Các chính sách hỗ trợ rất quan trọng để quyết liệt phục hồi tăng trưởng

04/01/2022 18:40

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định, việc phấn đấu quyết liệt để phục hồi, tăng trưởng, hỗ trợ phát triển rất quan trọng. Chính vì thế, có chính sách hỗ trợ, phát triển là điều rất cần thiết trong lúc này.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp tổ chiều 4/1. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Chiều 4/1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khoá XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Trên cơ sở phân tích ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 trong 2 năm qua đến người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định, việc phấn đấu quyết liệt để phục hồi, tăng trưởng, hỗ trợ phát triển rất quan trọng. Chính vì thế, có chính sách hỗ trợ, phát triển là điều rất cần thiết trong lúc này.

Chủ tịch nước đánh giá cao Tờ trình của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Tờ trình không chỉ đề ra mục tiêu, giải pháp mà còn có phương án huy động nguồn lực thực hiện hỗ trợ. Nêu dẫn chứng nhiều quốc gia đã tăng chi ngân sách để hỗ trợ phục hồi kinh tế, Chủ tịch nước cho rằng phải chấp nhận tăng nợ công, thâm hụt ngân sách tăng trong tầm kiểm soát. “Không cách nào khác, phải bơm tiền ra nền kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, phục vụ tăng trưởng”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Nhận định “cầu” của nền kinh tế còn yếu, Chủ tịch nước cho rằng cần tăng tổng “cầu”, nhất là tại những lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, những đối tượng gặp khó khăn cần được hỗ trợ như người nghèo, công nhân. Theo Chủ tịch nước, việc hỗ trợ tài khóa và tiền tệ để phát triển trong lúc khó khăn này cần thiết nhưng nền tảng là phải giữ kinh tế vĩ mô, nhất là chỉ tiêu lạm phát.

Chủ tịch nước cũng cho rằng việc hỗ trợ cho người lao động và các khu vực bị ảnh hưởng cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện để đến được tay người dân, doanh nghiệp, tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời cần thiết kế lại cơ chế khuyến khích và thủ tục tiếp nhận gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, tín dụng cho doanh nghiệp, người dân, làm sao họ tiếp cận một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất, chống tham ô, lãng phí tốt nhất.

Chủ tịch nướcNguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong quá trình thực hiện gói tài khóa, tiền tệ phát triển kinh tế phải nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, vừa có mục tiêu tăng trưởng bảo đảm chất lượng, năng suất lao động, áp dụng những giải pháp chuyển đổi số sử dụng công nghệ tốt hơn, mạnh hơn, đặc biệt là vấn đề lao động, việc làm, đào tạo nghề phải được giải quyết tổng thể, cụ thể.

Chủ tịch nước cũng đề nghị bổ sung nhóm giải pháp tăng hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước, bảo đảm thu ngân sách Nhà nước bền vững hơn; tăng tính minh bạch, công bằng, tăng vai trò điều tiết công cụ thuế. “Cần có một hệ thống giải pháp chứ không phải chỉ tung tiền ra mà không có biện pháp quản lý sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng trong thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ”.

Cùng thảo luận về nội dung này, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương) cho rằng, trong thời điểm này, Chính phủ dành một phần lớn ngân sách hỗ trợ phục hồi kinh tế, đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng là cần thiết và quan trọng. Chính sách này sẽ tạo ra động lực cho tăng trưởng trong giai đoạn dài tiếp theo.

Về chính sách hỗ trợ gián tiếp thông qua hỗ trợ về lãi suất cho các ngân hàng thương mại, Đại biểu kiến nghị, cần phải tiến hành rà soát để xác định chính xác mức độ cần hỗ trợ của các doanh nghiệp để có những chính sách phù hợp, hiệu quả.

Tờ trình của Chính phủ cũng đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Đại biểu cho rằng, khoản tiền này rất cần thiết, sẽ hỗ trợ trực tiếp cho người dân để tháo gỡ những khó khăn trước mắt và một phần khuyến khích sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc về tính hiệu quả, bởi khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước nếu đặt trong tổng số cần hỗ trợ thì rất lớn, nhưng khi phân chia cho người dân thì mỗi người chỉ được hưởng một khoản rất khiêm tốn. “Nên dành một khoản xứng đáng để đầu tư giải quyết việc làm cho người lao động sẽ có tác động lâu dài hơn, hiệu quả lớn hơn”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội có nhiều biện pháp trọng tâm, phù hợp với bối cảnh tình hình đất nước và thế giới. Gói hỗ trợ tập trung chính vào đầu tư công. Các nguồn lực tung ra vừa giải quyết vấn đề kích cầu thông qua đầu tư công đồng thời tạo sự tăng trưởng trong thời gian tới. Nếu tổ chức thực hiện tốt chắc chắn sẽ tạo ra xung lực lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, đại biểu đoàn Bắc Giang cũng bày tỏ quan ngại và đề nghị lưu ý các yếu tố cân đối vĩ mô, nợ công, nghĩa vụ trả nợ, lạm phát. Đồng thời, lo ngại có thể xuất hiện các tình trạng đầu cơ, bong bóng tài chính, bong bóng bất động sản…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, thời gian tới, muốn kinh tế vực dậy, cần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, cần tạo ra cầu cho nền kinh tế. Do đó, Chính phủ trình Quốc hội gói chính sách tài khóa 291.000 tỷ đồng.

Trong đó có giảm thuế 64.000 tỷ đồng, gấp 3 lần mức giảm thuế của năm ngoái (năm 2021 chỉ giảm 21.500 tỷ đồng), đặc biệt trong đó giảm 2% thuế GTGT, hỗ trợ doanh nghiệp bứt phá phát triển… Đồng thời, chi hỗ trợ thuê nhà cho người lao động là 6.600 tỷ đồng; chi hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giảm thuế và bảo lãnh cho ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ giải quyết việc làm, cho học sinh sinh viên vay, phát triển miền núi…

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, việc huy động nguồn lực cũng đã có báo cáo các cấp có thẩm quyền. Để việc huy động nguồn lực linh hoạt nhất, bền vững nhất hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế; để gói kích cầu nói riêng và giải quyết nút thắt phát triển kinh tế xã hội nói chung cần giảm bớt khâu trung gian, thủ tục đầu tư…

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, kinh tế Việt Nam như “cơ thể chuẩn bị hết bệnh cần thuốc phục hồi”. “Sức khỏe” doanh nghiệp, người dân kiệt quệ sau đại dịch, do đó gói phục hồi kinh nếu được ban hành sớm sẽ phục vụ tốt cho quá trình khôi phục nền kinh tế.

Theo ông Cường, Chính phủ đề xuất gói này bao gồm chính sách tài khoá và tiền tệ, trong đó, hỗ trợ tài khoá gồm kích cầu và cả kích cung với quy mô 290.000 tỷ đồng, trong đó giảm phí, lệ phí 64.000 tỷ đồng. Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách cho rằng việc giảm các loại phí, lệ phí sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước là 176.000 tỷ đồng, chỉ sử dụng để chi đầu tư phát triển: Về phòng, chống dịch, đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, viện và bệnh viện cấp trung ương là 14.000 tỷ đồng; về an sinh xã hội, lao động, việc làm hơn 8.000 tỷ đồng; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (trong đó đáng chú ý là hạ tầng giao thông là 103.164 tỷ đồng).

“Kích cầu đầu tư hiệu quả và an toàn hơn kích cầu tiêu dùng. Nếu chỉ đạo kiên quyết như chống dịch thì hiệu quả giải ngân sẽ rất cao”, ông Cường nhấn mạnh.

Hải Liên

    Nổi bật Việt Báo
    • Những người Pháp đến Điện Biên tìm dấu vết cha ông
      "Tôi muốn biết điều gì còn đọng lại trong trái tim họ. Tôi muốn chắc chắn rằng những hận thù đã kết thúc", vị khách Pháp thổ lộ khi đứng đối diện 2 cựu văn công từng phục vụ tại Điện Biên Phủ.
    • Bayern Munich bất ngờ muốn "giải cứu" HLV Ten Hag khỏi Man Utd
      Theo truyền thông Đức, HLV Erik Ten Hag đã được Bayern Munich đưa vào tầm ngắm để dẫn dắt "Hùm xám" vào mùa hè tới sau khi HLV Thomas Tuchel sẽ ra đi.
    • 4 loại dầu hạt tốt cho người giảm cân
      Dầu hạt có nguồn gốc từ thực vật, đặc biệt là các loại hạt như hướng dương, vừng, hạt lanh và bí ngô. Dầu hạt đóng một vai trò quan trọng trong nấu ăn và giúp giảm cân.
    • Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo gọi điện mời tham gia hội nhóm Telegram, Zalo đầu tư tài chính
      Qua giám sát, theo dõi phản ánh của người dùng trên hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác thông qua đầu số 5656, 156, thời gian gần đây, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) - Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông liên tục ghi nhận nhiều phản ánh từ người dân khi nhận được cuộc gọi lừa đảo từ các số điện thoại lạ mời tham gia hội nhóm Telegram, Zalo để đầu tư tài chính với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dùng.
    • Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp thăm chính thức Việt Nam
      Sáng 5/5, tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương đã chủ trì lễ đón Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu.
    Đừng bỏ lỡ
    Các chính sách hỗ trợ rất quan trọng để quyết liệt phục hồi tăng trưởng
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO