Ngày 27/3 (tức 15/2 âm lịch), tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã diễn ra Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc với sự tham gia của đông đảo người dân.
Chuẩn bị khởi hành ra biển thực hiện nghi lễ Nghinh Ông. |
Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc bắt nguồn từ sự kiện ngư dân phát hiện xác một con cá Voi trôi dạt vào bờ năm 1925. Theo tương truyền từ xa xưa, loại cá Voi được xem là cứu tinh cho các tàu thuyền và ngư dân gặp nạn trên biển, vì vậy người dân rất tôn kính và biết ơn loài cá này, hay gọi là “Ông”,“cá Ông”, tại các vùng biển người dân hay gọi là “Nam Hải Đại Tướng quân”.
Hoạt động chuẩn bị thực hiện nghi lễ. |
Sau gần 100 năm, Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc vẫn lưu giữ được nhiều nghi thức trang trọng, mang đậm nét văn hóa và phong tục tốt đẹp của cư dân vùng biển. Theo đó, trước giờ ra biển nghinh Ông buổi lễ chính lăng Ông có đầy đủ các cung phi (đa số là phụ nữ cao tuổi), cung nữ (các thiếu nữ) 12 nữ học trò lễ, 2 nữ cung hầu, 1 vị tướng quân trong tư thế oai phong cùng hàng chục quân sỹ đứng hầu tay giương cao các ngọn cờ nước, những lá cờ phướn có ghi dòng chữ “Nam Hải Đại tướng quân” cùng hàng ngàn người chuẩn bị rước kiệu trong tiếng trống, tiếng kèn rộn ràng nhạc lễ tạo nên không khí lễ hội náo nhiệt.
Các cụ cao niên thực hiện nghi thức lễ trang trọng. |
Năm nay, Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc được tổ chức có phần quy mô và náo nhiệt hơn mọi năm, bởi lễ hội này vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đúng 11h trưa, lễ rước Ông được khởi hành tại Lăng Ông, sau đó diễu hành quanh thị trấn Sông Đốc hòa cùng tiếng trống, tiếng kèn rộn ràng của đội nhạc lễ tạo nên không khí lễ hội náo nhiệt. Đoàn tàu ra biển “Nghinh Ông” gồm 3 chiếc được kết lại thành đoàn, trên tàu trang hoàng cờ, phướn, băng rôn, khẩu hiệu…
Người dân hào hứng tham gia Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc. |
Năm nay, để đảm bảo cho Lễ hội Nghinh Ông diễn ra an toàn, nghiêm túc, ban tổ chức chỉ tiến hành sắp xếp 7 tàu cá có nhiệm vụ chở Ban Tổ chức, các vị chức sắc, học trò lễ và các du khách ra biển. Từng đoàn tàu tham gia “Nghinh Ông” đều chạy ra biển để thực hiện Nghi thức lễ, nguyện cầu mong mưa thuận gió hòa, ngư dân đánh bắt được bội thu, cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà yên ấm. Trong thời gian diễn ra Lễ hội ngoài nghi thức lễ, người dân địa phương còn tham gia các hoạt động vui chơi, văn hóa, văn nghệ, thể thao rất sôi nổi.
Đoàn tàu ra biển “Nghinh Ông” gồm 3 chiếc được kết lại thành đoàn, trên tàu trang hoàng cờ, phướn... |
Ông Trần Hiếu Hùng - Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, Lễ hội Nghinh ông Sông Đốc là lễ hội truyền thống của bà con ngư dân ven biển tỉnh Cà Mau. Theo ông Hùng, Lễ hội là nơi thể hiện đạo lý dân tộc như: Uống nước nhớ nguồn, trọng thị trong ứng xử và trọng nghĩa tình. Từ bao đời nay, Lễ hội Nghinh Ông đã đóng góp không ngừng cho việc xây dựng đạo đức lối sống, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển, góp phần bảo vệ và khẳng định chủ quyền Quốc gia. Lễ hội cũng nhằm giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa phi vật thể và sản phẩm du lịch đặc trưng mang đậm nét văn hóa biển, đảo của tỉnh Cà Mau đến với du khách trong và ngoài tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân và lãnh đạo huyện Trần Văn Thời trao bằng Công nhận và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho đại diện Ban Trị sự Lăng Ông Sông Đốc. |
Trước đó, tối 26/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau phối hợp với UBND huyện Trần Văn Thời tổ chức Lễ công bố di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia “Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc”. Phát biểu tại buổi Lễ công bố di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia “Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân cho rằng, sự kiện cũng là điều kiện thuận lợi để bạn bè trong nước và quốc tế biết nhiều hơn về nét đẹp văn hóa của vùng đất ven biển Cà Mau. “Từ giá trị văn hoá, lịch sử, kinh tế, khoa học…. của Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc có được, chúng ta cần phải chung tay, ra sức bảo vệ di sản, làm sao cho di sản trường tồn với thời gian, được lưu truyền, kế thừa và phát triển hơn nữa về quy mô cũng như giá trị. Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động lễ hội tại di sản, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân nhằm thực hiện xã hội hoá công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá; tăng cường tuyên truyền về bảo tồn văn hoá phi vật thể cho người dân, nâng cao nhận thức về truyền thống văn hoá của dân tộc…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân đề nghị. |