Trông bề ngoài, ông Akshant (tên nhân vật đã được thay đổi) giống như mọi tài xế lái xe tuk tuk ở Sri Lanka, song thực tế thu nhập của ông lại cao hơn 3 lần so với đồng nghiệp. Nguyên nhân là do ông Akshant tham gia thị trường chợ đen bán nhiên liệu, giữa lúc Sri Lanka lâm vào cuộc khủng hoảng nhiên liệu tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia
“Công việc này mang lại lợi nhuận cao hơn so với lái xe tuk tuk”, Channel NewsAsia (CNA) dẫn lời tài xế Akshant (59 tuổi).
Ông Akshant kiếm tiền từ thị trường chợ đen buôn bán xăng dầu giữa cuộc khủng hoảng nhiên liệu tồi tệ nhất trong lịch sử Sri Lanka. (Ảnh: CNA) |
Hàng ngày ông Akshant vẫn đỗ chiếc xe 3 bánh chở khách tại thành phố Colombo, nơi các phương tiện xếp hàng nối đuôi nhau kéo dài vài kilomet trước cây xăng đã trở thành hình ảnh quá quen thuộc.
“Nếu tôi mua được 5 lít xăng, tôi chỉ đổ 3 lít xăng vào bình còn lại 2 lít sẽ bán cho người khác”, ông Akshant giải thích.
Trong vài tháng qua, công việc rút bớt xăng trong bình xe để bán ra ngoài đã giúp ông Akshant kiếm được một khoản tiền không nhỏ.
Tại các cây xăng, giá 1 lít xăng là 450 rupee Sri Lanka (1,26 USD). Nhưng tại nhà ông Akshant, nơi các thùng chứa xăng được cất giữ để bán lẻ, ông thường bán với giá 2.500 – 3.000 rupee Sri Lanka/lít.
“Khách hàng của tôi là những người đi xe máy và tài xế lái xe tuk tuk. Các chủ phương tiện khác thường không mua xăng của tôi, bởi họ cần từ 50 – 60 lít mà tôi không có nhiều như thế để bán”, ông Akshant nói.
Cuộc khủng hoảng nhiên liệu trầm trọng nhất trong lịch sử khiến hàng triệu người tại quốc đảo 22 triệu dân phải vật lộn mưu sinh trước cơn bão giá. Trong khi nguồn dự trữ ngoại hối của chính phủ Sri Lanka cũng đã cạn kiệt và không đủ tiền để nhập khẩu nhiên liệu.
“Chúng tôi đã phải chờ đợi 3 – 4 ngày để mua nhiên liệu, và chúng tôi cũng chỉ mua được lượng xăng có giá 2.500 rupee mỗi lần. Số nhiên liệu này là không đủ dùng. Do đó, một số người sẽ bớt xăng đổ vào bình xe của họ để bán ra ngoài với giá cao hơn. Tôi cũng bắt đầu làm như thế”, ông Akshant nói thêm.
Theo Bộ trưởng Điện lực và Năng lượng Sri Lanka Kanchana Wijesekera, hoạt động nhập khẩu nhiên liệu sẽ hạn chế trong vòng 12 tháng tới.
Còn hiện tại, đối với những người giống như ông Akshant, lạm phát gia tăng và tình trạng thiếu nhiên liệu chính là cơ hội để kiếm tiền.
Khách hàng của ông Akshant là người dân địa phương, những người có tiền nhưng lại không có thời gian để xếp hàng dài chờ tới lượt mua nhiên liệu. Họ sẵn sàng trả tiền để mua nhiên liệu với giá chênh, thay vì phải dành nhiều ngày xếp hàng và ăn ngủ ngoài đường để được mua xăng.
Khó có thể xóa bỏ chợ đen
Hoạt động buôn bán nhiên liệu bất hợp pháp đang diễn ra tràn lan tại thủ phủ thương mại Colombo và nhiều khu vực khác ở Sri Lanka, bất chấp mặt hàng quý giá này đang được phân bổ theo hệ thống định mức.
Cụ thể, tất cả chủ phương tiện phải đăng ký với chính phủ Sri Lanka để nhận National Fuel Pass (tạm dịch: Phiếu nhiên liệu quốc gia). Khi được nhận phiếu, mỗi phương tiện sẽ có một mã QR riêng và dùng để mua nhiên liệu tại các trạm xăng.
Hàng dài phương tiện xếp hàng chờ tới lượt đổ xăng là hình ảnh quen thuộc ở Sri Lanka. (Ảnh: CNA) |
Tùy thuộc vào loại phương tiện, mỗi mã QR sẽ quy định số lượng nhiên liệu mà phương tiện đó được mua hàng tuần. Ví dụ như với xe tuk tuk, tài xế chỉ được đổ tối đa 5 lít/tuần tại cây xăng. Với những phương tiện lớn hơn, số lít xăng được đổ hàng tuần cũng sẽ cao hơn.
“Hệ thống QR được ban hành do khả năng cung cấp nhiên liệu hàng ngày chỉ có hạn”, Bộ trưởng Năng lượng Wijesekera thừa nhận trên Twitter hồi tuần trước.
Nhưng dù đã có định mức phân phối, song hình ảnh những hàng dài phương tiện nối đuôi nhau chờ tới lượt đổ xăng vẫn diễn ra hàng ngày ở Sri Lanka.
“Đôi khi, không còn xăng trong trạm nên chúng tôi phải chờ tới khi xe tiếp nhiên liệu tới. Chuyện chờ đợi có thể là 1 hoặc 2 – 3 ngày. Trong khoảng thời gian này, chúng tôi phải ngồi trong xe chờ, mua thức ăn để ăn tại chỗ và lại chờ đợi”, ông Frank Joseph Alvis, tài xế lái xe chở khách du lịch nói.
“Trời rất nóng, nhưng cũng không thể bật điều hòa trong xe vì nhiên liệu đã cạn”, ông Alvis nhấn mạnh.
Khi hàng dài xếp hàng nhích lên từng chút một, ông Alvis sẽ dùng tay để đẩy xe tiến lên phía trước thay vì khởi động động cơ để tiết kiệm nhiên liệu tối đa.
Giống như nhiều tài xế khác đang hoạt động ở Sri Lanka, ông Alvis không có đủ tiền để mua xăng trên thị trường chợ đen, nên buộc phải xếp hàng dài hàng tuần.
“Đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất bởi ngay cả trong giai đoạn nội chiến, chúng tôi cũng không rơi vào khủng hoảng nhiên liệu”, ông Alvis cho hay.
Vào ngày 1/8, hệ thống mã QR đã được áp dụng tại tất cả cây xăng trên toàn lãnh thổ Sri Lanka. Theo một số tài xế, hệ thống mã QR đã giới hạn chặt chẽ số lượng nhiên liệu được mua, và khiến thị trường chợ đen khó hoạt động hơn. Nhưng chuyện này vẫn không thể ngăn những người như ông Akshant tìm ra "lối đi riêng".
“Tôi vẫn đổ được đầy bình xăng bằng cách hối lộ chút tiền cho nhân viên cây xăng. Một số tài xế xe buýt cũng làm theo cách tương tự. Họ mua xăng, rút bớt xăng trong bình và bán ra ngoài với giá cao hơn”, ông Akshant cho biết.
Chợ đen buôn bán nhiên liệu vẫn hoạt động sôi nổi bất chấp chính phủ Sri Lanka phân phối xăng dầu bằng mã QR. (Ảnh: CNA) |
Nhận thấy hành vi buôn bán xăng dầu trái phép đang diễn ra tràn lan, chính phủ Sri Lanka đã cho biện pháp ngăn chặn.
Ông Tissa Maldeniya, Thanh tra cảnh sát ở Đồn Cảnh sát Kollupitiya tại thành phố Colombo, cho hay “Nếu lần đầu tiên bị bắt quả tang, chúng tôi sẽ nhắc nhở họ. Nếu tái phạm lần thứ 2, người vi phạm sẽ bị đưa về đồn cảnh sát để lấy lời khai và bị cảnh cáo. Nhưng nếu họ vẫn còn tiếp tục con đường sai phạm, chúng tôi sẽ đưa ra biện pháp xử lý thích hợp. Thực tế, chúng tôi không muốn xử phạt, bởi họ chỉ là những người dân vô tội và chúng tôi đang ở giữa cuộc khủng hoảng nhiên liệu”, ông Maldeniya nhấn mạnh.
Theo Bộ Điện lực và Năng lượng Sri Lanka, những người vi phạm nhiều lần có thể bị xóa mã QR vốn dùng để mua nhiên liệu và bị xử lý theo pháp luật. Nhiều trạm xăng ở Colombo cũng đã treo biển để khuyên tài xế không gian lận.
“Thực tế là chủ các trạm xăng không hề biết về tiền hoa hồng. Đây là giao dịch riêng của nhân viên trạm xăng và tài xế”, ông Akshant khẳng định, một số người vẫn tiếp tục mua bán xăng dầu trên thị trường chợ đen bất chấp lệnh cấm của chính phủ.
Minh Thu (lược dịch)