Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính thường gặp thứ 2 trong các loại ung thư đường tiết niệu. Nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm, bệnh có thể được điều trị triệt căn, kéo dài tuổi thọ.
Hiện nay, ung thư bàng quang là căn bệnh ung thư phổ biến ở cả nam giới và nữ giới. Tỷ lệ mắc mới của bệnh đang tăng dần trong thời gian gần đây. Những khối u được phát hiện ở giai đoạn sớm, chưa xâm lấn lớp cơ bàng quang có thể cắt đốt nội soi để điều trị, phối hợp với liệu pháp bơm hóa chất nội bàng quang dự phòng tái phát tại chỗ.
Những trường hợp đa u, u tái phát nhiều lần, tái phát nhanh, xâm lấn sâu tới lớp cơ bàng quang mà còn chỉ định phẫu thuật có thể cân nhắc cắt bán phần hay toàn bộ bàng quang tùy vào vị trí, độ xâm lấn và số lượng u.
Các dấu hiệu cảnh báo sớm của ung thư bàng quang người bệnh cần lưu ý là tiểu máu, tiểu nhiều lần, tiểu đau, đau hông hoặc lưng, gầy sút cân không rõ nguyên nhân, các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu, tắc nghẽn đường tiểu do u xâm lấn hay do cục máu đông…
Thuốc lá là một trong những yếu tố hàng đầu làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang. Khói thuốc lá có chứa tới hàng nghìn chất hóa học độc hại và gần 70 chất có khả năng gây ung thư. Độc tố trong khói thuốc lá thâm nhập vào nước tiểu tích tụ quá lâu ở bàng quang, làm tổn thương lớp niêm mạc và hình thành ung thư. Vì vậy, người dân hãy từ bỏ thói quen hút thuốc lá, không hút thuốc lá ở nơi công cộng.
Môi trường lao động độc hại cũng là một trong những yếu tố làm gia tăng tỷ lệ mắc ung thư bàng quang. Vì vậy, quá trình lao động người dân cần trang bị bảo hộ lao động đầy đủ để giảm yếu tố phơi nhiễm các hóa chất độc hại.
Đồng thời, cần điều trị dứt điểm các bệnh lý như viêm bàng quang, nhiễm trùng đường tiểu… để tránh những tổn thương tại bàng quang; xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, luyện tập thể dục thể thao hằng ngày để nâng cao sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Người dân cũng cần kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm ung thư bàng quang để việc điều trị đạt hiệu quả.