BYD, hãng xe điện khổng lồ của Trung Quốc, đang ngày càng khẳng định vị thế dẫn đầu trong cuộc đua sản xuất xe điện (EV) giá rẻ.
Hãng không chỉ mở rộng tại các thị trường truyền thống mà còn đẩy mạnh thâm nhập các thị trường mới nổi, với chiến lược sản xuất xe điện giá phải chăng và các công nghệ pin tiên tiến.
Chính sự kết hợp này đã giúp BYD vượt qua nhiều đối thủ mạnh, thậm chí có thời điểm vượt qua cả “ông lớn” Tesla của Mỹ để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới.
Chiến lược tiếp cận thị trường nhỏ và mới nổi
Một trong những ví dụ tiêu biểu cho chiến lược mở rộng này là Malta - một quốc đảo nhỏ bé ở Địa Trung Hải với dân số chỉ khoảng 564.000 người.
Malta, được biết đến như một điểm đến du lịch nổi tiếng, với thị trường ôtô nhỏ bé chỉ khoảng 7.200 xe đăng ký mới trong năm ngoái. Điều đó khiến nước này có vẻ không đáng để các hãng xe lớn chú ý.
Nhưng đối với BYD, đây lại là cơ hội. Cuối năm ngoái, BYD bắt đầu bán mẫu Atto 3 - một chiếc crossover điện nhỏ gọn - tại Malta.
Xe được trang bị các tính năng hiện đại như ghế da tổng hợp có sưởi, màn hình cảm ứng xoay 360 độ và có thể đi được 260 dặm mỗi lần sạc, đủ để chạy quanh đảo Malta hai lần.
Giá xe khoảng 28.000 USD, được coi là rẻ theo tiêu chuẩn châu Âu.
Việc thâm nhập vào Malta không chỉ đơn thuần là bán xe, mà là một phần trong chiến lược tổng thể của hãng: tập trung vào các thị trường mới nổi và không có ngành công nghiệp ôtô nội địa lớn.
Ông Yu Zhang, Giám đốc điều hành của AutoForesight, cho biết: "Các thị trường này có thể không lớn, nhưng tổng hợp lại có thể đạt tới hơn 10 triệu xe.”
Tính đến nay, hãng đã mở rộng xuất khẩu xe tới khoảng 95 quốc gia, và chỉ trong năm nay đã mở rộng thêm 20 thị trường mới.
Hãng cũng mở rộng hoạt động vào thị trường Nam Mỹ, đặc biệt là Brazil và Mexico. Hãng hợp tác với Brazil để thúc đẩy việc sử dụng xe điện và xây dựng các cơ sở sản xuất tại nước này.
Trong khi đó, tại Mexico, BYD đã ký hợp đồng với các công ty taxi và chuỗi cửa hàng lớn để phân phối xe điện, tạo ra một mạng lưới bán hàng rộng khắp.
Lợi thế công nghệ pin
Một trong những yếu tố quan trọng giúp hãng dẫn đầu trong cuộc đua xe điện toàn cầu là công nghệ pin Blade.
Trong khi các hãng xe khác tập trung phát triển pin dựa trên nickel để cải thiện quãng đường đi, BYD đã chọn loại pin lithium sắt photphat (LFP) - rẻ hơn và ít nguy cơ cháy nổ hơn.
Công nghệ pin này giúp BYD có thể cắt giảm chi phí sản xuất và vẫn đảm bảo hiệu suất tốt cho các xe điện của mình.
Thiết kế pin Blade cũng giúp loại bỏ nhiều thành phần cồng kềnh chống cháy, từ đó giảm được trọng lượng và chi phí sản xuất xe.
Tập đoàn có trụ sở tại Thâm Quyến, vốn đã tạo dựng được tên tuổi trong lĩnh vực pin trước khi trở thành một nhà sản xuất ôtô, là một mình minh chứng cho tham vọng của Trung Quốc trong ngành sản xuất ôtô.
Sự thành công của BYD không chỉ đến từ công nghệ mà còn từ chính sách hỗ trợ từ chính phủ. Nhờ các chính sách này, hãng có thể cạnh tranh và giành lợi thế so với nhiều đối thủ khác trong nước. Tuy nhiên, BYD bác bỏ những cáo buộc rằng hãng dựa vào trợ cấp.
Đối mặt với rào cản thương mại
Sự mở rộng của BYD ra thị trường quốc tế không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã áp thuế 100% lên xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, và châu Âu cũng áp thuế 17% lên các sản phẩm xe điện của BYD.
Các biện pháp này nhằm bảo vệ các hãng xe nội địa khỏi sự cạnh tranh khốc liệt từ các công ty Trung Quốc.
Tuy nhiên, BYD đang nỗ lực tránh các rào cản này bằng cách đầu tư vào các nhà máy sản xuất tại các quốc gia khác, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, rất khó để phương Tây cắt đứt quan hệ thương mại với Trung Quốc, nơi đang dẫn đầu thế giới trong chuỗi sản xuất pin, một phần quan trọng để sản xuất ôtô điện.
Theo chuyên gia Sébastien Amichi, 80% pin lithium-ion mà châu Âu sử dụng trong pin có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Đây cũng là lý do giải thích tại sao ông Luc Chatel, Chủ tịch nhóm Plateforme automobile (PFA) chuyên vận động hành lang về ôtô của Pháp (PFA), vẫn biện hộ cho “quan hệ đối tác lâu dài” với các nhà sản xuất Trung Quốc.
Cuộc đua khốc liệt
Các hãng xe truyền thống như Ford và General Motors đang nỗ lực để bắt kịp BYD trong cuộc đua xe điện.
Một trong những lợi thế lớn của BYD là khả năng sản xuất các linh kiện nội bộ, giúp hãng giảm được chi phí sản xuất tới 25% so với các đối thủ Mỹ và châu Âu.
Hãng cũng đã chứng minh khả năng cung cấp xe điện chất lượng cao với giá rẻ hơn, điều mà các hãng xe phương Tây hiện đang gặp khó khăn.
Kể từ đầu năm 2024, thị phần xe điện Trung Quốc chiếm khoảng 7,6% ở châu Âu, tức là tăng gần gấp đôi trong hai năm.
Tháng 5/2024, ông Michael Shu, Giám đốc khu vực châu Âu của BYD, cho biết ông tin tưởng tập đoàn này có khả năng trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực xe điện tại “lục địa già” vào cuối thập kỷ này. Một dự báo về một cuộc đua ngày càng khốc liệt./.