Bảo đảm các yếu tố an toàn
Đã có không ít vụ tai nạn thương tích khi trẻ tham gia các trò chơi mạo hiểm. Vì vậy, trước khi cho con tham gia, người lớn cần có những lưu ý từ các yếu tố khách quan cũng như chủ quan.
Cô giáo Lam Thị Thanh Hường, Trường THCS Văn Lang (Quảng Ninh), cho biết, trước khi tới công viên giải trí để tham gia các trò chơi cảm giác mạnh, thầy cô giáo hoặc cha mẹ nên tìm hiểu kĩ thông tin về địa điểm đến. Cần kiểm tra xem trong lịch sử có vụ tai nạn nào xảy ra khi khách tham gia trò chơi hay không. Bên cạnh đó là thông tin về các thiết bị kĩ thuật tại công viên, thời tiết có phù hợp, bảo hiểm du lịch, giá vé... Hãy trang bị kiến thức cặn kẽ, chọn trò chơi phù hợp với thể chất của trẻ khi tới tham gia trò chơi mạo hiểm.
Cô Hường cho rằng, bất kì sự rủi ro nào cũng có thể xảy ra mà chúng ta không thể đoán trước được. Vì vậy, việc tìm hiểu các lối thoát tại khu vui chơi giải trí luôn là điều cần thiết.
Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ, nếu gặp các sự cố lớn như hỏa hoạn, hoặc tai nạn nguy hiểm khiến mọi người hâm phải sơ tán, hãy bình tĩnh. Trẻ cần hiểu được phải tìm nơi ẩn trú an toàn hoặc lựa chọn lối thoát hiểm mà ít người chú ý tới. Ngoài ra, cần chủ động tìm tới sự trợ giúp của hướng dẫn viên hoặc nhân viên phụ trách ở khu vực.
“Nếu trẻ đủ điều kiện tham gia các trò chơi mạo hiểm hay thử thách nỗi sợ hãi, hãy đưa ra một số lời khuyên giúp con bình tĩnh hơn để chơi. Chẳng hạn khi đi tàu lượn siêu tốc, con nên ngồi chính giữa ghế, không ngồi lệch hay dựa sang một bên, thắt đai an toàn. Giữ cơ thể thăng bằng bằng cách nghiêng người sang phải, giữ đầu thẳng ở chính giữa khi tàu rẽ trái và ngược lại. Nếu đủ bình tĩnh, bé có thể mở mắt và nhìn vào đường ray phía trước như thể đang lái nó, cảm giác điều khiển sẽ giúp trẻ giữ thăng bằng và tránh buồn nôn.
Với trò chơi thử thách lòng can đảm mà không quá mạo hiểm, hãy khuyến khích con chơi và cho trẻ hiểu rằng bạn sẽ luôn ở bên cạnh nắm tay chúng. Thậm chí, cha mẹ có thể bế con khi cần thiết”, cô Hường nói.
Cũng theo cô Hường, cần giúp trẻ ăn mặc phù hợp khi chơi các trò mạo hiểm. Đã có nhiều trường hợp quần áo, váy vóc hay những trang sức rườm rà nhiều dây đã khiến trẻ bị mắc kẹt vào bất cứ bộ phận nào của thiết bị máy móc ở công viên. Người lớn có thể dặn dò trẻ, trong trường hợp đang ở các trò chơi với tốc độ cao, vật dụng bị cuốn văng ra ngoài có thể gây chấn thương cho những người xung quanh. Vì vậy hãy hạn chế đeo đồ trang sức, búi tóc gọn gàng và mặc quần áo vừa vặn, chú ý dây giầy… để giữ an toàn cho chính mình và tránh gây nguy hiểm cho người khác.
Không phó thác trẻ cho hướng dẫn viên
Khi cho phép con mạo hiểm, trẻ thậm chí có thể làm người lớn ngạc nhiên với cách con phát triển khi được tin tưởng. Vì vậy, người lớn cần giúp con có những kiến thức, kỹ năng cần thiết trước khi tham gia chơi thay vì cấm đoán, yêu cầu trẻ tránh xa những thử thách đó.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Tâm Việt, cho rằng, trò chơi cảm giác mạnh phải chia theo độ tuổi, cân nặng, chiều cao người chơi, bảo vệ tuân thủ nghiêm những nguyên tắc bảo đảm an toàn. Cha mẹ cần nắm rõ cách chơi để hướng dẫn trẻ, đồng thời nhắc nhở trẻ quan tâm nghe và tuân thủ hướng dẫn của nhân viên.
“Tốt nhất cha mẹ nên tham gia trò chơi cùng con để kiểm tra mức độ mạnh của nó. Phải kiểm tra xem ghế ngồi và những thiết bị bảo đảm an toàn trước khi cho trẻ tham gia. Đặc biệt, cha mẹ không được rời mắt khỏi con mình khi trẻ đang tham gia những trò chơi cảm giác mạnh và cần bảo đảm rằng có đội an ninh kiểm tra quanh khu vực chơi”, ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, xung quanh trẻ luôn có rất nhiều rủi ro đáng tiếc rình rập. Vì vậy, ba mẹ cần theo sát trẻ, thống kê giám sát những rủi ro đáng tiếc hoàn toàn có thể xảy ra và đề phòng. Không nên phó thác trẻ cho các hướng dẫn viên, vì chỉ cần một sơ suất tai nạn thương tâm hoàn toàn có thể xảy ra.
Trước khi tham gia trò chơi nào, phải đảm bảo đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị an toàn cần thiết và đủ tiêu chuẩn dành cho hoạt động đó. Đặc biệt phải lựa chọn các trò chơi phù hợp với thể lực của bản thân.
Ví dụ như chơi ở dưới nước phải có phao bơi, áo phao. Trẻ chơi trên cao phải có dây bảo hiểm, đai an toàn, các thiết bị an toàn khác... Trước khi tham gia trò chơi phải kiểm tra cài khóa các thiết bị an toàn. Trường hợp các trang thiết bị không đủ và bảo đảm, hãy yêu cầu nhân viên cung cấp hoặc cân nhắc có nên tham gia trò chơi hay không. Đồng thời giải thích cho trẻ biết trò chơi đó đang tiềm ẩn những mối nguy hiểm như thế nào.
“Nhiều cha mẹ dù đã đọc được quy định về độ tuổi, chiều cao, sức khỏe… nhưng vẫn chiều chuộng cho con chơi khi không đủ điều kiện. Nhất là người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, hở van tim dễ xảy ra sự cố khi chơi trò mạo hiểm. Nhiều người chỉ cần chơi trò gắng sức đã bị ngất, nhồi máu cơ tim. Còn ở trẻ nhỏ, tùy theo mức độ bệnh mà trẻ có được chơi trò mạo hiểm hay không. Ví dụ, với một số ít trò chơi như đu quay, tàu lượn siêu tốc, trẻ có bệnh lý về tim mạch và hen suyễn không nên chơi…”, ông Nguyễn Thanh Tùng lưu ý.