Trong công tác phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau đã nhanh chống tháo gỡ khó khăn cho người dân, không cứng nhắc, máy móc trong các quyết định.
Nhanh chống tháo gỡ khó khăn
Theo phản ánh của người dân, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, tại Cà Mau xuất hiện một số khó khăn, tồn tại.
Cụ thể là khó khăn trong việc xin cấp phép đến ngân hàng nhận tiền vay, nộp và rút tiền để phục vụ nhu cầu sản xuất, mua vật tư, chuyển tiền cho đối tác nhận hàng hóa thiết yếu và gửi tiền cho người thân đang sinh sống và học tập ở các tâm dịch. Khó khăn trong hoạt động thu mua thủy sản, vật tư thiết yếu phục vụ nuôi trồng ngoài địa bàn cư trú.
Ngay khi nhận được phản ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau chỉ đạo các xã, phường thực hiện kiểm tra, rà soát để giải quyết khó khăn của người dân và đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19,
“Nếu trường hợp đúng đối tượng có nhu cầu thật sự rất bức thiết nêu trên và không thể thực hiện giao dịch trực tuyến thì thực hiện cấp giấy phép cho người dân đến ngân hàng giao dịch. Chỉ cấp và sử dụng 1 lần và yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi giao dịch với người dân theo quy định”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo.
Đối với người dân địa phương hoạt động thu mua thủy sản, vật tư thiết yếu phục vụ nuôi trồng ngoài địa bàn cư trú, ngoài việc cấp giấy phép cho hoạt động thu mua trên địa bàn nơi cư trú đã thực hiện thì bổ sung thêm địa bàn hoạt động thu mua ở vùng lân cận, giáp ranh địa bàn huyện, thành phố mà trước đây đã hoạt động.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo các địa phương trong tỉnh thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình người đến/về địa phương mình qua phần mềm quản lý người về/đến Cà Mau qua các chốt kiểm soát (định kỳ mỗi giờ ít nhất một lần) để phối hợp quản lý cách ly y tế theo quy định.
Tăng cường quản lý địa bàn, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Tổ COVID-19 cộng đồng với phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Kịp thời phát hiện người lạ đến địa phương để báo cáo, thực hiện các biện pháp cách ly y tế phù hợp. Theo dõi quá trình di chuyển, bốc xếp hàng hóa của các xe vào địa bàn quản lý; rà soát, cấp giấy đi đường đảm bảo đúng đối tượng.
“Trước tình hình diễn biến dịch COVID-19 rất phức tạp, thay đổi nhanh chóng, bất ngờ, yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là UBND cấp xã phải bám 2 sát sự chỉ đạo của cấp trên, có hình thức phù hợp triển khai, thực hiện ngay (kể cả ngoài giờ làm việc). Quá trình chỉ đạo, thực hiện những vấn đề phát sinh khi giải quyết phải xem xét thận trọng, không cứng nhắc, máy móc, phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo, bám sát thực tiễn đời sống của nhân dân”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo.
UBND tỉnh Cà Mau lưu ý người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan nếu để xảy ra dịch bệnh tại địa phương, đơn vị mình do nguyên nhân chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng, đủ nội dung, hướng dẫn của cấp trên trong công tác phòng, chống dịch bệnh thì xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật theo quy định.
Giao cán bộ chủ chốt bám sát địa bàn
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau quyết định thành lập 9 Tổ công tác trực tiếp phụ trách địa bàn huyện, thành phố thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Trong đó, tổ 1 do ông Phạm Thành Ngại,vBí thư Thành ủy Cà Mau làm Tổ trưởng, phụ trách TP Cà Mau.
Tổ 2 do bà Huỳnh Thị Thanh Loan, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy làm Tổ trưởng, phụ trách huyện U Minh.
Tổ 3 do ông Trần Văn Hiện, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm Tổ trưởng, phụ trách huyện Thới Bình.
Tổ 4 do ông Hồ Trung Việt, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm Tổ trưởng, phụ trách huyện Ngọc Hiển.
Tổ 5 do ông Võ Thanh Tòng, Giám đốc Sở Tư pháp làm Tổ trưởng, phụ trách huyện Đầm Dơi.
Tổ 6 do ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm tổ trưởng, phụ trách huyện Cái Nước.
Tổ 7 do ông Lê Minh Ý, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy làm Tổ trưởng, phụ trách huyện Trần Văn Thời.
Tổ 8 do ông Trần Hữu Phước, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy làm Tổ trưởng, phụ trách huyện Năm Căn.
Tổ 9 do ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, làm Tổ trưởng, phụ trách huyện Phú Tân.
Nhiệm vụ của các tổ là trực tiếp xuống địa bàn được phân công phụ trách (đứng chân tại địa bàn, kể cả ban đêm) phối hợp với các huyện, thành phố, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh triển khai, thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh.
Các tổ công tác nghiên cứu thật kỹ, cập nhật thường xuyên các văn bản để nắm vững nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh (nhất là các văn bản mới ban hành, mới có ý kiến chỉ đạo) để hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai, thực hiện.
Hàng ngày phải trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn địa phương (nhất là xã, phường, thị trấn, đến khóm, ấp), theo dõi sâu sát, nắm chắc người từ ngoài tỉnh về ở từng hộ gia đình để quản lý theo quy định về phòng, chống dịch. Kiểm tra thực tế các biện pháp phòng, chống dịch ở cơ quan, đơn vị, khóm, ấp, các chợ, khu vực đông người, các điểm lên, xuống hàng hóa...).
Thường xuyên tuyên truyền, động viên cán bộ và nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng, chống dịch.
THANH TIẾN