Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo – Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc, đau bụng là một triệu chứng khá phổ biến ở trẻ em khiến phụ huynh lo lắng và phải đưa con đi khám. Đau bụng ở trẻ phần lớn có thể tự khỏi, tuy nhiên, đó cũng có thể là biểu hiện của các bệnh cấp cứu ngoại khoa cần can thiệp ngay.
BS Thảo cho biết khi khám để tìm nguyên nhân đau bụng ở trẻ em đôi khi không đơn giản. Vì vậy công việc chẩn đoán nguyên nhân là của bác sĩ, nhưng phụ huynh cũng nên biết một số lưu ý chăm sóc, theo dõi trẻ bị đau bụng như thế nào.
Biểu hiện của đau bụng: Tùy vào lứa tuổi biểu hiện trẻ đau bụng rất khác nhau. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa biết nói thì trẻ thường khóc, khóc đột ngột, khóc dữ dội mà không có nguyên nhân.
Trẻ có thể khóc liên tục hoặc thành cơn. Với trẻ lớn hơn, biết nói thì chúng có thể kêu đau tùy mức độ và kèm các tư thế chống đau như ôm bụng, nằm co chân...
Trẻ có thể chỉ đau bụng đơn thuần hoặc kèm biểu hiện ở cơ quan khác như: nôn hoặc sốt hoặc tiêu chảy hoặc tất cả các biểu hiện đó.
Theo bác sĩ Thảo có rất nhiều nguyên nhân gây đau bụng ở trẻ em. Ví dụ các vấn đề về ruột như táo bón hoặc hội chứng ruột kích thích. Nhiễm trùng viêm dạ dày ruột gây nôn và tiêu chảy, chảy nước mũi hoặc nhiễm trùng nước tiểu.
Một số trường hợp trẻ viêm hạch mạc treo ruột - các hạch bạch huyết trong bụng thường to hơn do nhiễm virus. Các nguyên nhân đau bụng ngoại khoa chẳng hạn như: viêm ruột thừa, tắc ruột, viêm tụy cấp, lồng ruột...
Trẻ gái cũng có thể đau bụng do đau bụng kinh - đau hàng tháng có thể xảy ra trước hoặc trong một kỳ kinh nguyệt.
Gặp nhiều nhất đó là trẻ đau bụng do thực phẩm: ăn quá nhiều, ngộ độc thực phẩm hoặc dị ứng thực phẩm...
Ngoài ra, trẻ cũng có thể đau bụng do nhiễm giun, động kinh, một số trẻ đau bụng do căng thẳng học hành, lo lắng thái quá. Đôi khi trẻ đau bụng nhưng bác sĩ cũng không tìm được nguyên nhân
Bác sĩ Thảo cho biết nhiều trẻ bị đau bụng thoáng qua và tự khỏi mà không cần điều trị và không cần phải đi khám bác sĩ. Nếu cơn đau hoặc vấn đề của con bạn kéo dài hơn 24 giờ hoặc bạn lo lắng về con mình, hãy đưa chúng đến bác sĩ ngay.
Đưa con bạn đến bác sĩ đa khoa hoặc bệnh viện càng sớm càng tốt nếu con bạn:
1. Bị đau dữ dội
2. Trẻ bị đau bụng từng cơn và thường xuyên hơn, trẻ mệt mỏi không muốn đi lại.
3. Bị sốt (nhiệt độ trên 38 độ) xanh xao, vã mồ hôi, thờ ơ (khó đánh thức) và không khỏe.
4. Không chịu uống nước hoặc uống kém.
5. Bị nôn nhiều và hoặc chất nôn có màu xanh.
6. Có máu trong chất nôn hoặc phân.
7. Có vấn đề khi đi tiểu như tiểu ít hoặc kêu đau.
Bạn cảm thấy lo lắng về sức khỏe của con bạn. Nếu con bạn bị đau bụng và trông không khỏe, hoặc bạn cảm thấy lo lắng hãy đưa chúng đến khám bác sĩ đa khoa hoặc bệnh viện càng sớm càng tốt.
Tại bệnh viện, để xác định chính xác nguyên nhân, đôi lúc các bác sĩ sẽ cần thực hiện thêm một số xét nghiệm như công thức máu, xét nghiệm phân, siêu âm, chụp Xquang bụng…
Khi trẻ đau bụng, điều đầu tiên cha mẹ nên làm là trấn an, vỗ về và cho bé nằm nghỉ. Cần theo dõi sát trẻ nhằm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
Cha mẹ cần cung cấp dịch đầy đủ để tránh cho trẻ bị mất nước khi ói hay tiêu chảy nhiều. Nên cho bé ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa trong giai đoạn bệnh và cho ăn trở lại bình thường và ăn nhiều hơn khi trẻ hồi phục.
Khánh Chi