Lo sợ con bị bạo lực học đường
Chị Ngọc Hà (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, cách đây không lâu chị đi làm về thấy con bị xước xát vết dài ở tay. Chị gặng hỏi nhiều lần thì con mới nói nguyên nhân là đi học thường bị các bạn cô lập hoặc chế nhạo. Hôm ấy, các bạn nam trêu chọc, lôi con vào nhà vệ sinh nam, con sợ hãi bám siết tay vào tường nên bị trầy da.
Chị Hà muốn biết bạn nào đã làm vậy với con nhưng con gái nhất định không nêu đích danh ai. Con chỉ chia sẻ rằng khi đi học sợ nhất là đụng mặt với các bạn này. Dù đó là tuần cuối con đến trường trước khi nghỉ hè để sang lớp mới nhưng chị Hà vẫn luôn lo lắng con bị các bạn bắt nạt tại trường.
Còn chị Minh Nguyệt (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chưa biết làm sao tốt nhất khi con bị bạn bè tẩy chay trên mạng xã hội.
Theo chia sẻ của chị Nguyệt, con gái của chị có tham gia nhóm kín của lớp trên mạng xã hội. Một lần con nêu ý kiến chê thần tượng của một bạn khác trong lớp. Vì vậy con bị "tẩy chay hội đồng" trên mạng và khi tới lớp cũng không còn bạn nào chơi với con như trước khiến cô bé rất lo lắng.
Trước những câu chuyện đáng buồn trên, chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, hằng ngày anh cũng lắng nghe nhiều ý kiến của các bậc phụ huynh lo lắng con mình bị bạo hành ở trường. Trong đó họ sợ con không chỉ bạo hành về thể chất còn cả bạo hành về mặt tinh thần.
Theo chuyên gia Toàn Thiện, vấn đề bạo lực gặp rất nhiều trong cuộc sống, từ bạo lực gia đình tới bạo lực công sở, bạo lực trong đủ mối quan hệ khác nhau. Trong đó, bạo lực trong môi trường giáo dục được quan tâm nhất. Đây là môi trường giáo dục, dạy dỗ con cái trưởng thành nên khi xảy ra vấn đề bạo lực thì dư luận đặc biệt quan tâm. Bạo lực trong giáo dục có thể ảnh hưởng tới 1 người hoặc một nhóm người. Người bị bạo lực bị ảnh hưởng tới cả tâm lý, thể chất, thậm chí tử vong.
Trước đây bạo lực học đường thường được coi là những va chạm tiếp xúc cơ thể. Nhưng hiện nay, bạo lực học đường có thể là hành động từ lời nói như nói xấu bạn, bạo lực tâm lý... Hình thức bạo lực tinh vi hơn nữa đó là trẻ bị tẩy chay, bắt nạt dẫn tới ảnh hưởng tâm lý khi đến trường.
Khi mạng xã hội phát triển, bạo lực học đường ở đời sống thực còn lan sang thế giới ảo. Qua các ứng dụng trẻ có thể dễ dàng tương tác với nhau và trẻ cũng có thể bị bắt nạt trực tuyến.
Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện tư vấn cho bệnh nhân. |
Phụ huynh góp phần ngăn chặn bạo lực học đường
Chuyên gia Toàn Thiện cho rằng, bạo lực học đường sẽ còn diễn ra với nhiều hình thức, cách thức khác nhau. Vì vậy việc phụ huynh nhận biết và bảo vệ con khỏi bạo lực học đường trong thời đại 4.0 hiện nay là rất quan trọng.
Bạo lực học đường xảy ra từ mầm non và nó diễn ra tới cấp 3, thậm chí đại học. Nguyên nhân gây bạo lực học đường đó là cách ứng phó stress của các em học sinh. Cơ chế tâm lý khi trẻ đứng trước stress sẽ có 3 xu hướng:
Thứ nhất là chống lại nó như đập đồ, chửi bới. Điều này ngay cả người lớn cũng rơi vào trạng thái đó.
Thứ hai là chạy trốn, lẩn tránh, né tránh tình huống đó để ứng phó với các căng thẳng từ môi trường.
Thứ ba, đông cứng không phản ứng với trong xã hội.
Bạo lực xảy ra từ căng thẳng trong học đường của học sinh với nhau. Học sinh hay sử dụng cách thứ nhất để ứng phó. Vậy nên mới thấy học sinh đôi khi chỉ mâu thuẫn từ việc nhỏ như cái bút, quyển sách và sẵn sàng tấn công nhau để giải quyết nhưng căng thẳng đó.
Theo chuyên gia Toàn Thiện, ở lứa tuổi vị thành niên (học sinh cấp 2, cấp 3), tâm lý lứa tuổi của các em có nhiều thay đổi, đứa trẻ không còn ngoan ngoãn "gọi dạ, bảo vâng". Các em sẽ hướng ra bên ngoài, có các mối quan hệ xã hội, có hình tượng của mình, thể hiện được tính cách của mình. Trẻ tìm các hình mẫu, thần tượng như ca sĩ, cầu thủ bóng đá để khẳng định cá tính. Vì vậy, trẻ dễ dẫn tới xung đột, va chạm vì muốn thể hiện nét riêng của mình.
“Điều quan trọng là dạy trẻ kỹ năng ứng phó đối với các cảm xúc của chính mình. Ban đầu các cảm xúc đều tốt, không có cảm xúc tiêu cực nhưng việc quản lý cảm xúc, hóa giải cảm xúc thế nào là điều mà học sinh cần trang bị. Học sinh quản lý cảm xúc không tốt sẽ dẫn đến bạo lực học đường” – chuyên gia Toàn Thiện cho biết.
Ngoài ra, học sinh cần được giáo dục về những quy tắc ứng xử văn hóa với bạn học để các em thiết lập được giới hạn hành vi, cho dù các em có tức giận cũng không được đánh người khác.
* Không copy nội dung bài viết dưới mọi hình thức khi chưa được Infonet chấp thuận bằng văn bản!
K.Chi