Ông nội tôi có 4 người em gái. Mỗi người đều lấy chồng xa. Phận làm dâu xa quê càng làm cho những cô gái miền biển giã thêm phần đảm đang và thạo việc. Trong số đó phải kể đến người bà thứ Tư của tôi, lấy chồng và theo về nhà chồng từ những năm đầu thập niên 70. Ngót nghét hơn nửa thế kỷ gắn bó và sinh sống tại một khu cư xá ở quận 3 cũng khiến cho bà Tư trở thành một "công dân chính hiệu" gắn bó với thành phố nhộn nhịp này.
Ngần ấy năm mưu sinh ở Sài Gòn cũng là ngần ấy thời gian giúp cho tay nghề nấu ăn của bà Tư được nâng tầm và dần trở nên tinh tế hơn. Các món ăn được chế biến qua đôi bàn tay của bà trở nên ngon và đậm vị. Cái vị ngòn ngọt, mằn mặn vốn đặc trưng và hiện hữu hằng ngày trong nền ẩm thực của "thành phố đông dân" nhất Việt Nam.
Hễ mỗi khi các cháu ở quê có dịp ghé vô Sài Gòn đi du lịch hay công tác thì bà Tư phải nằng nặc tìm đủ mọi cách kéo về nhà bà để ăn uống và nghỉ ngơi. Bà toàn nấu những món ăn ngon để cho các cháu thưởng thức, nhất là món bún măng vịt sao lại ngon lạ ngon lùng đến như vậy.
Ảnh minh họa.
Nhớ ngày còn nhỏ, đi theo ba mẹ vô nhà bà chơi, ngồi trên võng đong đưa mà ánh mắt trẻ thơ khi ấy của tôi chăm chú quan sát cách bà làm từng công đoạn để cho ra món ăn thật kì công. Vất vả nhất vẫn là khâu sơ chế vịt với gừng, rượu trắng để sau khi luộc xong, thịt vịt sẽ không còn mùi hôi. Còn với măng tươi, thì bà phải luộc vài lần, rồi rửa kĩ bằng nước sạch để cho măng nhả hết vị đắng, loại bỏ độc tố.
Thịt vịt được bà Tư chặt đều tay, chia nhỏ đầu cổ cánh, để riêng phần đùi béo núc. Từng khúc đều tăm tắp, thêm lớp da dính sát vào thịt, ít mỡ, bóng bẩy trông mà thích mắt. Riêng về phần nước lèo được nấu trong veo, vị hơi thiên ngọt rất phổ biến trong khẩu vị của người miền Nam.
Tay bà Tư tỉ mỉ đặt bún vào tô, chế thêm vài giá nước lèo có đầy đủ thịt vịt, măng và không quên bỏ thêm một nắm hành lá xắt nhỏ. Một tô đầy ụ, kèm chén nước mắm gừng như kích thích thị giác, vị giác và cả khứu giác nữa. Nhìn thôi đã thèm! Tùy mỗi người muốn ăn thêm cổ cánh hay lòng mề mà bà cũng không ngại ngần múc thêm.
Ảnh minh họa.
Tổng thể tô bún có vị ngọt thanh từ các nguyên liệu. Dai từ thịt vịt. Béo từ lớp da vịt. Giòn từ măng tươi. Lần đầu tiên thưởng thức được món ăn này mà lòng tôi cứ ấn tượng và nhớ mãi cho đến tận bây giờ. Cái bất giác và rưng rưng ấy khiến cho tôi dẫu có ăn nhiều hàng quán nào thì cũng không thể qua được món ăn do chính tay bà Tư tự nấu.
Làm sao có thể quên được cơ chứ! Giữa làn khói ấm nóng bốc ra từ những tô bún măng vịt, mọi người ngồi quây quần bên nhau vừa ăn vừa trò chuyện càng làm cho khung cảnh gia đình của nhiều năm về trước như được tái hiện giữa lòng thành phố nhộn nhịp này. Những kỉ niệm của quá khứ chợt ùa về, đan xen với những dự định trong tương lai như càng làm cho không khí ấm áp và thân thương hơn. Giá trị của yêu thương, giá trị của gia đình luôn được bà Tư vun vén khéo léo như thế đấy!
Thời gian khẽ khàng lướt qua, in hằn những điểm nhấn năm tháng lên tất cả mọi vạn vật. Giờ bà Tư đã gần chạm ngưỡng 85 tuổi. Cái tuổi xế chiều quây quần bên con cháu. Hễ mỗi khi có dịp ghé chơi ở Sài Gòn, thì bà Tư lại nhắc khéo tôi có muốn ăn món bún măng vịt nữa không? Và tất nhiên câu trả lời của tôi lúc nào cũng là "có".
Dẫu chỉ là một nàng dâu bén chút "duyên phận" với đất Sài Gòn và chẳng mảy may có ý định rời xa thành phố hoa lệ này. Nhưng nhờ nét ẩm thực vô cùng phong phú tại nơi đây, bỗng làm cho tâm hồn, nếp nghĩ của bà Tư vốn rộng rãi nay thêm phần hào sảng hơn. Tôi thương bà không chỉ vì tính cách đó, mà còn thương ở tấm lòng luôn biết ấp iu, nâng đỡ cho gia đình của mình. Chỉ mong sao bà Tư vẫn luôn khỏe mạnh để mỗi khi ghé thăm Sài Gòn là tôi lại có dịp thưởng thức món bún măng vịt được nấu bằng một thứ "gia vị" đặc biệt. Gia vị của yêu thương, quan tâm và tấm lòng chiu chút của bà.