Khi dịch COVID-19 bùng phát tại tỉnh Hải Dương, cuối tháng 1/2021, bị can Phan Quốc Việt (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) chủ động gọi điện cho bị can Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC Hải Dương) đề nghị cho Công ty Việt Á vào tỉnh Hải Dương thực hiện xét nghiệm phòng chống dịch.
Tuy nhiên, Tuyến nói bản thân không quyết định được, việc này phải do lãnh đạo tỉnh. Hôm sau, Việt thông qua Nguyễn Huỳnh (thư ký của Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế), nhờ ông Long tác động đến Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương để Công ty Việt Á vào Hải Dương xét nghiệm và được Phạm Xuân Thăng đồng ý.
Sau khi được sự đồng ý của Bí thư Hải Dương, Việt chỉ đạo đưa nhân công, máy móc thiết bị về CDC Hải Dương lắp đặt thực hiện công tác xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch tại tỉnh này để tiêu thụ kit xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất.
Quá trình Công ty Việt Á tham gia xét nghiệm phòng, chống dịch tại tỉnh Hải Dương, có nhiều đơn vị, cơ sở y tế Trung ương và tư nhân cùng tham gia.
Với mục đích mở rộng phạm vi xét nghiệm và để CDC Hải Dương được độc quyền xét nghiệm, Công ty Việt Á được độc quyền bán kit xét nghiệm và các vật tư, sinh phẩm y tế khác trên địa bản tỉnh. Thông qua sự giới thiệu và hẹn trước của Lê Thị Phượng, Phó trưởng phòng thuộc Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương, ngày 20/2/2021, Phan Quốc Việt đến phòng làm việc của Phạm Xuân Thăng để gặp.
Việt đề nghị Phạm Xuân Thăng tạo điều kiện để Công ty Việt Á được xét nghiệm cho công nhân tại các khu công nghiệp, công nhân, người lao động ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Ông Phạm Xuân Thăng đồng ý giao Công ty Việt Á là đơn vị chủ công trong công tác xét nghiệm cho tỉnh. Tại buổi gặp này, Việt đưa Phạm Xuân Thăng 100.000 USD.
Ngày 22/2/2021, tại cuộc họp giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh và cấp huyện, Việt tham gia họp theo giấy mời của Sở Y tế và có ý kiến "năng lực xét nghiệm 60.000 mẫu/ngày có thể làm được và để yêu cầu cao hơn nữa vẫn có thể đáp ứng đến 80.000 mẫu/ngày...".
Cựu Bí thư Phạm Xuân Thăng chủ trì cuộc họp rồi kết luận chỉ đạo "huy động công suất tối đa của CDC tỉnh lên mức 60.000 – 80.000 mẫu/ngày”, đúng như ý kiến của Việt.
Từ ngày 1/2/2021, Việt thỏa thuận, thống nhất với Phạm Duy Tuyến và chỉ đạo Vũ Đình Hiệp (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) làm việc với CDC Hải Dương để Công ty Việt Á ứng kit xét nghiệm, vật tư, sinh phẩm y tế cho CDC Hải Dương sử dụng trước; hợp thức hồ sơ đấu thầu, thanh toán tiền theo đơn giá do Việt Á đưa ra.
Trong quá trình CDC Hải Dương hoàn thiện hồ sơ đấu thầu để thanh toán cho Công ty Việt Á, Việt chỉ đạo Vũ Đình Hiệp và nhân viên Công ty Việt Á cung cấp các báo giá, trong đó báo giá của Công ty Việt Á là thấp nhất cho CDC Hải Dương.
Trên cơ sở đó, CDC Hải Dương làm thủ tục đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, ký 4 hợp đồng về việc cung cấp kit xét nghiệm và các vật tư, sinh phẩm y tế khác, thanh toán gần 148 tỷ đồng cho Công ty Việt Á từ nguồn ngân sách Nhà nước, trong đó thanh toán tiền 226 nghìn kit xét nghiệm do Việt Á sản xuất, trị giá 106 tỷ đồng, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước.
Việt thừa nhận việc bị can và nhân viên Công ty Việt Á thông đồng với CDC Hải Dương để Việt Á trúng thầu, ký hợp đồng, thanh toán tiền theo đúng đơn giá do Việt Á đưa ra là không đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch trong đấu thầu.
Quá trình ký, thực hiện hợp đồng mua kit xét nghiệm và các vật tư, sinh phẩm y tế khác giữa CDC Hải Dương và Công ty Việt Á, Việt thỏa thuận, thống nhất với Phạm Duy Tuyến về việc Công ty Việt Á sẽ chi 20% đến 25% ngoài hợp đồng cho CDC Hải Dương để được Phạm Duy Tuyến tạo điều kiện thuận lợi theo đơn giá do Công ty Việt Á đưa ra.
Sau các đợt thanh quyết toán tiền theo hợp đồng, cựu Giám đốc CDC Hải Dương được Việt Á chuyển 27 tỷ đồng. Số tiền này Tuyến sử dụng cá nhân và đưa ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương; Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế Hải Dương và một số lãnh đạo, cán bộ thuộc CDC Hải Dương.