Các cơ sở y tế quá tải, bệnh viện nghìn tỉ bỏ hoang: Sự lãng phí... đau lòng

Nhóm Phóng viên| 28/09/2022 08:50

Tình trạng “dịch chồng dịch” đang hiện hữu. Chưa lúc nào, áp lực lên hệ thống y tế lớn như hiện nay. Người dân khổ sở đối phó với dịch bệnh, đặc biệt là trẻ em - đối tượng đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của dịch bệnh và tình trạng quá tải bệnh viện. Trong khi đó, 2 bệnh viện đầu tư cả nghìn tỉ đồng là Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 vẫn đang bị bỏ hoang, cỏ dại mọc kín. Nếu không quyết liệt giải quyết, sẽ là sự lãng phí đau lòng trước nỗi khổ của người bệnh.

Các cơ sở y tế quá tải, bệnh viện nghìn tỉ bỏ hoang: Sự lãng phí... đau lòng
Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 vẫn đang bị bỏ hoang. Ảnh: T.P

Cả nhà vào viện chăm trẻ ốm, vạ vật cả đêm

Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức luôn là 2 "điểm nóng" về quá tải bệnh viện trong nhiều năm qua. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, hầu hết các ngày trong tuần đều rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng. Đặc biệt, tại các khu vực chụp chiếu, siêu âm, nhiều bệnh nhân phải chờ đợi từ sáng đến trưa mới đến lượt, không ít người tỏ ra bức xúc khi phải chờ lâu.

Bệnh viện Nhi Trung ương - tuyến nhi khoa cao nhất - điểm nóng về cấp cứu và điều trị các bệnh nhi mắc các bệnh đường hô hấp trong thời gian qua. Tình trạng "dịch chồng dịch" đang hiện hữu, khiến cho số lượng bệnh nhi tăng cao, nhiều cháu phải nhập viện điều trị. Ghi nhận của phóng viên tại các khu vực trong bệnh viện như cấp cứu, khoa khám bệnh, khu vực nội trú… cho thấy các phòng bệnh đều kín giường bệnh, kín bệnh nhân.

Cả nhà vào viện chăm con là chuyện có thật, khi 2 bé nhà chị Nguyễn Minh An (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) cùng lúc nhiễm adeno virus. Cháu nhỏ sốt cao, quấy khóc còn cháu lớn bị nặng hơn, phải cấp cứu vì suy hô hấp.

"Nhà tôi có 2 cháu đều phải nằm viện. Cháu lớn thì đã nằm gần chục ngày, cháu 11 tháng thì hôm nay là ngày đầu tiên. 2 vợ chồng tôi đều vào viện, mỗi người chăm sóc 1 bé. Mà bệnh nhi thì đông quá, nằm kín hết các giường bệnh. Tôi phải đặt giường dịch vụ, phòng ít người hơn để tránh lây nhiễm thêm các bệnh khác cho các cháu"- chị Nguyễn Minh An chia sẻ.

Dù là buổi tối, nhưng các y bác sĩ trực vẫn tất bật chạy các phòng bệnh, chăm sóc điều trị cho bệnh nhi. Trong khi đó, vào thời điểm ban ngày, không ít người dân các tỉnh mang con lên Hà Nội khám bệnh từ tờ mờ sáng, có khu vực không còn đủ ghế cho người ngồi chờ, không ít ca muốn nhập viện nhưng bệnh viện đã không tiếp nhận vì không đủ điều kiện nhập viện, đồng thời hạn chế tình trạng quá tải.

Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Mạnh Cường - Phụ trách điều hành khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E cũng khẳng định các y bác sĩ tại đây cũng đang đương đầu với tình trạng quá tải vì lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao, do dịch chồng dịch.

Tại bệnh viện Xanh Pôn, khu vực nội trú, các giường bệnh đều kín bệnh nhân, nhiều giường phải ghép 2-3 cháu, người nhà bệnh nhân thì kê giường gấp nằm dưới, nhiều người thì vạ vật ở hành lang, ghế đá ở bên ngoài phòng bệnh.

2 bệnh viện nghìn tỉ vẫn bỏ hoang sau 8 năm khởi công

Quá tải bệnh viện là vậy, thế nhưng nghịch lý chớ trêu là bệnh viện nghìn tỉ đã được xây dựng lại bỏ hoang, không hoạt động, không thể tiếp đón bệnh nhân.

Cuối năm 2014, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại TP.Phủ Lý (Hà Nam) được khởi công xây dựng và kỳ vọng sẽ là hai bệnh viện hiện đại lớn nhất từ trước đến nay được xây dựng. Đây cũng là lần đầu tiên nước ta có bệnh viện được xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế.

Cơ sở 2 của 2 bệnh viện nằm cạnh tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, thuận lợi trong việc tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân. Mục tiêu phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân các tỉnh Bắc Trung Bộ và một số tỉnh đồng bằng sông Hồng. Mục đích nhằm giảm quá tải các bệnh viện tuyến trên khi đó đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến năm 2018, một số hạng mục của cả hai dự án đã hoàn thành, trong đó có khu khám bệnh. Ngày 21.10.2018, khu khám bệnh của cả hai cơ sở này đã chính thức được khánh thành. Tuy nhiên, sau đó chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai được đưa vào sử dụng một thời gian từ tháng 3.2019 đến tháng 3.2020 rồi thông báo tạm thời dừng hoạt động. Khu này từng được trưng dụng làm khu cách ly tập trung phòng COVID-19. Trong khi đó, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 cũng chỉ dừng lại ở cắt băng khánh thành và chưa từng tiếp nhận bệnh nhân. Và từ đó cho đến nay, bệnh viện bị bỏ hoang, cỏ dại mọc kín lối đi, các hạng mục xuống cấp theo thời gian.

PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết trước đó, cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai từng được đưa vào sử dụng một phần, cụ thể là khu vực phòng khám. Tất cả các trang thiết bị máy móc đều được mang từ cơ sở 1 xuống.

Ban đầu, phòng khám này thu hút 500 - 600 bệnh nhân đến khám/ngày. Tuy nhiên thời gian sau, do có nhiều bất cập nên số bệnh nhân giảm. Cụ thể, tại đây chỉ có chức năng thăm khám, không điều trị nội trú. Bệnh nhân nặng, cấp cứu phải chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam. Các ca bệnh khó không đủ máy móc, trang thiết bị chẩn đoán phải chuyển về cơ sở 1. Với khám ngoại trú, bệnh nhân không đi đúng tuyến không được thanh toán bảo hiểm…

"Mấy năm hoạt động tại cơ sở 2, bệnh viện cũng phải bù lỗ" - PGS Đào Xuân Cơ cho hay. Hiện nay, toàn bộ số máy móc, trang thiết bị trước đó đưa xuống cơ sở 2 đã được đưa về cơ sở 1.

Từ năm 2018, cả hai dự án tạm dừng xây dựng. Hiện nay cả 2 bệnh viện đều đang đóng cửa, tiến độ giải ngân mới đạt hơn 55% và 57%.

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân dẫn đến 2 dự án chậm tiến độ là do chưa lường hết được các phát sinh trong quá trình triển khai dự án, nhất là việc thực hiện các quy định trong đầu tư xây dựng cơ bản, cụ thể là thực hiện các hợp đồng xây dựng, nên phát sinh các vướng mắc trong thực hiện các hợp đồng và thanh quyết toán, giải ngân vốn.

Đại diện Ban Quản lý dự án cho biết trong quá trình xây dựng có nhiều điều chỉnh, thay đổi nhiều hạng mục theo ý kiến của 2 bệnh viện như thay đổi hệ thống điều hòa, nước nóng, số lượng điều hòa, khu vực nội trú cho y bác sĩ… nên thời gian thực hiện bị vượt quá.

Năm 2019, Bộ Y tế đã xin tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện dự án. Tiến độ dự án đã được điều chỉnh thời gian thực hiện đến ngày 31.12.2020. Tuy nhiên đến nay, cả hai bệnh viện này vẫn chưa thể đưa vào hoạt động. Nhiều hạng mục vẫn chưa hoàn thành. Phần lớn trang thiết bị y tế chưa được mua sắm, lắp đặt.

Trước đó, Báo Lao Động đã có loạt bài phản ánh nghịch lý bệnh viện nghìn tỉ bỏ hoang, còn nơi thì bệnh nhân chen chúc, khổ sổ vì quá tải. Sau loạt bài, Thủ tướng đã đi thị sát và chỉ đạo các bộ, ngành Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài Chính phải có phương án để giải quyết dứt điểm việc bệnh viện đắp chiếu, bỏ hoang, yêu cầu chậm nhất sau 2 tháng nữa, các bộ, ngành phải có phương án xử lý, để dự án sớm đi vào hoạt động.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/xa-hoi/cac-co-so-y-te-qua-tai-benh-vien-nghin-ti-bo-hoang-su-lang-phi-dau-long-1098231.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/xa-hoi/cac-co-so-y-te-qua-tai-benh-vien-nghin-ti-bo-hoang-su-lang-phi-dau-long-1098231.ldo
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Các cơ sở y tế quá tải, bệnh viện nghìn tỉ bỏ hoang: Sự lãng phí... đau lòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO