Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa ký văn bản khẩn về phản ánh liên quan đến Bệnh viện Ung bướu TPHCM, được cho là xảy ra trong thời gian gần đây.
Xác minh phản ánh "câu" bệnh nhân ra ngoài mổ
Theo đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết đã nhận thông tin trên phương tiện truyền thông về việc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM "câu" bệnh nhân ra bệnh viện tư mổ dưới mác liên kết chuyên môn. Sau khi xem xét, Cục đề nghị Sở Y tế TPHCM khẩn trương xác minh, làm rõ các thông tin, phản ánh trên và có biện pháp xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Sau đó, khẩn trương có báo cáo về Bộ Y tế và công khai trên các cơ quan báo, đài.
Ngoài ra, phải tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền giáo dục về pháp luật cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và ngoài công lập thực hiện nghiêm việc khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, các Nghị định của Chính phủ và các văn bản có liên quan.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế TPHCM báo cáo kết quả về Bộ Y tế trước ngày 24/3 để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ xin chỉ đạo.
Trước đó, một tạp chí đăng tải bài viết phản ánh sự việc một bệnh nhân có khối u tuyến giáp, điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Tuy nhiên khi đến ngày hẹn mổ, nơi này thông báo quá tải, không thể xếp lịch phẫu thuật nên sẽ chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Hồng Đức (quận Gò Vấp). Bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật là người từ Bệnh viện Ung bướu cử sang.
Tại đây, bệnh nhân phải đóng 28,8 triệu đồng, được cho là cao hơn 17,5 triệu đồng so với phẫu thuật tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM.
Điều này làm dấy lên nghi vấn bệnh viện công tìm cách đưa bệnh nhân ra bệnh viện tư mổ để hưởng tiền chênh lệch dịch vụ cao hơn, dưới danh nghĩa "chuyển viện theo hình thức liên kết chuyên môn" đã được thực hiện từ nhiều năm nay.
Bệnh viện Ung bướu TPHCM nói gì?
Phản hồi về sự việc trên, Ban Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, năm 2014, xuất phát từ tình hình quá tải, số lượng bệnh nhân chờ mổ lâu ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, bệnh viện đã xin chủ trương Sở Y tế và UBND TPHCM về việc liên kết chuyên môn với Bệnh viện đa khoa Hồng Đức trong việc tổ chức phẫu thuật cho các bệnh nhân có nhu cầu.
Sau khi được UBND TPHCM chấp nhận và Sở Y tế phê duyệt, đề án liên kết chuyên môn với Bệnh viện đa khoa Hồng Đức đã được Bệnh viện Ung bướu TPHCM thực hiện từ tháng 10/2015 đến nay.
Về trường hợp bệnh nhân mà cơ quan báo chí phản ánh, phía Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, bệnh nhân này được chuyển sang Bệnh viện Hồng Đức phẫu thuật ngày 9/3, do bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Ung bướu thực hiện và xuất viện vào 14 giờ ngày 11/3.
Tổng chi phí bệnh nhân phải thanh toán là 17,1 triệu đồng, trong đó chi phí phẫu thuật khoảng 1/3, còn lại là chi phí xét nghiệm, vật tư, thuốc, tiền giường và các chi phí dịch vụ chuyên môn khác.
Số tiền 28,8 triệu đồng là tiền tạm ứng, phần tiền chênh lệch so với chi phí thực tế đã được hoàn trả lại cho bệnh nhân vào ngày 11/3.
Ban giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM khẳng định, suốt 7 năm triển khai đề án liên kết trên, bệnh viện chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào từ bệnh nhân hay người nhà.
Về vấn đề tại sao chi phí liên quan đến cuộc mổ tại Bệnh viện Hồng Đức lên đến trên 17 triệu, cao hơn giá nếu làm tại bệnh viện điều trị ban đầu (dự kiến 11 triệu đồng), phía Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho rằng đây là việc dễ hiểu, vì bệnh viện tư cơ sở vật chất, phòng bệnh khang trang hơn, các dịch vụ tăng thêm để phục vụ cho bệnh nhân đa dạng hơn… Mặt khác, bệnh viện tư được quyền thu khấu hao trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất, được tính đúng, tính đủ giá viện phí.
Về vấn đề tài chính, bệnh viện khi tư vấn sẽ công khai tất cả chi phí dự kiến, người bệnh sẽ quyết định theo nguyện vọng cũng như khả năng tài chính họ. Đối với trường hợp bệnh nhân vừa được phản ánh, bệnh viện cho biết quy trình chuyển viện, tư vấn thực hiện đúng theo quy chế chuyên môn.