Cách bổ sung vitamin A cho trẻ đúng cách

HƯƠNG SƠN| 01/06/2022 08:18

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, cơ thể chỉ cần vitamin A với liều lượng rất nhỏ nhưng nếu thiếu sẽ gây ra rất nhiều tác hại, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

Vitamin A là loại vitamin tan trong chất béo, có tác dụng trên võng mạc, giúp cho mắt có thể thích nghi với sự thay đổi “sáng - tối” một cách nhanh chóng.

Vì vậy, thiếu hụt vitamin A đồng nghĩa với khả năng nhìn trong môi trường ánh sáng yếu bị giảm, biểu hiện sớm là hiện tượng “quáng gà” xuất hiện khi trời nhá nhem tối.

Bên cạnh chức năng về thị giác, vitamin A còn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển và bảo vệ toàn vẹn các tế bào biểu mô ở mắt, da, đường hô hấp, tiêu hóa và tiết niệu. Khi thiếu vitamin A, sản xuất các niêm mạc giảm, tế bào bị khô và xuất hiện sừng hóa.

Biểu hiện này thường thấy ở mắt bắt đầu là khô kết mạc, sau đó tổn thương đến giác mạc và có thể gây loét, mù lòa nếu không được điều trị kịp thời, trẻ dễ bị mắc bệnh nhiễm khuẩn và khi mắc bệnh, thời gian điều trị kéo dài và tăng nguy cơ tử vong. Vitamin A còn có vai trò trong sự tăng trưởng, giúp trẻ phát triển bình thường. Thiếu vitamin A làm trẻ chậm lớn.

Nguyên nhân chính gây thiếu hụt vitamin A là do khẩu phần ăn thiếu thực phẩm giàu vitamin A và caroten (tiền vitamin A).

Bên cạnh đó, vitamin A muốn hấp thu vào cơ thể cần phải có chất béo. Vì vậy, chế độ ăn ít hoặc không có dầu mỡ sẽ làm giảm hấp thu vitamin A. Trẻ không được bú mẹ rất dễ thiếu vitamin A. Nhiễm ký sinh trùng (đặc biệt là giun đũa) và các bệnh nhiễm khuẩn (sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp) cũng có liên quan tới thiếu vitamin A.

Để phòng ngừa thiếu vitamin A cần thực hiện các biện pháp sau:

Ăn đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm, lựa chọn các thực phẩm giàu giàu vitamin A cho bữa ăn hàng ngày. Thực phẩm chứa nhiều vitamin A có nguồn gốc từ động vật như gan, lòng đỏ trứng, bơ, sữa, pho mát,… dễ hấp thu. Thực phẩm chứa nhiều caroten (tiền vitamin A) có nguồn gốc từ thực vật như các loại rau có màu xanh đậm (rau muống, rau ngót, rau dền…) hoặc củ quả có màu vàng cam đậm (bí đỏ, cà rốt, xoài chín, gấc…).

Cho trẻ bú sớm, nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn cùng với ăn bổ sung hợp lý.

Bữa ăn bổ sung của trẻ cần có các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng, thêm mỡ hoặc dầu để tăng cường hấp thu vitamin A, vitamin D.

Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun.

Bên cạnh chế độ ăn, bổ sung vitamin A liều cao định kỳ mỗi 6 tháng cho trẻ là giải pháp hiệu quả góp phần phòng chống thiếu vitamin A.

Mỗi liều dự phòng có thể bảo vệ trẻ trong thời gian từ 4 – 6 tháng. Vì vậy, từ ngày 01 tháng 6 năm 2022, hãy cho trẻ 6 – 36 tháng tuổi đi uống vitamin A theo hướng dẫn của trạm y tế xã/phường. Ngoài ra, bà mẹ trong vòng 1 tháng sau sinh cũng được bổ sung vitamin A liều cao tại bệnh viện.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cách bổ sung vitamin A cho trẻ đúng cách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO