Các nhà nghiên cứu Đức và Hà Lan ước tính rằng, đến năm 2100, mực nước biển Caspi sẽ hạ xuống 9-18 mét. Theo các nhà khoa học, điều này sẽ gây ra một số vấn đề về sinh thái, kinh tế và sự ổn định chính trị trong khu vực. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications Earth & Environment.
Về mặt địa lý, đây không phải là biển, mà là hồ nước lớn nhất thế giới với diện tích 371 nghìn km vuông. Nhưng, biển Caspi đang thu hẹp dần. Kể từ những năm 1990, mực nước rút xuống thấp vài cm mỗi năm.
Các nhà khoa học Đức từ Đại học Giessen và Đại học Bremen, cùng với nhà địa chất học người Hà Lan Frank Wesselingh từ Khoa Khoa học Trái đất của Đại học Utrecht, đã xây dựng mô hình dự báo mực nước biển Caspi sẽ thay đổi như thế nào đến cuối thế kỷ 21.
Theo tính toán của họ, quá trình hạ thấp mực nước sẽ tăng tốc trong mấy thập kỷ tới, và đến năm 2100, mực nước biển sẽ hạ xuống 9-18 mét, diện tích mặt nước của biển Caspi sẽ thu hẹp 23-34%.
"Để so sánh, nếu mực nước Biển Bắc hạ xuống 2-3 mét, các cảng như Rotterdam, Hamburg và London sẽ trở nên khó tiếp cận. Các tàu đánh cá và tàu chở container sẽ gặp khó khăn, và tất cả các nước ven biển sẽ đối mặt với thách thức to lớn. Và ở đây nói về những vấn đề nếu mực nước biển hạ xuống ít hơn chín mét. Trong trường hợp xấu nhất, nếu mực nước biển hạ xuống 18 mét, biển Caspi sẽ mất hơn một phần ba diện tích", thông cáo báo chí của Đại học Utrecht trích dẫn ý kiến của Frank Wesselingh.
Theo các nhà khoa học, mực nước trong các hồ khép kín như biển Caspi được xác định bởi sự cân bằng giữa - một mặt là lượng mưa và dòng chảy vào, mặt khác là sự bốc hơi từ mặt hồ. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng, trong trường hợp với biển Caspi, quá trình hạ xuống mực nước đang tăng tốc do "bốc hơi" và do mặt biển không bị đóng băng vào mùa đông. Các quá trình này có liên quan đến khí hậu khô cằn có xu hướng gia tăng ở khu vực Địa Trung Hải-Trung Á.
Các tác giả xác định các vấn đề có thể trở nên trầm trọng hơn do mực nước hạ xuống: điều này sẽ ảnh hưởng đến các hệ sinh thái độc đáo với các loài chim di cư, hải cẩu beluga và hải cẩu đặc hữu của Caspian nuôi con trên lớp băng ở phía bắc biển Caspi. Nếu vùng biển phía bắc bị khô cạn, điều đó sẽ dẫn đến sự tuyệt chủng của quần thể hải cẩu.
Theo các nhà khoa học, hậu quả vô cùng khó chịu đang chờ đợi hàng triệu người sống bên bờ biển hoặc trên bờ các con sông chảy vào biển Caspi. Những vấn đề này có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng chính trị trong một khu vực vốn đã bất ổn. Các quốc gia ven biển Caspi - Azerbaijan, Nga, Iran, Turkmenistan và Kazakhstan - sẽ phải ký kết các thỏa thuận mới về biên giới và quyền đánh bắt cá.
"Mực nước hồ tiếp tục hạ - khía cạnh này của biến đổi khí hậu có thể gây ra hậu quả khủng khiếp ở quy mô không kém so với mực nước biển dâng", các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh. "Cần phải sớm thực hiện những hành động phối hợp để kịp thời nắm bắt tình hình. Biển Caspi đang thu hẹp có thể cung cấp một ví dụ về cách giải quyết vấn đề và sẽ là một yếu tố kích thích các khu vực khác hành động như vậy".
Các nhà khoa học nhấn mạnh, cần phải sớm thành lập một nhóm quốc tế để nghiên cứu những hồ nước có nguy cơ biến mất, dưới sự bảo trợ của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), để hướng dẫn và quản lý các hoạt động tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này.