Nhóm 6 nhà khoa học, bác sĩ và chuyên gia đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm trọng trong bài viết mang tên "Virus bất tử".
Người thân đứng gần nơi hỏa táng của bệnh nhân Covid-19
Một nghịch lý đang xảy ra trên toàn cầu: Nhiều quốc gia không có đủ vắc xin nhưng một số nơi có số lượng lớn người từ chối tiêm vắc xin.
Sự bất bình đẳng liên quan tới vắc xin có thể dẫn đến sự xuất hiện của nhiều biến thể virus có khả năng lây lan nhanh và kháng thuốc, thậm chí né được các xét nghiệm.
Các quốc gia sẽ không bao giờ an toàn cho đến khi những đợt bùng phát Covid-19 trên toàn thế giới bị dập tắt và lượng người được tiêm chủng ngày càng tăng.
Cho đến nay, gần 175 triệu người đã bị nhiễm Covid-19, 3,7 triệu người tử vong. Trong tuần qua, cả thế giới có 2,8 triệu ca mắc mới.
Sự phát triển nhanh chóng của vắc xin là một chiến thắng quan trọng trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc các nước giàu dự trữ quá nhiều vắc xin có khả năng khiến các quốc gia nghèo hơn không đạt được mức chủng ngừa cần thiết cho tới tận năm 2023.
Covid-19 là một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Một đợt bùng phát ở một trong những quốc gia chưa có nhiều người tiêm chủng dễ sinh ra các biến thể sau đó vượt qua biên giới sang các nước khác.
Nhóm 6 nhà khoa học cảnh báo rằng quá trình tiêm chủng chậm chạp trên toàn cầu và phong trào chống vắc xin của một số người đang đe dọa tới việc kiềm chế đại dịch.
Sự bùng phát mạnh mẽ các biến thể sẽ khiến vắc xin phải tiếp tục được cải tiến để chống lại virus SARS-CoV-2.
Bài viết “Virus bất tử” cũng kêu gọi Mỹ dẫn đầu cuộc chiến và "khôi phục danh tiếng của mình về vị trí lãnh đạo sức khỏe cộng đồng toàn cầu" để thúc đẩy hợp tác phòng chống Covid-19.
Nếu Mỹ có thể ngăn chặn dịch bệnh ở nước mình, họ có thể cung cấp một kế hoạch chi tiết để đánh bại virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới.
Trước đó, Liên minh Vắc xin Nhân dân (PVA) - gồm 50 tổ chức - đã lên tiếng về mối nguy hiểm nghiêm trọng mà các chủng virus mới gây ra nếu quá trình tiêm chủng không được hỗ trợ nhiều hơn.
"Thất bại này khiến tất cả chúng ta gặp rủi ro", Anna Marriott, Giám đốc Chính sách y tế tại tổ chức Oxfam, cho biết.
Các đột biến mới trên virus SARS-CoV-2 có thể khiến hệ miễn dịch của cơ thể khó nhận ra hơn. Khi đó, người dân có thể phải đeo khẩu trang, áp dụng giãn cách kéo dài trong nhiều năm tới.
An Yên (Theo The Sun)