Các giáo sư, chuyên gia kinh tế Mỹ "hiến kế" giúp Việt Nam phát triển

Hoài Thu| 22/09/2023 06:29

Theo góp ý của chuyên gia kinh tế Mỹ, Việt Nam cần tận dụng quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Mỹ ở ngành công nghiệp giá trị cao, trở thành nhân tố hàng đầu trong chuỗi cung ứng công nghệ cao.

Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững trong môi trường kinh tế toàn cầu biến động là chủ đề chính trong buổi tọa đàm chính sách tại New York (Mỹ) của Thủ tướng Phạm Minh Chính và các giáo sư, chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu hàng đầu đến từ các trường đại học Harvard, Columbia, Yale.

"Việt Nam luôn coi trọng việc tăng cường đối thoại, trao đổi, tư vấn chính sách về các vấn đề kinh tế, phát triển với các trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới, theo lời Thủ tướng.

Tăng nhân lực chất lượng cao để phát triển ngành công nghệ cao

GS. Thomas Vallely (Giám đốc Chương trình Việt Nam, Đại học Harvard Kennedy), đánh giá Việt Nam đã làm rất tốt việc xác định và phân tích các vấn đề của mình, cũng như tìm phương án giải quyết. Nhờ đó, Việt Nam có những quyết sách rất đúng đắn khi xử lý các tình huống khủng hoảng, như đại dịch Covid-19 vừa qua.

Các giáo sư, chuyên gia kinh tế Mỹ hiến kế giúp Việt Nam phát triển - 1

GS. Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam, Đại học Harvard Kennedy (Ảnh: Đoàn Bắc).

Ông đặc biệt đánh giá cao khi Chính phủ Việt Nam chuyển hướng kịp thời trong công tác phòng, chống dịch và huy động được nguồn vaccine trên khắp thế giới, phục vụ cho chiến lược tiêm chủng.

GS. David Dapice (Trường Harvard Kennedy) chỉ ra Việt Nam là một trong nước có tốc độ hội nhập kinh tế nhanh nhất thế giới, và chắc chắn, tăng trưởng của Việt Nam chịu ảnh hưởng của tăng trưởng trên thế giới cũng như khu vực.

Đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm tới chậm lại do nhiều yếu tố tác động, ông David Dapice nói điều này ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Phân tích lợi thế, ông cho rằng Việt Nam có khả năng cao thu hút FDI, nhưng sản xuất hàng xuất khẩu da giầy, dệt may còn hàm lượng công nghệ thấp, không giúp đem lại giá trị gia tăng.

Do đó Việt Nam cần gia tăng hàm lượng trong nước trong các mặt hàng xuất khẩu, thúc đẩy quy mô hoạt động xuất khẩu, gia tăng giá trị các sản phẩm xuất khẩu để có vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng.

Các giáo sư, chuyên gia kinh tế Mỹ hiến kế giúp Việt Nam phát triển - 2

GS. David Dapice, Trường Harvard Kennedy (Ảnh: Đoàn Bắc).

"Việt Nam cần nỗ lực hơn để bảo đảm tự cường kinh tế. Chỉ có tăng cường kỹ năng cho người lao động mới có thể bắt kịp và vượt các nước trong khu vực", vị giáo sư nêu quan điểm.

Nhắc tới mấu chốt trong đào tạo nguồn nhân lực, giáo sư Trường Harvard Kennedy cho rằng Việt Nam không thể làm một mình, mà cần liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có sẵn.

Trong nỗ lực phòng chống tham nhũng, ông David Dapice góp ý Việt Nam cần nỗ lực, xác định rõ những gì chấp nhận được và không thể chấp nhận được. "Nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam sẵn sàng chấp nhận rủi ro để được việc. Đây cũng là một điều đáng lo ngại", ông nói.

Tỷ phú gốc Việt Chính Chu cho rằng Việt Nam cần tăng cường hợp tác với Mỹ trong những ngành có giá trị cao như công nghệ, bán dẫn, thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực ưu tiên, hướng tới vị trí hàng đầu trong chuỗi cung ứng.

"Việt Nam không cần sản xuất máy móc như tivi, máy rửa bát, mà cần hợp tác với Mỹ để sản xuất chip bán dẫn", ông gợi ý và khuyên Việt Nam lựa chọn đầu tư loại chip công nghệ cao, mở rộng hợp tác với các nước EU như Anh, Đức, Pháp.

Các giáo sư, chuyên gia kinh tế Mỹ hiến kế giúp Việt Nam phát triển - 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn ý kiến đóng góp của các chuyên gia cho định hướng phát triển kinh tế Việt Nam (Ảnh: Đoàn Bắc).

Nhắc tới bài học Singapore đã thành lập các quỹ lớn của Chính phủ để thúc đẩy đầu tư, ông Chính Chu cho rằng Việt Nam nên học tập mô hình của Singapore như lập quỹ Temasek, không chỉ giúp tăng đầu tư nội địa vào sản xuất mà còn đem lại lợi nhuận tốt cho người dân.

Bên cạnh đó, tỷ phú Chính Chu góp ý Việt Nam cần tăng cường hoạt động giáo dục  - đào tạo và "có thể phải tăng 10 lần số lượng kỹ sư có tay nghề cao để phát triển ngành công nghệ cao".

Ông nhấn mạnh trụ cột phát triển ngành công nghệ cao phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi, do đó cần đẩy nhanh quá trình này.

Lựa chọn ưu tiên nhưng phù hợp

Phát biểu kết luận tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những trao đổi thẳng thắn của các giáo sư, chuyên gia kinh tế Mỹ.

Với các định hướng góp ý từ chuyên gia, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng "cần lựa chọn ưu tiên", chủ yếu tập trung vào những ngành mới nổi là kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ. Đi theo với đó là đầu tư hạ tầng thông tin, năng lượng, xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam phải có bước đi phù hợp điều kiện của một nước có nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế vừa phải, độ mở nền kinh tế cao, khả năng thích ứng còn hạn chế.

"Trong tất cả bông hoa đẹp, phải chọn bông hoa nào để tôn vinh vẻ đẹp của mình. Đó là lựa chọn của Việt Nam", Thủ tướng nói.

Các giáo sư, chuyên gia kinh tế Mỹ hiến kế giúp Việt Nam phát triển - 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Đoàn Bắc).

Theo Thủ tướng, Việt Nam cần tập trung vào kỹ năng nghề, trước đây là da giày, điện tử, dệt may thì nay phải được nâng cao lên như thiết kế, sản xuất chip bán dẫn...

Vấn đề nữa là tổ chức sản xuất, các chuỗi cung ứng để vừa đáp ứng điều kiện của Việt Nam, vừa tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu. Do vậy, phải lựa chọn FDI phù hợp hoàn cảnh Việt Nam.

Để thực hiện các mục tiêu, Thủ tướng nhấn mạnh yếu tố quyết định là con người, nên phải tập trung vào đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, với phương thức và nội dung đào tạo phù hợp với tình hình, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng ngành, lĩnh vực ưu tiên của từng giai đoạn.

Hoài Thu (Từ New York, Mỹ)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Các giáo sư, chuyên gia kinh tế Mỹ "hiến kế" giúp Việt Nam phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO