Bước ngoặt lịch sử của NATO: "Chất xúc tác" cho trật tự thế giới mới?

18/07/2022 07:38

Giới chuyên gia nhận định, NATO đang bước sang một bước ngoặt mới khi căng thẳng với Nga và cuộc cạnh tranh với Trung Quốc đều nóng lên, và điều này có thể tác động tới viễn cảnh trật tự thế giới mới.

BƯỚC NGOẶT LỊCH SỬ CỦA NATO: "CHẤT XÚC TÁC" CHO TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI?

Giới chuyên gia nhận định, NATO đang bước sang một bước ngoặt mới khi căng thẳng với Nga và cuộc cạnh tranh với Trung Quốc đều nóng lên. Điều này có thể tác động tới viễn cảnh trật tự thế giới mới.

Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào cuối tháng 6 đã ghi nhận nhiều diễn biến đặc biệt. Tại đây, các lãnh đạo NATO đã nhất trí coi Nga là "mối đe dọa lớn nhất, trực tiếp nhất" với khối sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine trong gần 5 tháng qua.

Hội nghị này đánh dấu một số lần đầu tiên. Đây là lần đầu tiên mà NATO đã nêu đích danh Trung Quốc trong bản "Khái niệm chiến lược" trong 10 năm tới như một thách thức mang tính hệ thống vì tham vọng quân sự và tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh. Đồng thời, NATO cũng nhất trí về một chiến lược chung để đối phó với Trung Quốc.

Hội nghị này cũng đánh dấu lần đầu tiên các nước Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand - vốn không phải là thành viên NATO - được mời tham gia một thượng đỉnh của khối. Bốn nước này trên thực tế lại là đối thủ cạnh tranh tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Phát biểu trước thềm hội nghị, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nêu rõ rằng, đây sẽ là sự chuyển đổi lớn nhất của công tác phòng thủ tập thể kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Trước những diễn biến này, trong một bài viết trên hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, một chuyên gia chính sách chính trị cảnh báo rằng, thế giới có thể đang bước vào giai đoạn chia rẽ với các cuộc cạnh tranh và tập hợp lực lượng giữa các cường quốc đang làm rung chuyển trật tự thế giới hiện tại và một trật tự mới có thể ra đời.

NATO CHUYỂN MÌNH

Bước ngoặt lịch sử của NATO: Chất xúc tác cho trật tự thế giới mới? - 1

Hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay đã đánh dấu một bước ngoặt trong chiến lược của liên minh (Ảnh: Reuters).

Trước hết, chính Tổng thư ký NATO Stoltenberg đã nêu rõ ràng rằng, hội nghị thượng đỉnh ở Madrid, Tây Ban Nha sẽ có tính lịch sử. Đầu tiên, nó diễn ra khi châu Âu đang trải qua cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến II.

Thứ 2, NATO đã có quyết định sẽ ứng phó thách thức an ninh từ Trung Quốc. Trên thực tế, NATO ban đầu được thành lập để giải quyết các mối đe dọa quân sự trực tiếp đối với châu Âu. Với Trung Quốc, khối này trước đây từng coi Bắc Kinh là đối thủ, hoặc đối tác, hoặc nằm giữa ranh giới giữa cả 2. Tuy nhiên, NATO chưa bao giờ đề cao việc đối phó với Trung Quốc như lần này.

Chuyên gia đã phân tích kỹ "Khái niệm chiến lược" của NATO với kết quả như sau. Văn bản dài 16 trang đã nhắc tới Nga 17 lần, Trung Quốc 10 lần, châu Phi 4 lần, Trung Đông 3 lần, khu vực Balkan và Afghanistan mỗi khái niệm 1 lần.

Nó cho thấy rõ ràng quan điểm của NATO chính là, họ ưu tiên số một là đối phó với thách thức từ Nga. Thứ 2, họ đã đánh giá cao hơn thách thức từ Trung Quốc trong 10 năm tới. Rộng hơn, NATO dường như đã gián tiếp thừa nhận diễn biến ở Ấn Độ-Thái Bình Dương có thể ảnh hưởng trực tiếp tới châu Âu-Đại Tây Dương và toàn cầu.

NATO lần đầu thành lập năm 1949 để đối đầu với Liên Xô. Sau sự kiện Liên Xô tan rã năm 1991 và sau đó là Hiệp ước Warsaw, từng có nhiều ý kiến cho rằng việc tồn tại của NATO là không còn nhiều ý nghĩa.

Sự kiện vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 vào Mỹ đã khiến NATO kích hoạt cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, nhấn mạnh sự vươn mình của NATO ra khỏi phạm vi bảo vệ an ninh của châu Âu.

Giờ đây, theo các chuyên gia, điểm bước ngoặt cho tương lai của khối liên minh sẽ xoay quanh cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây, cũng như cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc - vốn đã bắt đầu thành hình trong những năm qua.

Trong thông điệp được Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là Hillary Clinton đưa ra đầu tiên vào năm 2011, Washington tuyên bố rằng "tuần trăng mật" với chính quyền Bắc Kinh đã kết thúc.

Bước ngoặt lịch sử của NATO: Chất xúc tác cho trật tự thế giới mới? - 2

Mỹ và một số đồng minh NATO trong những năm qua đã tăng cường điều động khí tài tới Ấn Độ-Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc nỗ lực gia tăng tầm ảnh hưởng (Ảnh: Reuters).

Từ năm 2012, hải quân Mỹ bắt đầu hiện diện nhiều hơn ở eo biển Đài Loan và Biển Đông nhằm gửi một thông điệp tới các động thái quân sự của Trung Quốc trong khu vực. Năm 2018, Mỹ tuyên bố đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, đánh dấu sự chuyển mình rõ rệt trong sự quan tâm của Washington cũng như NATO với khu vực này. Nó cũng đánh dấu một cuộc cạnh tranh căng thẳng hơn giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Năm 2021, hai thành viên NATO là Mỹ và Anh hợp tác cùng Australia trong thỏa thuận an ninh AUKUS. Động thái này sẽ giúp Canberra xây dựng hạm đội tàu ngầm năng lượng hạt nhân đầu tiên của nước này, một diễn biến được xem là nhằm đối phó với Trung Quốc.

Gần đây, sự tham gia của 4 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand tại hội nghị thượng đỉnh NATO được cho bổ sung thêm bằng chứng cho thấy, khối này dường như sẽ tiến xa hơn mục tiêu xuyên Đại Tây Dương và đặt tầm ngắm tới khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Ở một góc nhìn rộng hơn, chuyên gia Jae Jeok Park từ Đại học Nghiên cứu nước ngoài Hankuk ở Hàn Quốc dự đoán với SCMP rằng, cuộc cạnh tranh địa chiến lược Mỹ-Trung đang có dấu hiệu chuyển sang cuộc cạnh tranh giữa phương Tây và Trung Quốc.

Trong khi đó, chuyên gia Ryo Hinata-Yamaguchi từ đại học Tokyo (Nhật Bản) nhận định rằng, việc NATO chào đón lãnh đạo 4 quốc gia trên tới dự họp là một diễn biến rất quan trọng vì nó "tạo ra một khuôn khổ đa phương mới cho an ninh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương".

Trước đó, giới học giả Trung Quốc nhiều lần cảnh báo xu hướng mà gọi bằng thuật ngữ "châu Á hóa NATO". Hồi tháng 4, chuyên gia Li Qingsi từ đại học Nhân dân Trung Quốc, cáo buộc Mỹ muốn lập ra "NATO quy mô nhỏ" ở châu Á nhằm tìm cách đối phó Bắc Kinh và Moscow.

TRẬT TỰ THẾ GIỚI XOAY CHUYỂN

Bước ngoặt lịch sử của NATO: Chất xúc tác cho trật tự thế giới mới? - 3

Chiến sự Nga - Ukraine được xem đã làm "rung lắc" trật tự do Mỹ đứng đầu trong nhiều năm qua (Ảnh: Reuters).

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ cùng với các đồng minh phương Tây đã thiết lập một trật tự thế giới đơn cực, sau khi mất đi đối trọng chính là Liên Xô.

Sau gần 5 tháng nổ ra cuộc xung đột Nga và Ukraine, giới chuyên gia nhận định, trật tự đơn cực xây dựng trên sự lãnh đạo của Mỹ dường như đang có dấu hiệu lung lay nhất định.

Giữa tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, thế giới đang có những thay đổi căn bản, không thể đảo ngược và không còn một thế giới đơn cực.

Việc phương Tây đưa cả Nga và Trung Quốc vào tầm ngắm, dường như đang gián tiếp thúc đẩy Bắc Kinh và Moscow xích lại gần nhau, ít nhất là trong các lĩnh vực hợp tác chiến lược để làm giảm tầm ảnh hưởng của các động thái cấm vận kinh tế từ phương Tây lên 2 nước này.

Cựu Ngoại trưởng Nga Igor Ivanov cáo buộc NATO đang sử dụng cách tiếp cận coi mình là trung tâm và cảnh báo điều này có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng lớn hơn trên phạm vi toàn cầu.

"Thật không may, các nước phương Tây dùng mọi nỗ lực nhằm đảm bảo lợi thế quân sự đơn phương một chiều nhưng lại gây ảnh hưởng cho an ninh của các quốc gia khác, thúc đẩy cạnh tranh nhiều hơn về địa chính trị", ông Ivanov nhận định.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng chỉ trích việc NATO nhắc đích danh Bắc Kinh trong "Khái niệm chiến lược", cáo buộc khối liên minh "thúc đẩy đối đầu và đối kháng" với "tâm lý Chiến tranh Lạnh và thành kiến ý thức hệ".

Trong khi đó, "Khái niệm chiến lược" mới của NATO cũng nêu ra mối quan ngại về "quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc" giữa Nga và Trung Quốc, và cảnh báo nỗ lực hợp tác giữa 2 nước có thể làm ảnh hưởng tới phương Tây. Giới quan sát cho rằng, diễn biến này phần nào phản ánh sự căng thẳng giữa các bên trong cuộc cạnh tranh địa chính trị đang nóng dần lên từng ngày.

Vài ngày trước khi chiến dịch quân sự ngày 24/2 diễn ra, Bắc Kinh cùng Moscow đã thống nhất về việc hợp tác "không giới hạn". Sau khi hứng "bão" trừng phạt từ phương Tây, Nga đã bắt đầu việc xoay trục sang châu Á, để tăng cường hợp tác kinh tế, trong đó có đẩy mạnh làm ăn với các cường quốc kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ.

Việc Trung Quốc tăng mạnh việc mua năng lượng, nguyên liệu từ Nga trong thời gian qua đã khiến các biện pháp trừng phạt của phương Tây trở nên kém hiệu quả so với dự kiến ban đầu.

Bước ngoặt lịch sử của NATO: Chất xúc tác cho trật tự thế giới mới? - 4

Nhiều chuyên gia nhận định chính sách của Mỹ và NATO dường như đang gián tiếp đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau (Ảnh: SCMP).

Theo National Interest, trên thực tế, trật tự thế giới với Mỹ dẫn đầu dường như đã có sự lung lay nhất định trong vài năm qua với sự trỗi dậy của Trung Quốc về kinh tế và tham vọng quân sự, các nỗ lực ngoại giao và gia tăng tầm ảnh hưởng.

Trung Quốc dù vẫn thua kém Mỹ một cách nhất định về quân sự, nhưng đang nổi lên là một đối trọng với Washington.

Trong khi đó, Nga dù có nền kinh tế chưa đủ mạnh khi so sánh với Mỹ và Trung Quốc, nhưng theo chuyên gia Jeremiah Rozman của Đại học Virginia (Mỹ), Moscow có vị thế rất đặc biệt.

Nga là đối trọng quân sự với Mỹ với kho vũ khí hạt nhân "một chín một mười" so với Washington. Mặt khác, Nga còn là cường quốc năng lượng thế giới, ông lớn trong lĩnh vực cung cấp nguyên liệu thô và là "vựa lương thực toàn cầu". Có thể nói, Nga đang có tầm ảnh hưởng chiến lược ở những ngành cơ bản nhất, thiết yếu nhất trên thế giới.

Nga có thể chưa có sức mạnh kinh tế như Liên Xô trong giai đoạn chiến tranh Lạnh, nhưng không thể phủ nhận họ là một siêu cường địa chính trị. Nền kinh tế thế giới rung chuyển trong vài tháng qua vì lệnh cấm vận Nga là minh chứng rõ ràng nhất cho nhận định trên.

Theo chuyên gia Rozman, việc Nga có khả năng làm nghiêng cán cân về cực mà họ hợp tác không phải là điều không thể xảy ra. Đó chính là lý do NATO lo ngại về việc Nga và Trung Quốc đang tăng cường bắt tay nhau trong thời gian qua.

Nga và Trung Quốc có thể có những quan điểm khác biệt, nhưng theo ông Rozman, cả 2 dường như đang muốn hướng tới một trật tự toàn cầu tính đến lợi ích của họ. Chính vì vậy, họ dường như có xu hướng không chấp nhận trật tự mà Mỹ và phương Tây vạch ra trong hơn 20 năm qua và muốn làm suy yếu nó.

CHIẾN TRANH LẠNH LẦN 2 CÓ XẢY RA?

Một câu hỏi được nhiều người quan tâm hiện nay là, khi các cường quốc đang tính toán trên bàn cờ thế giới và gia tăng tập hợp lực lượng thì liệu Chiến tranh Lạnh lần 2 có xảy ra hay không?

Giới chuyên gia cảnh báo rằng, kịch bản trên có thể xảy ra và nó sẽ không chỉ gói gọn trong căng thẳng Nga và phương Tây và sẽ còn là phương Tây - Trung Quốc.

Nhưng theo National Interest, việc kết luận chắc chắn về viễn cảnh Chiến tranh Lạnh lần 2 có thể xảy ra cho tới nay vẫn khá vội vàng. Ví dụ, liên quan tới căng thẳng Nga - phương Tây trong thời gian qua, phản ứng của phần còn lại của thế giới vẫn chưa thể hiện sự dứt khoát chiến lược.

Ngoài các đồng minh của Mỹ ở châu Âu phản ứng quyết liệt với Nga, hầu hết các nước còn lại đều có cách tiếp cận trung lập nhiều hơn là chọn một bên để đối đầu với phía bên kia. Nhiều nước châu Phi, Nam Mỹ và châu Á có thể bỏ phiếu phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Liên Hợp Quốc, nhưng không tham gia vào nỗ lực trừng phạt Nga. Hai quốc gia có dân số lớn nhất thế giới, chiếm gần 3 tỷ dân là Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang chọn cách tiếp cận trung lập.

Tại Trung Đông, các cường quốc dầu mỏ cũng tính toán rất kỹ tới lợi ích chiến lược của riêng họ, khi vẫn coi Nga là đối tác quan trọng, không thể thay thế trong OPEC+.

Vì vậy, theo National Interest, chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy thế giới sẽ bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với một bên là Mỹ, một bên là Nga, hay là Nga hợp tác với Trung Quốc.

Thế giới đã trải qua hàng chục năm toàn cầu hóa, với các lợi ích phân mảnh rõ ràng, và sự phụ thuộc của một quốc gia lúc này không chỉ là vào một bên mà là vào nhiều bên. Việc tập hợp lực lượng như giai đoạn Chiến tranh Lạnh sẽ khó thực thi vì nhiều nước nhỏ và tầm trung đều có xu hướng tính tới lợi ích quốc gia của họ nhiều hơn là vướng vào một cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường - nơi mà họ có thể sẽ trở thành đối thủ của các nước lớn.

Chuyên gia Shivshankar Menon của Đại học Ashoka (Ấn Độ) cho rằng, những diễn biến thời gian qua sẽ là chất xúc tác cho "Phong trào Không Liên kết" ngày càng phát triển.

Giữa một thế giới hợp tác với nhau sâu rộng hơn, việc chọn con đường không liên kết, hay thường được gọi bằng cái tên là "tự chủ chiến lược", được xem là phương án mà nhiều quốc gia hướng tới vì họ cho rằng sự phân cực trên toàn cầu sẽ phương hại tới lợi ích của họ hơn là mang lại tác động tích cực.

Bước ngoặt lịch sử của NATO: Chất xúc tác cho trật tự thế giới mới? - 5

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Quốc gia này là điển hình về một cường quốc tự chủ chiến lược và đạt được lợi ích từ hướng đi này (Ảnh: Reuters).

Ấn Độ chính là ví dụ điển hình cho khái niệm một cường quốc kinh tế tự chủ chiến lược. Họ vừa bắt tay với Mỹ vì lợi ích kinh tế và nhằm đối phó với đối thủ Trung Quốc, vừa hợp tác với Nga chặt chẽ trong lĩnh vực năng lượng và quân sự. Sự khéo léo của Ấn Độ không nghiêng hẳn về bên nào rõ ràng mang lại lợi ích cho họ mà vẫn phù hợp với chính sách của không liên kết mà họ theo đuổi.

Với xu hướng không liên kết ngày càng gia tăng, viễn cảnh về một cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường là có thể xảy ra nhưng kịch bản thế giới phân làm các cực để đối đầu nhau như Chiến tranh Lạnh dường như khó xảy ra.

Đức Hoàng

Theo Foreign Policy, National Interest, SCMP, Anadolu

18/07/2022

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/the-gioi/buoc-ngoat-lich-su-cua-nato-chat-xuc-tac-cho-trat-tu-the-gioi-moi-20220716012737468.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/the-gioi/buoc-ngoat-lich-su-cua-nato-chat-xuc-tac-cho-trat-tu-the-gioi-moi-20220716012737468.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bước ngoặt lịch sử của NATO: "Chất xúc tác" cho trật tự thế giới mới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO