1/4/2023 là kỷ niệm 22 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Năm 2022, phim tiểu sử Em và Trịnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh được công chiếu đã gây ra làn sóng tranh cãi từ chất lượng phim đến những chi tiết hư thực.
Bài viết giới thiệu lại những bóng hồng từng đi ngang cuộc đời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cả những tranh cãi đâu là “Diễm cuối” của ông.
Bích Diễm: Mối tình chóng vánh nhưng ngọt ngào hương hoa của tuổi trẻ
Năm 1962, gia đình Trịnh Công Sơn ở Huế gặp nhiều khó khăn. Nhà ông đến cầu Phủ Cam thuê một căn hộ ở tầng 1. Ngày ngày, chàng trai trẻ họ Trịnh ngắm các cô gái nữ sinh trường Đồng Khánh ngang qua cầu.
Bóng dáng cao, yêu kiều, thanh tú trong tà áo dài trắng của cô nữ sinh Ngô Vũ Bích Diễm khiến chàng nhạc sĩ trẻ say mê. Lúc sinh thời, ông từng nhớ lại: "Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì…”.
Từ những lần vấn vương, xao xuyến rồi yêu say đắm, chàng nhạc sĩ Trịnh khi ấy đã viết tặng Bích Diễm bài Diễm xưa. Trịnh Công Sơn phác hoạ tình yêu lặng thầm của ông bị chìm trong cơn mưa tĩnh mịch: “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ/Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao/Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ/Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu”.
Như một dự báo, mối tình của Trịnh Công Sơn thời trẻ và Bích Diễm chóng vánh trôi qua bởi sự phản đối của cha nàng là thầy Ngô Đốc Khánh.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, một người bạn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng chia sẻ: "Anh Trịnh yêu Diễm mê mệt. Những ngày không thấy Diễm đi qua anh đau khổ vô cùng. Diễm biết Trịnh Công Sơn yêu mình và trái tim cô nhiều khi cũng rung động. Nhưng lúc ấy Diễm không thể vượt qua được sự nghiêm khắc của gia đình".
Cố nhạc sĩ cũng từng hoài niệm về mối tình xưa: “Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm".
Dao Ánh: Tình chị duyên em và 300 lá thư tình
Những ngày Trịnh Công Sơn đến thăm nhà Bích Diễm, ông không để ý một cô bé quanh quẩn chị gái, đó là Dao Ánh. Sau mối tình đầu tan vỡ, chàng trai họ Trịnh học Sư phạm ở Quy Nhơn rồi lên thị trấn B’lao (Lâm Đồng, Bảo Lộc) dạy học trong những ngày tháng đạn lạc bom rơi.
Trong nỗi cô đơn của người xa xứ lẫn đau buồn của thời chiến, Trịnh Công Sơn nhận được lá thư an ủi của Dao Ánh. Từ ấy, họ cứ trao nhau những lá thư và mơ hồ một tình cảm vừa chớm.
Niềm an ủi của người thầy giáo khi ấy được Trịnh Công Sơn viết: "Anh nhớ Ánh, nhớ Ánh, nhớ Ánh mà không nói được với ai. Như tiếng kêu của một loài kiến nhỏ… Rất mong thư Ánh mỗi ngày mỗi giờ mỗi tháng mỗi năm".
“Anh hơi lạ lùng là suốt những ngày lên đây anh thường nằm mơ có Ánh. Có Ánh rất yên lành qua những con đường xa lạ của một mùa hè đã qua mà phượng vẫn còn đỏ ngời”.
“Anh đọc thư Ánh từ chiều hôm qua. Cũng như tháng 8 năm ngoái, thư Ánh vẫn là thư đầu tiên trong những ngày mòn mỏi của anh ở đây. Anh đã đọc thư bao nhiêu lần. Và để mừng những tờ thư đó, anh đã mặc áo ấm vào đêm, uống thật say một mình rồi trở về cầm những tờ thư còn thơm mùi thơm quen thuộc đó mà ngủ. Bạch lạp thì cháy âm thầm trên giấc ngủ đó của anh".
Và cũng từ đây, ông viết nên những bản nhạc cho người con gái xứ Huế: “Những ngày này anh vẫn chưa làm được gì ngoài phí bỏ những giờ dài dẳng để ngồi đốt thuốc và nhìn hoài khoảng đất trời trước mặt. Anh đã viết xong một bản nhạc cho Ánh”.
Những ca khúc có thể kể đến như Tuổi đá buồn, Mưa hồng, Chiều một mình qua phố, Còn tuổi nào cho em, Như cánh vạc bay…
Nhưng trong những lá thư ấy, dù niềm yêu đã dậy, trong Trịnh Công Sơn vẫn bàn bạc niềm đổ vỡ mơ hồ và cứ thế lớn dần. Năm 1967, ông chủ động chia tay để cô đi tìm hạnh phúc mới.
Trong thư gửi Dao Ánh, ông có đoạn viết: “Anh xin cảm ơn 4 năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cảm ơn những buổi chờ đợi thật dịu dàng không bao giờ còn có được”. Và họ xa nhau, Dao Ánh lập gia đình rồi sang Mỹ định cư.
Năm 1993, Trịnh Công Sơn gặp lại Dao Ánh. Ông viết ca khúc Xin trả nợ người tặng bà với những ca từ khắc khoải: "Hai mươi năm em trả lại rồi/Trả nợ một đời xa vắng vòng tay/Hai mươi năm vơi cạn lại đầy/Trả nợ một thời môi vắng vòng môi/Hai mươi năm vẫn là thuở nào/Nợ lại lần này trong cõi đời nhau".
Trong những tháng cuối đời của cố nhạc sĩ vào năm 2001, Dao Ánh về thăm. Hoạ sĩ Đinh Cường từng cho biết suốt 1 tháng trước khi Trịnh Công Sơn mất, ngày nào bà cũng đến ngồi trên chiếc xe lăn và nhìn ông cho đến lúc về. Và dù đang bệnh, cố nhạc sĩ vẫn nhờ người gõ cho ông những lá thư để gửi Dao Ánh.
Trong khoảng hơn 300 lá thư gửi Dao Ánh, bà đã đồng ý cùng gia đình Trịnh Công Sơn công khai nội dung. Những lá thư ấy được tập hợp trong quyển Trịnh Công Sơn – Thư tình gửi một người.
Và trong một lần giỗ Trịnh, bà đã gửi thư cho gia đình ông, trong đó có đoạn: “Giờ này ở Việt Nam chắc đã là 1/4. Nén hương thắp lên và ngụm rượu nhấp môi, Ánh ngày xưa cũng như Ánh hôm nay, nhớ anh hôm nay cũng như nhớ anh bao ngày, tháng, năm đã qua, những ngày tháng, năm sắp tới”.
Có "Diễm cuối" hay không?
Vợ cũ diễn viên Huy Khánh - doanh nhân Lương Hoàng Anh từng được biết đến là "Diễm cuối" của Trịnh Công Sơn. Thế nhưng, bà Trịnh Vĩnh Trinh, em gái cố nhạc sĩ đã phủ nhận điều này.
Từng có một thời gian dài, người ta tranh cãi về việc liệu có hay không Diễm cuối, và ai mới thật sự là Diễm cuối của Trịnh.
Dường như đến giờ, vẫn không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này. Bởi người đã mất rồi, Diễm cuối là ai không còn quan trọng nữa.