Làm khó DN
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, ước tính cả năm 2021 tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt từ 3-3,5%.
Trong 9 tháng qua, tăng trưởng GDP chỉ đạt 1,42%, để đạt được mục tiêu trên, 3 tháng còn lại của năm 2021, kinh tế cần tăng trưởng ở mức từ 7,06 - 8,84%. Tăng trưởng quý ở mức 7% trở lên là con số Việt Nam từng đạt được trong quá khứ. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đặc biệt hiện nay, điều đó phụ thuộc vào sự thích ứng an toàn với dịch.
Để đạt tăng trưởng từ 7,06-8,84% trong quý 4, cần một số điều kiện như: Đối với DN không bị đóng cửa, phải được hoạt động. Đối với lao động phải được dịch chuyển. Đối với hàng hóa phải được lưu thông, trong đó đáng chú ý là lưu thông giữa các địa phương, bao gồm hàng hoá đầu vào và đầu ra. Có như vậy mới hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế được. Trong bối cảnh vừa phải khôi phục sản xuất vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh, từ nay đến cuối năm, các DN, khu vực kinh tế khôi phục hoạt động đạt được 80% hiệu suất đã là thành công lớn, Thứ trưởng Phương nhận định.
DN đang mong mỏi khôi phục sản xuất.
Tuy nhiên, ở một số địa phương, nguy cơ “giấy phép con” khiến các DN khó có thể khôi phục hoạt động. Cộng đồng DN tại Tiền Giang mới đây đã gửi thư “cầu cứu” lên Chủ tịch UBND tỉnh sau khi kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh được ban hành. Kế hoạch này chia thành ba giai đoạn, từ 1/10 đến 31/10; từ 1/11 đến 31/12 và từ tháng 1/2022 trở đi.
Theo đó, giai đoạn 1, cơ sở kinh doanh, DN phải áp dụng "3 tại chỗ", tức phải là đối tượng sản xuất, dịch vụ hàng hóa thiết yếu, định kỳ 7 ngày phải xét nghiệm PCR toàn thể người lao động, 3 ngày phải test đối với người có tiếp xúc nhận hàng hóa từ bên ngoài. DN chỉ được bố trí công nhân đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin sau 14 ngày, trước khi vào nhà máy phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính.
Các DN nhận xét, kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh của Tiền Giang rất khó để DN hoạt động trong giai đoạn 1". Bởi phần lớn công nhân vẫn đang ở trong các rào chắn, bảo vệ vùng xanh. Hiện chỉ khoảng 50 - 60% công nhân được tiêm mũi 1, chưa đầy 1% được tiêm mũi 2. Các chuyên gia của DN FDI cũng chưa thể trở lại địa phương, vào DN để làm việc.
Với giai đoạn 2 các DN cũng rất lo lắng bởi yêu cầu chỉ những lao động được tiêm hai mũi mới được đi làm. Nếu không đẩy mạnh tiêm phủ vắc xin cho người lao động thì rất khó để DN khôi phục sản xuất.
Các Hội ngành hàng lớn tại TP.HCM gồm: Lương thực - thực phẩm, Dệt may thêu đan, Cơ khí - điện, Mỹ nghệ và Chế biến gỗ mới đây kiến nghị UBND TP.HCM sửa văn bản 3252 bởi một số quy định bất cập, làm tăng thêm chi phí cho người lao động và DN. Các hiệp hội còn cho rằng, văn bản đó chưa nhất quán theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế về hướng dẫn xét nghiệm Covid đối với cơ sở sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, văn bản 3252 yêu cầu công nhân, chuyên gia di chuyển đến cơ sở sản xuất tại TP.HCM và ngược lại dù tiêm đủ liều vắc xin, hoặc đã khỏi bệnh Covid trong vòng 6 tháng, vẫn phải có kết quả xét nghiệm âm tính định kỳ 7 ngày/lần.
Còn khi văn bản 8228 của Bộ Y tế quy định, đối với các tỉnh thành có nguy cơ dịch rất cao thì người lao động có nguy cơ cao, hay người cung cấp dịch vụ trực tiếp cho DN không cần phải thực hiện xét nghiệm Covid định kỳ khi đã tiêm đủ liều vắc xin, hoặc đã khỏi bệnh Covid được 6 tháng. Nếu có, chỉ khuyến khích, không bắt buộc.
Các DN thành viên của các hội ngành hàng nói trên hiện đều có nhà máy đặt tại các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh nên số lượng chuyên gia, người lao động thường xuyên di chuyển qua lại giữa TP.HCM và các tỉnh mỗi ngày rất lớn. Quy định trên khiến DN rất lo ngại do ảnh hưởng đến hoạt động.
Cần sớm có hướng dẫn về thích ứng an toàn với Covid để DN chủ động ứng phó. |
Không được “đẻ giấy phép con”
Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), chỉ có 30-40% DN thành viên có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, số còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài mới có thể khôi phục lại. Chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy nên việc phục hồi không dễ dàng. Trong hoàn cảnh này, nếu các địa phương tiếp tục ban hành những quy định gây khó cho DN thì khả năng rất cao là khó hồi phục sản xuất như bình thường.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, 3 tháng cuối năm là “thời gian vàng” để phục hồi kinh tế, khi chúng ta kiểm soát dịch khá tốt. DN phải được coi là một chủ thể tham gia vào công tác ứng phó đại dịch, thay vì bị coi là đối tượng chịu sự quản lý như trước đây.
Theo ông Lộc, Chính phủ cần có hướng dẫn chung về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid. Trong đó quy định rõ nguyên tắc mà Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh, đó là tuyệt đối không được phép “đẻ” thêm các “giấy phép con”, các điều kiện kinh doanh mới, không cho phép phát sinh bất cứ các quy trình phê duyệt, cấp phép nào.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cho rằng, các DN đã kiệt quệ, nếu bị “giáng thêm một đòn nữa” chắc sẽ “ngã quỵ” hẳn. Vì vậy, Chính phủ cần sớm có hướng dẫn về thích ứng an toàn với Covid để DN chủ động ứng phó. Theo bà, các quy định phòng chống dịch phải nhất quán từ cấp Trung ương đến địa phương, không để xảy ra tình trạng một số tỉnh cực đoan, “đẻ” thêm giấy phép, quy định làm khó DN.
Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết, khoảng 90% DN lữ hành đã bị tê liệt vì phải đóng cửa, 60% trong số này rất khó phục hồi lại được. Để ngành du lịch có thể phục hồi, cần phải có các chính sách thật thông thoáng và có các khoản hỗ trợ đủ lớn từ Nhà nước.
Trần Thủy