Các ‘ông lớn’ bất động sản TPHCM đang kinh doanh ra sao?

08/08/2024 15:41

Dù được đánh giá đã bước qua thời kỳ trầm lắng nhưng nhìn chung tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản TPHCM vẫn còn nhiều khó khăn.

Tồn kho bất động sản tăng 

Theo đánh giá của UBND TPHCM, nửa đầu năm nay, thị trường bất động sản của Thành phố đã “bước qua thời kỳ trầm lắng” khi hàng loạt chính sách có liên quan phát huy được hiệu quả, lãi suất cho vay giảm và khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân và doanh nghiệp tăng lên.

Thống kê 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của lĩnh vực kinh doanh bất động sản ước đạt 123.887 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng còn chậm nhưng đã có những tín hiệu tích cực.

Cụ thể, nguồn cung nhà ở tại TPHCM đang được bổ sung khi trong 6 tháng đầu năm có 9 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư, 1 dự án được cấp phép xây dựng. Bên cạnh đó, vẫn còn 27.500 căn hộ tại các dự án đang xây dựng.

W-no va land.jpg
UBND TPHCM đánh giá, thị trường bất động sản đã qua thời kỳ trầm lắng. Ảnh: Anh Phương

Mặc dù thị trường đã có những dấu hiệu khởi sắc nhưng các “ông lớn” bất động sản phía Nam nói chung và TPHCM nói riêng vẫn chưa thật sự vượt qua khó khăn.

Theo báo cáo tài chính đến ngày 30/6, Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (Đất Xanh Group) đạt doanh thu gộp 2.190 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 64 tỷ đồng, tăng nhẹ so với khoản lãi 61 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Hàng tồn kho của Đất Xanh Group đang ở mức 13.896 tỷ đồng, chiếm 48% tổng tài sản của doanh nghiệp. Trong đó, 11.152 tỷ đồng là tiền sử dụng đất, chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng tại các dự án dở dang như: Gem Sky World (Đồng Nai), Gem Riverside (TPHCM), Đất Xanh Home Park City (Bình Dương), Regal Legend (Quảng Bình)…

Riêng quý 2/2024, lợi nhuận sau thuế của Đất Xanh Group chỉ đạt 93,6 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với khoản lãi 157 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Đối với Công ty CP Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland), báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 vừa công bố cho thấy, doanh thu và lợi nhuận của công ty này lần lượt đạt 1.550 tỷ đồng và 945 tỷ đồng.

So với cùng kỳ, kết quả kinh doanh của Novaland đã có nhiều cải thiện. Tuy vậy, hàng tồn kho của doanh nghiệp này vẫn cao, khoảng 142.025 tỷ đồng, tăng 3.090 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm ngoái.

Về cơ cấu hàng tồn kho, có gần 134.000 tỷ đồng là bất động sản đang xây dựng và hơn 8.380 tỷ đồng gồm những bất động sản đã xây dựng hoàn thiện. Đại diện Novaland cho biết từ năm 2026, công ty mới có dòng tiền trở lại và đủ thặng dư để trả các khoản nợ vay và trái phiếu.

an gia.jpg
Một số người mua nhà của An Gia Group đòi quyền lợi. Ảnh: A.H

Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024, Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia (An Gia Group) ghi nhận doanh thu 169 tỷ đồng, giảm mạnh so với doanh thu 1.676 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt 1,6 tỷ đồng, giảm 99% so với cùng kỳ.

Không chỉ kinh doanh bết bát, hàng tồn kho của An Gia Group đã vượt 1.000 tỷ đồng. Trong đó, giá trị tồn kho chủ yếu tập trung tại các dự án bất động sản dở dang, như: Westgate (huyện Bình Chánh, TPHCM), The Standard (Bình Dương), Signial (Quận 7, TPHCM), The Sóng (TP Vũng Tàu)…

Doanh nghiệp ‘than’ thị trường vẫn còn khó khăn

Kết thúc quý 2/2024, Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt (Phat Dat Corporation) đạt lợi nhuận sau thuế khá khiêm tốn, chỉ 50 tỷ đồng, giảm 82% so với lợi nhuận 275 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Giải trình về nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm mạnh, ông Bùi Quang Anh Vũ - Tổng Giám đốc Phat Dat Corporation, cho rằng tình hình kinh tế nói chung vẫn còn khó khăn, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Việc đầu tư và phát triển các dự án bất động sản của Phat Dat Corporation chưa được thuận lợi.

So với cuối năm ngoái, hàng tồn kho của Phat Dat Corporation đã tăng lên 12.532 tỷ đồng. Chủ yếu ghi nhận tại các dự án bất động sản dang dở, như: River City (Quận 7, TPHCM); Thuận An 1 và 2 (Bình Dương); Tropicana Bến Thành Long Hải và Serenity Phước Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu)…

W-cường đô la.jpg
Quốc Cường Gia Lai vừa báo lỗ nặng nhất từ năm 2012 đến nay. Ảnh: Anh Phương

Bên cạnh kết quả kinh doanh tụt dốc, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (Quốc Cường Gia Lai) gây chú ý trong thời gian gần đây vì những biến động về nhân sự, nhất là việc bà Nguyễn Thị Như Loan bị khởi tố liên quan đến vụ án sai phạm trong quản lý, sử dụng khu đất công tại địa chỉ số 39-39B Bến Vân Đồn, Quận 4.

Theo bản cáo bạch tài chính mới công bố, trong quý 2/2024, Quốc Cường Gia Lai đạt doanh thu gần 26,5 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với cùng kỳ. Doanh thu giảm nhưng giá vốn không được tiết giảm, do đó Quốc Cường Gia Lai ghi nhận khoản lỗ sau thuế 17,3 tỷ đồng. Đây là mức lỗ cao nhất của doanh nghiệp này kể từ năm 2012 đến nay.

Lý giải về nguyên nhân lỗ nặng, ông Nguyễn Quốc Cường - Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai, người vừa được bổ nhiệm điều hành công ty, cho rằng do thị trường bất động sản nói chung vẫn còn nhiều khó khăn.

Bên cạnh sản lượng điện khai thác còn thấp, theo ông Cường, cao su mới được đưa vào khai thác là nguyên nhân dẫn đến doanh thu của Quốc Cường Gia Lai giảm mạnh.

So với thời điểm đầu năm, hàng tồn kho của Quốc Cường Gia Lai hiện vẫn ở mức cao, hơn 7.028 tỷ đồng. Trong đó, hơn 6.500 tỷ đồng được ghi nhận tại các dự án bất động sản dở dang.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Các ‘ông lớn’ bất động sản TPHCM đang kinh doanh ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO