Bệnh nhi N. K. B. M, 5 tuổi, nam, cân nặng 20kg, ngụ ở Đức Hòa, Long An, bệnh sử sốt 4 ngày, ngày thứ 5 nhập bệnh viện địa phương trong tình trạng sốc sâu, được truyền dịch chống sốc theo phác đồ, sau đó chuyển Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố Hồ Chí Minh, trong tình trạng sốc kéo dài, suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan. Trẻ được truyền dịch chống sốc, hỗ trợ hô hấp thở máy, chọc dò dẫn lưu màng bụng giải áp, truyền máu và chế phảm máu, điều trị hỗ trợ gan, điều chỉnh toan máu. Kết quả sau hơn 1 tuần điều trị tình trạng trẻ cải thiện dần, cai máy thở, tỉnh táo.
Hay trường hợp khác T. X. Q. B, 11 tuổi, trú tại TP.HCM vào viện vì sốc ngày 5 của sốt xuất huyết. Diễn tiến thành sốc kéo dài và biến chứng suy hô hấp rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan.
Theo BS CK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay tại khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện đang điều trị 18 em sốt xuất huyết nặng phải thở máy, không xâm lấn. Ở khoa Nhiễm cũng có 16 trường hợp nặng phải nằm phòng cấp cứu, hơn 80 ca khác đang theo dõi. Cũng theo bác sĩ Tiến trước đây có các dung dịch mạnh điều trị sốt xuất huyết như dùng dung dịch cao phân tử điều trị sốt xuất huyết như HES 200.000 và Dextran 40 nhưng giờ không có, bác sĩ phải tìm cách thay thế như HES 130, Albumin. Ngoài ra, bệnh viện cũng phối hợp với các trang bị máy lọc máu, ECMO, chọc dò màng bụng… để tập trung cứu các trường hợp nặng.
Năm nay, theo thông tin từ viện Paster TP.HCM thấy virus DEN2 trong nhóm nặng tăng lên, độc lực cao gây nặng cho người bệnh.
BS Tiến cho biết sốt xuất huyết hiện có 4 typ, tức theo lý thuyết ai cũng có thể mắc tới 4 lần trong đời, nhưng thực tế khám chữa bệnh BS Tiến chỉ gặp trẻ mắc 1-2 lần, chưa có trẻ nào mắc 3,4 lần.
Với tình trạng dịch chồng dịch như hiện nay, bác sĩ Tiến khuyến cáo khi trẻ bị sốt, cha mẹ không nên vội vàng làm xét nghiệm sốt xuất huyết mà nên đưa trẻ đi tới bệnh viện để bác sĩ chẩn đoán, xét nghiệm hợp lý, tránh xét nghiệm không đúng.
Ngoài ra, trẻ sốt có thể do các bệnh lý khác như viêm não Nhật Bản trẻ sốt rất cao và có thể dẫn tới hôn mê, trẻ có thể tử vong nhanh. Hoặc trẻ bị bệnh tay chân miệng, Adenovirus. Nếu trẻ sốt cần được bác sĩ thăm khám và tư vấn theo dõi.
Với cha mẹ, bác sĩ Tiến khuyến cáo khi con bị sốt cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm để đưa con em mình đến cơ sở y tế kịp thời. Nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa trẻ ngay vào bệnh viện như: Trẻ quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì, đau bụng, chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; Trẻ bị tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống.
Khánh Chi