cơ thể người, chất béo có nguồn gốc chủ yếu từ thực phẩm và quá trình tổng hợp ở gan. Có 3 loại chất béo chính là phospholipid, triglycerid và cholesterol. Chất béo cung cấp năng lượng, hỗ trợ hoạt động của các cơ quan và quá trình trao đổi chất trong cơ thể.
Tuy nhiên, quá nhiều chất béo không phải là điều tốt, đặc biệt là chất béo nội tạng. Chất béo nội tạng nằm bên trong khoang bụng, giữa các cơ quan nội tạng (dạ dày, gan, ruột, thận,...). Khi chất béo nội tạng dư thừa quá mức sẽ làm bụng nhô ra phía trước, hay gọi là “mỡ bụng”.
Chất béo nội tạng có thể dẫn đến béo phì, nguy cơ cao mắc bệnh động mạch vành, tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2, bệnh tim, đột quỵ và một số bệnh khác về gan, thận và cả ung thư.
Để kiểm soát chất béo trong cơ thể, chúng ta cần tăng cường vận động, đây là cách an toàn và hiệu quả để giảm mỡ, đốt cháy calo. Lưu ý cần giải phóng nhiều năng lượng hơn mức nạp vào từ thực phẩm. Đặc biệt là các bài tập cường độ cao giúp tăng khối lượng cơ, từ đó sẽ giảm được lượng mỡ trong cơ thể.
Hạn chế thực phẩm chứa chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa như mỡ động vật, bánh ngọt, khoai tây chiên, gà rán, xúc xích, lạp xưởng… vì chúng có thể thúc đẩy tích tụ chất béo nội tạng.
Sử dụng thực phẩm chứa chất béo lành mạnh như cá, quả óc chó, hạt lanh, hạt chia, dầu oliu… Cortisol được tìm thấy trong các mô mỡ ở nội tạng, vì vậy tránh căng thẳng có thể hạn chế cơ thể tích tụ mỡ nội tạng.
Ngủ đủ giấc từ 7-9 giờ mỗi đêm có thể hạn chế lượng mỡ trong cơ thể. Những người thường xuyên uống rượu có xu hướng béo bụng cao hơn. Hạn chế uống rượu sẽ làm giảm lượng calo trong cơ thể.
Giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) trong mức từ 18.5 đến 22.9kg/m2. Chỉ số BMI trên 25 được xem là béo phì và cần phải có kế hoạch giảm cân hợp lý.