Thời đại ngày nay là một kỷ nguyên vàng đối với trò chơi điện tử. Riêng trong năm 2021, có hàng ngàn tựa game được ra mắt. Vấn đề giờ đây là game thủ có thời gian để hoàn thành chúng hay không. Một số tựa game có tuyến nhiệm vụ chính dài tới 40 giờ chơi liên tục hoặc hơn, chưa kể tới các phần chơi “hậu truyện - sequel”, khiến người chơi ngày càng khó khăn để hoàn tất.
Cuộc đua giữ chân game thủ trong thế giới game
Theo website How Long to Beat, tựa game “Elden Ring”, trò chơi thế giới mở sử thi giả tưởng đình đám vừa ra mắt, yêu cầu game thủ phải chơi ít nhất 46,5 giờ liên tục để hoàn thành cốt truyện, trở thành một trong những trò chơi mất nhiều thời gian nhất bởi độ khó cao và thiếu hướng dẫn chi tiết. Cũng từ website này, game thủ sẽ mất khoảng 107 giờ để hoàn thành tất cả nhiệm vụ trong game.
Các trò chơi đang ngày càng ngốn nhiều thời gian của người chơi hơn. Theo Washington Post, game thủ cần bỏ ra ít nhất 200 giờ chơi để “phá đảo” các game hay nhất năm 2021, tương đương 25 ngày chơi game 8 tiếng liên tục.
Mat Piscatella, cố vấn mảng game tại công ty nghiên cứu thị trường NPD Group cho biết: “Chúng tôi đang ghi nhận sự bùng nổ của lĩnh vực game, không chỉ về số lượng trò chơi có sẵn hay các nội dung, mà còn là các dịch vụ đi kèm”.
Theo Brendan Keogh, nhà nghiên cứu tại Đại học công nghệ Queensland tại Brisbane, Australia, người chơi càng dành nhiều thời gian trong thế giới game thì họ càng có xu hướng sẽ móc hầu bao cho các dịch vụ trong trò chơi đó.
Các nhà phát hành game lớn nhất hiện nay không chỉ tập trung vào việc bán các bản game mà còn cố gắng giữ chân người chơi trong thế giới game càng lâu càng tốt, một yếu tố mà các đế chế giải trí như Disney và Netflix rất coi trọng.
“Mô hình kinh doanh hàng đầu hiện nay của ngành công nghiệp game là giữ người dùng trong dịch vụ trò chơi càng lâu càng tốt. Bạn sẽ muốn các game thủ ở lại lâu nhất có thể và không chơi tựa game khác”, Keogh nói.
Thời gian chính là tiền bạc
Để hoàn thành mọi nhiệm vụ trong tựa game Assassin’s Creed Valhalla của Ubisoft, trung bình game thủ phát mất 135 giờ chơi, gấp 4 lần so với bản gốc “Assassin’s Greed” phát hành năm 2007.
Trong 1 báo cáo gần đây, Ubisoft cho biết “mức độ tham gia tổng thể” của người chơi trong “Valhalla” đã tăng lên đáng kể so với các bản game trước đó. Công ty tiết lộ rằng game thủ đang chi nhiều tiền hơn cho nội dung bổ sung của trò chơi. Bản mở rộng mới nhất của “Valhalla”, có tên “Dawn of Ragnarok”, phát hành ngày 10/3, được giới thiệu có nội dung kéo dài 35 giờ cho game thủ khám phá. Bản mở rộng này có giá 40 USD nhưng thời lượng thậm chí dài hơn cả các trò chơi có giá 70 USD.
Trong khi đó, các nhà phát triển đằng sau những tựa game như “Destiny”, “Fornite” và Call of Duty “Warzone” đang cung cấp trò chơi như một dịch vụ, khi khuyến khích người chơi trả tiền từ vật phẩm quần áo cho tới phần chơi mới. Đây là mô hình kinh doanh lấy cảm hứng từ các trò chơi trên smartphone miễn phí như “Clash of Clans” hoặc “Candy Crush”, nơi game thủ trả 1 khoản tiền nhỏ để đạt được những tiến bộ nhất định trong game.
Trong năm 2018, nhà phát triển game trị giá 28,7 tỷ USD, Epic Games đã thu hơn 5 tỷ USD lợi nhuận từ tựa game “Fortnite”. Năm ngoái, Activision Blizzard, chủ sở hữu trò chơi Call of Duty và Candy Crush, kiếm được 74% lợi nhuận từ các mua bán trong game.
Những tiến bộ trong công nghệ phần mềm đã cho phép các nhà phát hành dễ dàng bổ sung vào một thế giới ảo hiện có. Do đó các studio sẽ tận dụng các nền tảng sẵn có hơn là bắt đầu lại từ đầu, Piscatella nói.
Chi phí làm game ngày càng tăng mạnh. Với việc tận dụng lại những sản phẩm trước đó bằng việc mở rộng “hậu truyện” và các nội dung bổ sung thêm, những nhà làm game vừa tiết kiệm được ngân sách vừa khiến các trò chơi càng phình to hơn.
“Việc tạo ra các thế giới rộng lớn trong game từ nền tảng có sẵn sẽ tiết kiệm hơn nhiều so với việc phát triển các bộ công cụ mới để làm lại từ đầu. Thêm 10 giờ chơi vào 1 tựa game Assassin’s Creed rẻ hơn so với việc cố xây dựng 10 giờ đầu tiên của tựa game tiếp theo”, Piscatella cho biết.
Game thủ không còn mặn mà với các thế giới mở quá rộng lớn
Alex Hutchinson, đồng sáng lập Raccoon Logic tại Montreal chỉ ra rằng có nhiều người chỉ muốn mua 1-2 tựa game và coi chúng là nguồn giải trí duy nhất. Các hãng game chỉ đơn giản là đang đáp ứng nhu cầu của game thủ.
Nhưng dài quá cũng không phải là 1 điều tốt. “Dying Light 2”, tựa game zombie do Techland phát triển, khi công bố rằng game thủ sẽ cần 500 giờ chơi để hoàn thành trò chơi, đã nhận vô vàn gạch đá trước khi đính chính “mạch truyện chính chỉ mất 20 giờ”, còn 500 giờ là thời gian khám phá mọi ngóc ngách bản đồ cũng như vật dụng trong game.
Philip Weber, nhóm trưởng thiết kế nhiệm vụ tại CD Projekt Red, studio đằng sau các tựa game đình đám như “The Witcher” và Cyberpunk 2077”, cho biết giữa các nhà phát hành đang có “một cuộc chạy đua vũ trang” trong việc tạo ra các tựa game thế giới mở, nhưng ông hi vọng rằng sự cạnh tranh này sẽ “có chiều sâu thay vì bề rộng”.
Tymon Smektala, Trưởng nhóm thiết kế “Dying Light 2” nói rằng nhiều game thủ không còn hứng thú với 1 thế giới game mở quá rộng lớn. Game thủ giờ cũng có gia đình và công việc, họ dư dả tiền bạc hơn nhưng không còn nhiều thời gian như trước kia.
“Mỗi người trên hành tinh này chỉ có một lượng thời gian giới hạn mỗi ngày, và chúng ta sẽ phải lựa chọn việc sử dụng thời gian đó như thế nào”.
Vinh Ngô(Theo WashingtonPost)