Phiếu voucher chính là cách giảm thuế thu nhập cá nhân
Trình bày tại cuộc gặp mặt của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp ngày 4/10, bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn TTC, nhìn nhận việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế sẽ hỗ trợ thị trường vốn Việt Nam phát triển đa dạng đóng góp tỷ trọng lớn về nguồn vốn bền vững bên cạnh thị trường tiền tệ; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao vị thế Việt Nam.
Đây là những lợi thế hoàn toàn có thể xây dựng và phát triển thành một trung tâm tài chính khu vực, thu hút các nhà đầu tư lớn và đóng góp vào sự phát triển bền vững của thị trường vốn.
Bà Ngọc cũng thông tin, một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines lựa chọn chương trình hỗ trợ tiền mặt cho người dân tiêu dùng hoặc Singapore cung cấp phiếu mua sắm với các chương trình hỗ trợ tài chính tương tự.
Đối với Việt Nam, theo bà Ngọc, nên chăng xem xét việc cung cấp phiếu mua sắm - voucher đến người dân, sử dụng trong thời hạn nhất định.
Những voucher này tập trung cân đối được những mặt hàng cần kích cầu và nhu cầu thực tế của người dân. Như vậy, hàng hóa, dịch vụ được lưu thông, Nhà nước thu được ngân sách, hệ sinh thái logistics và các dịch vụ đi kèm được phát triển... sẽ thêm vào các chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân, vì bản thân phiếu voucher chính là cách giảm thuế thu nhập cá nhân.
Trong khi đó, trên thị trường bán lẻ hiện nay, bà Nguyễn Thị Phương, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinCommerce - thành viên Tập đoàn Masan, cho rằng đang gặp phải một số thách thức đáng kể.
Cụ thể, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phải đối mặt với thách thức, áp lực lớn về thị phần trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự gia tăng cạnh tranh từ các chuỗi bán lẻ FDI và mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới với ưu thế về giá thành rẻ, chuyển phát nhanh, hệ thống kho bãi, logistic...
Những điều này đặt ra bài toán cho các doanh nghiệp bán lẻ nói chung và Tập đoàn Masan - WinCommerce nói riêng về việc triển khai các kế hoạch hành động mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn, không ngừng đổi mới, sáng tạo để đón đầu nhu cầu của người tiêu dùng và nắm bắt xu hướng ngành để tận dụng lợi thế, tạo ra giá trị cạnh tranh.
Theo bà Phương, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTG nhằm đặt ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp theo từng giai đoạn để thúc đẩy sự phát triển ngành bán lẻ, đến năm 2030 là tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa của các khu vực kinh tế trong nước đạt khoảng 85%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tại cơ sở bán lẻ hiện đại đạt 42% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nền kinh tế.
Doanh nghiệp mong muốn được tham gia vào các giải pháp chiến lược để đạt được mục tiêu chung: phát triển thương mại hiện đại, tăng trưởng bền vững, tạo tiền đề vững chắc tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới.