Ca sĩ Phạm Khánh Ngọc: Bố mẹ tôi không giục chuyện lập gia đình

27/08/2023 07:41

Là giọng ca nữ opera hàng đầu trong nước hiện nay, Phạm Khánh Ngọc sống khép kín, thích làm nghề trong thế giới của riêng mình. Cô nói không nặng nề chuyện lập gia đình hay không.

Thích làm nghề thầm lặng trong thế giới riêng mình

- Lần thứ 4 tham gia 'Điều còn mãi', cảm xúc đọng lại với chị là gì?

Tôi không còn cảm giác bỡ ngỡ, hồi hộp như lần đầu tham gia, song vẫn vẹn nguyên niềm tự hào, hứng khởi. Tôi thấy vinh dự và biết ơn vì được ban tổ chức tín nhiệm, ngỏ lời mời trở lại sau nhiều lần góp mặt.

Với tôi, Hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi hơn 10 năm đã mang một sứ mệnh lớn khi lưu trữ, tôn vinh giá trị của lịch sử và văn hóa dân tộc. Chương trình đã vượt rất xa khuôn khổ của Báo VietNamNet để trở thành món ăn tinh thần cho người dân cả nước vào ngày trọng đại.

Chúng tôi luôn đau đáu trách nhiệm trong mỗi tiết mục, làm sao truyền tải tinh thần tác phẩm đến khán giả một cách trọn vẹn nhất.

Phạm Khánh Ngọc trong buổi phỏng vấn với VietNamNet. 

- Chị chuẩn bị ra sao với phần trình diễn của mình?

Năm nay tôi được giao trình bày ca khúc Lên ngàn của nhạc sĩ Hoàng Việt. Những ca từ, giai điệu với đoạn hò sẽ được tôi thể hiện hoàn toàn bằng giọng miền Nam. Tôi rất tự hào vì mình người con Nam Bộ, được hát ca khúc mang âm hưởng Nam Bộ trên chính Thủ đô vào ngày thiêng liêng và ý nghĩa của cả nước. Nội dung bài hát nói về tình yêu đẹp trong thời kháng chiến, ca ngợi hình ảnh người vợ lính chứa chan tình cảm sâu đậm, thủy chung nhưng cũng rất kiên cường và mạnh mẽ.

Tôi sẽ có mặt ở Hà Nội ngày 30/8 để tổng duyệt cho ngày trình diễn. Tôi mong tiết mục sẽ góp thêm một mảng màu sắc trữ tình cho chương trình năm nay.

- Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM (HBSO) nơi chị đang công tác thời gian qua có nhiều nỗ lực trong việc đưa Opera tới gần khán giả, bản thân chị có sự nhìn nhận ra sao về hướng đi này?

Nhiệm vụ của chúng tôi là phải làm cho nhạc hàn lâm đến gần hơn với khán giả ở Việt Nam nói chung và ở TP.HCM nói riêng, tạo ra thói quen thưởng thức loại hình này cho khán giả. Trong các buổi diễn, tôi quan sát thấy số lượng khán giả mua vé là người Việt rất nhiều. Trước đây, đa số là khán giả nước ngoài, giờ có thêm nhiều khán giả trong nước hơn. Lượng khán giả Việt tăng lên và cũng trẻ hơn. Đó là tín hiệu rất đáng mừng vì cũng có một số lượng công chúng nhất định biết thưởng thức và ủng hộ âm nhạc mà chúng tôi mang tới.

Tôi nghĩ mình và các đồng nghiệp đã nỗ lực để đi một chặng đường dài với mong muốn rất chính đáng dành cho opera. Hy vọng trong một thời gian không xa, khán giả Việt sẽ mở lòng hơn với loại hình nghệ thuật vốn được cho là khó tiếp nhận này.

Soprano Phạm Khánh Ngọc là một trong những ca sĩ hàng đầu của dòng nhạc thính phòng hiện nay.

- Nghệ sĩ thính phòng như chị thường tốn rất nhiều thời gian và sức khỏe khi theo nghề. Sự đánh đổi đó, chị nhận được gì và đã hài lòng chưa sau ngần ấy năm hoạt động?

Bạn bè, người thân hay kể cả gia đình vẫn luôn hỏi chung tôi một câu: Tại sao làm nghề này ở đây, làm thế nào sống được? Tôi biết đó là sự quan tâm, nỗi lo chung của mọi người vì dẫu sao Việt Nam vẫn không phải là cái nôi của nhạc cổ điển. Mọi người có rất nhiều lựa chọn thị hiếu như: Ballad, Pop, Rap hay thậm chí là Bolero. Nghệ sĩ dòng nhạc chúng tôi có lẽ đã rất dũng cảm khi chọn con đường này.

Thời điểm này tôi không dám tự nhận mình có vị trí hay thành tựu quá cao. Nhưng với những gì đạt được tôi tạm hài lòng với nó. Tôi học thanh nhạc chuyên nghiệp từ năm 18 tuổi, đến nay đã ngoài 30 và may mắn chỉ đi một con đường thẳng duy nhất. Tôi được đào tạo chính quy và ra nghề cũng hát opera, ngoài công việc biểu diễn tôi còn giảng dạy thanh nhạc tại Nhạc viện TP.HCM, truyền ngọn lửa đam mê với thế hệ tiếp theo. Với một người nghệ sĩ thính phòng đó là điều hạnh phúc.

- Chị từng nói không muốn dấn thân vào showbiz và muốn làm nghệ thuật bình yên. Dù vậy với tài năng và giọng hát này phải chăng Phạm Khánh Ngọc nên xuất hiện nhiều hơn?

Tôi nghĩ mỗi người sẽ có con đường riêng cho mình. Tôi không làm nghề thầm lặng lắm đâu vì cũng có các hoạt động riêng nhưng là trong thế giới của riêng mình, là nơi mình thuộc về với những khán giả của riêng tôi. Hiện tôi cảm thấy mọi thứ vừa đủ, bao gồm công việc, tài chính và tên tuổi. Tôi không thích ồn ào, Facebook cá nhân của tôi cũng đặt chế độ bạn bè.

Tất nhiên mỗi người sẽ có một lựa chọn và cách thức làm nghề riêng, đó là suy nghĩ và lựa chọn của cá nhân. Ai cũng có tiêu chí cần và đủ, tôi bằng lòng với lựa chọn này, dẫu có thể hơi nhỏ bé.

Không nặng nề chuyện lấy chồng sinh con

- Ca sĩ - kể cả đại chúng hay hàn lâm vẫn cần show diễn và lượng khán giả cho riêng mình, chị tự tin vào 2 yếu tố này của bản thân?

Tôi làm nghề này vì chính đam mê, không quá đặt nặng chuyện tiền nong. Với chương trình ở Nhà thờ, thiện nguyện, tôi chỉ lấy mức tượng trưng hoặc có khi không lấy cát-sê. Còn các đêm diễn cho các tập đoàn, sự kiện lớn, thù lao nhận được cũng ở mức khá và tương xứng với công sức mình bỏ ra. Đến thời điểm hiện tại tôi vẫn sống với nghề khá tốt.

Tôi cũng có lượng khán giả riêng. Họ không quá đông, nhưng bền bỉ và âm thầm dõi theo. Mọi người yêu thích dòng nhạc cổ điển nên tự tìm đến nghe. Chúng tôi như tri kỷ, người bạn tâm giao dùng âm nhạc làm cầu nối.

- Một gameshow thời gian qua được cho là đã làm sống lại giọng ca thực lực, giúp phần nào định hướng thị hiếu nghe nhạc Việt, chị có dự định sẽ tham gia?

Tôi vẫn theo dõi qua vài các tiết mục của các đồng nghiệp. Tôi trân trọng sự nỗ lực của chương trình, ê-kíp trong việc mang dòng nhạc thính phòng – cổ điển qua show truyền hình.

Dù vậy, tôi đánh giá các tiết mục ấy vẫn bị thị trường hóa, không chiếm lấy số lượng quá lớn trong mỗi show. Ngay cả nghệ sĩ thể hiện, họ cũng không hẳn đang hát opera.

Việc phối Opera với Rock, Rap hay Pop… có lẽ là cách để mọi người muốn cổ điển trở nên dễ tiếp cận hơn với đại chúng. Bản thân tôi cũng từng hát bản Queen of the night phối Rock. Tuy nhiên ở góc độ cá nhân tôi không thích việc biến đổi và giải trí hóa các tác phẩm như thế.

Tôi muốn mang bản gốc, thật và tự nhiên nhất đến khán giả. Opera thực tế không khó nghe, có một số bài kinh điển, giai điệu rất đẹp mà phát lên ai cũng thuộc lòng. Việc xây dựng chương trình phù hợp nếu có chỉ nên biên kịch phù hợp, còn lại vẫn nên giữ trọn được tinh thần tác phẩm.

Phạm Khánh Ngọc sống giản dị và thực tế trong đời thường. 

- Đằng sau sân khấu, Phạm Khánh Ngọc là một cô gái thế nào?

Ngoài sân khấu tôi là một người rất bình thường, giản dị và thực tế. Tôi ngại chỗ đông người và chỉ thích đến nơi yên tĩnh để thư giãn. Tôi có một vài nhóm bạn thân từ thời còn học phổ thông, những người tri kỷ đã ở cạnh tôi mười mấy, hai mươi năm cho đến giờ, chúng tôi thường hẹn hò ăn uống, đi spa, đi du lịch ngắn ngày để xả stress, cùng nhau chia sẻ những điều trong công việc và cuộc sống.

Gia đình cũng là điểm tựa, giúp tôi tái tạo năng lượng sau chuỗi ngày dài đắm đuối với công việc. Tôi là con một trong gia đình nên có bất cứ chuyện gì cũng thường tâm sự với bố mẹ. Mẹ tôi cũng là người trong nghề nên lại càng có sự thông cảm và thấu hiểu cho con gái.

- Bận rộn công việc, chị dự định đến khi nào sẽ lập gia đình?

Kết hôn hay sinh con là điều thiêng liêng với đời người phụ nữ. Còn tôi nghĩ có cũng được, không có cũng không sao và cũng không quá nặng nề chuyện này. Cuộc sống tính trước bước không qua, có những điều đến bất ngờ ta cứ đón nhận như mối duyên. Tôi là một người Công giáo nên tin mọi thứ đều có Chúa đã sắp xếp và an bài. Nhiệm vụ của mình là cố gắng sống thật tốt và cảm thấy hạnh phúc vui vẻ.

Tôi có kế hoạch học lên Tiến sĩ ở nước ngoài nên đang muốn dồn sức hoàn toàn cho việc này. Bên cạnh đó tôi cũng đang tập trung để hoàn thành tốt vai diễn mới trong những vở opera mới trong năm nay. Bố mẹ tôi cũng hiểu tâm lý con nên không giục chuyện gia đình.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ca sĩ Phạm Khánh Ngọc: Bố mẹ tôi không giục chuyện lập gia đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO